Những ngày đỉnh lũ, căn nhà lưu niệm của đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình ngập lên đến gần 2,5 m. Bàn thờ, bàn ghế và nhiều kỷ vật đều chìm trong nước, hư hỏng nặng. Căn nhà chính cũng bị sóng đánh hỏng bản lề, khiến nhiều cánh cửa nghiêng đổ.
Trong 2 ngày 24-25/10, 35 chiến sĩ thuộc Tỉnh đội Quảng Bình đã có mặt tại nhà lưu niệm dọn dẹp sau trận lũ lịch sử.
Đại úy Hoàng Minh Hải (Tỉnh đội Quảng Bình) cho biết trong ngày 24/10, bộ đội đã dọn dẹp toàn bộ bùn đất bên trong nhà lưu niệm đại tướng, tháo dỡ những cánh cửa hỏng, lau dọn bàn ghế… Trong sáng 25/10, các chiến sĩ sẽ thu dọn khu vườn quanh nhà đại tướng trước khi bão số 8 đổ bộ.
Suốt 42 năm trông giữ căn nhà lưu niệm của đại tướng, cụ Võ Đại Hàm (80 tuổi, cháu của đại tướng Võ Nguyên Giáp) chưa bao giờ thấy căn nhà bị tàn phá nghiêm trọng đến vậy, kể cả sau trận lụt lịch sử năm 1979.
Cụ Hàm kể những ngày lũ mới về, cụ vẫn cố kê bàn ghế lên cao, ráng bám trụ lại để trông coi căn nhà của đại tướng. Thế nhưng, đến ngày 21/10, khi nước lũ dâng lên nửa căn nhà, cụ phải di chuyển về nhà văn hóa của xã để tránh lũ. Đến ngày 23/10, cụ mới trở về nhà của đại tướng.
Cụ Hàm lau di ảnh đại tướng. Ông nói mất mát lớn nhất là những bài báo, tài liệu lưu niệm đều đã tan theo nước lũ, không thể khôi phục. Dù trước khi rời căn nhà tránh lũ, cụ đã cố gắng kê cao các tài liệu lưu niệm, kỷ vật nhưng nước lũ vẫn dâng lên khiến các vật kỷ niệm này bị cuốn trôi.
“Hết sức tan hoang, rất là buồn”, cụ Hàm nghẹn ngào kể về cảm nhận đầu tiên khi vừa trở về căn nhà sau đợt lũ dữ. Cụ cho biết đây là trận lũ gây thiệt hại lớn nhất cho nhà lưu niệm đại tướng kể từ khi xây dựng đến nay.
Gian nhà thờ họ của đại tướng Võ Nguyên Giáp gần như sập hoàn toàn, chỉ còn lại phần mái và mấy cột trụ. Các mảnh gạch vỡ nằm ngổn ngang xung quanh.
Nhà lưu niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ngay bên bờ sông Kiến Giang, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy.
Căn nhà được chính quyền địa phương xây dựng từ năm 1976 làm nơi để đại tướng có chốn nghỉ ngơi mỗi lần trở về quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình).
Sau khi đại tướng qua đời, đây trở thành nơi để con cháu và người dân đến tham quan, thắp hương nhằm tưởng nhớ công lao của đại tướng.
Phạm Ngôn - Thu Hằng