Nhà máy chế biến thịt cũng lo tắc đầu ra

Việc chưa khơi thông được thị trường xuất khẩu các sản phẩm thịt khiến các nhà máy, nhà đầu tư băn khoăn, lo lắng công suất sẽ phải cắt giảm vì chưa có đầu ra ổn định ở thị trường nước ngoài.

Theo đánh giá từ Bộ NN&PTNT, Việt Nam đang có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á, với năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu. Ngành chăn nuôi hiện đóng góp 25,2% GDP ngành nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng khá cao, dư địa còn lớn về năng suất, chất lượng và thị trường.

Nhu cầu xuất khẩu là tất yếu

Sản phẩm chăn nuôi lợn ngoài đáp ứng thị trường nội địa đã có xuất khẩu, như: thịt lợn choai, lợn sữa... Mức đầu tư tăng lên khi ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam (Masan, Dabaco, Tân Long, Trường Hải, Hòa Phát...), doanh nghiệp nước ngoài (C.P, De Heus, Japfacomfeed...), và các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Chăn nuôi theo mô hình trang trại, công nghiệp ngày càng tăng, số lượng cơ sở chăn nuôi nông hộ đang giảm dần.

Cần phải khơi thông thị trường cho xuất khẩu thịt.

Cần phải khơi thông thị trường cho xuất khẩu thịt.

Thống kê từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, cả nước đang có 65 nhà máy, cơ sở giết mổ chế biến thịt bao gồm heo, gia cầm, trâu bò. Chế biến theo quy mô công nghiệp với công suất chế biến 1,1 triệu tấn/năm. Nhóm sản phẩm chế biến sâu chiếm 2-5%, còn đa phần chế biến ở cấp độ sơ chế, thịt đông lạnh, thịt mát.

Tới đây, theo kế hoạch Đề án phát triển cơ sở chế biến, giết mổ theo quy mô công nghiệp thì sản lượng chế biến sẽ nâng lên 25% vào năm 2025, lên 35% vào năm 2030. Đề án đã được xây dựng và trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, thời gian qua, việc xuất khẩu sản phẩm thịt cũng đã có những bước tiến như ngoài xuất khẩu thịt heo sữa, heo mảnh sang Malaysia, Hồng Kông, vừa rồi có một số sản phẩm thịt heo khử trùng xuất sang Hàn Quốc. Đây sẽ là tiền đề để mở rộng thị trường, song vấn đề khó khăn nhất hiện nay là hạ giá thành sản phẩm và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước, nêu khó khăn về thị tường đầu ra của ngành chăn nuôi, cũng như các doanh nghiệp chế biến giết mổ.

Theo đó, trước đây (giai đoạn 2015-2016), Trung Quốc là thị trường chủ lực nhập khẩu thịt heo của Việt Nam, nhưng từ năm 2017 đến nay, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gần như "đóng băng", khiến đầu ra của doanh nghiệp khó khăn.

Sở NN&PTNT Đồng Nai kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ đàm phán với Trung Quốc mở thị trường chính ngạch, nếu chỉ 1-2 tỉnh ở Trung Quốc tiêu thụ thịt heo thì cơ hội xuất khẩu của Việt Nam rất lớn.

Nhìn nhận khó khăn trên góc độ doanh nghiệp, ông Phan Ngọc Ấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc BaF Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đang phát triển nhanh mảng chăn nuôi, sắp tới phát triển thêm sản xuất thức ăn.

Về mảng giết mổ, hiện nay, BaF đầu tư 2 nhà máy giết mổ ở Bình Phước với công suất 240 con heo/giờ, bao tiêu toàn bộ số heo đầu ra của BaF. "Nhu cầu xuất khẩu thịt là yêu cầu tất yếu, chúng tôi sẵn sàng chăn nuôi toàn bộ chuỗi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhà máy giết mổ theo tiêu chuẩn GlobaGAP. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn thủ tục xuất khẩu cần được khơi thông, thông tư hướng dẫn ra sao để tạo nhiều điều kiện cho BaF cũng như các công ty có thể xuất khẩu được sang các nước", ông Ấn nói.

Doanh nghiệp còn mù mờ thông tin

Đã có kinh nghiệm xuất khẩu thịt gà sang thị trường Nhật, song ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus cho biết, doanh nghiệp vẫn đang khá loay hoay với bài toán xuất khẩu heo.

Ông Hiếu bày tỏ: "Hiện nay, doanh nghiệp vẫn chưa nắm được cụ thể yêu cầu làm thế nào để các quốc gia chấp thuận nhập khẩu thịt heo của chúng tôi. Doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin, nhờ cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT thông tin về điều kiện để xuất khẩu".

Theo Phó Tổng Giám đốc De Heus, doanh nghiệp này đang vận hành nhà máy giết mổ heo 2.500 con/ngày, công suất lớn có thể hướng xuất khẩu nhưng còn vướng mắc. Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh còn khó khăn. Vì vậy, De Heus mong muốn Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần phải công khai kế hoạch về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở khu vực nào, để doanh nghiệp tiến hành liên kết chuỗi chăn nuôi ngay tại địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, khó khăn thách thức là có, nhưng thời cơ với ngành chăn nuôi đã xuất hiện. Đặc biệt, tới đây cần xem có bao nhiêu dự án đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khép kín, quy mô công suất chế biến thế nào. Từ đó, các đơn vị trực thuộc trong Bộ có kế hoạch xúc tiến xuất khẩu.

Ông Tiến thông tin, vừa rồi được biết C.P Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền thuê chuyên cơ để chở chuyên gia Nhật Bản sang đánh giá thực tế, song do vướng mắc các quy định nên chuyên gia không sang được. Đây là khó khăn cần nhanh chóng tháo gỡ để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu được sản phẩm thịt nói chung và thịt heo nói riêng.

"Nếu chỉ quan tâm thị trường trong nước, không quan tâm tới thị trường nước ngoài, gắn chăn nuôi phát triển theo chuỗi, "nước đến chân mới nhảy" thì đến lúc sản lượng nhiều, ngành chăn nuôi lại phải giải cứu. Bài học giải cứu heo năm 2017 là thực tế cần phải ghi nhớ", ông Tiến lưu ý cần phải đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Để phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng: Khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; xây dựng và áp dụng các phần mềm để đảm bảo cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước.

Trên cơ sở phân tích dữ liệu tổng hợp có thể đưa ra nhận định, đánh giá sát thực tế và cảnh báo/dự báo năng lực sản xuất và cung cầu thị trường chăn nuôi giúp điều tiết sản xuất của các doanh nghiệp và người chăn nuôi; Xây dựng sàn giao dịch nông sản thực phẩm (sản phẩm chăn nuôi: con giống, vật nuôi giết thịt, trứng, thịt, sữa, các sản phẩm chế biến…).

Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam mới được xuất khẩu sang 15 thị trường

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 1,39 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,92 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 17,4% về trị giá.

Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Hồng Kông... giảm mạnh. Tháng 1/2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 15 thị trường.

Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 50,3% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước với 700 tấn, trị giá 4,73 triệu USD, giảm 13,9% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 27,9% về lượng, nhưng tăng 19,4% về trị giá.

Tháng 1/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt heo, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đụng lạnh...

Trong đó, thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 986 tấn, trị giá 5,55 triệu USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 tăng 78,3% về lượng và tăng 78,9% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.638 USD/tấn, giảm 6,7% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 0,3% so với tháng 1/2021. Thịt heo, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nha-may-che-bien-thit-cung-lo-tac-dau-ra-1084347.html