Nhà máy gạch 'bức tử' môi trường, dân đóng cửa nhà cả ngày lẫn đêm

Khói bụi, tiếng ồn phát tán từ nhà máy gạch Đại Hiệp ở Quảng Nam khiến môi trường bị 'tra tấn', đẩy người dân sống trong tình cảnh thống khổ tột cùng.

Hoạt động của nhà máy sản xuất gạch tuynel Đại Hiệp (đóng trên địa bàn thôn Đông Phú, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) kéo dài suốt 3 thập kỷ qua đã trở thành nỗi ám ảnh ăn sâu vào tâm trí của hàng nghìn người dân địa phương.

Ăn không ngon, ngủ không yên vì nhà máy gạch

Khoảng một tuần trở lại đây, nhiều người dân thôn Đông Phú bỏ công bỏ việc, dành toàn bộ quỹ thời gian túc trực ở nhà để theo dõi tình hình hoạt động của nhà máy gạch tuynel Đại Hiệp. Bất cứ khi nào nhà máy tái diễn tình trạng xả khói đen ngút trời, phát tán mùi hôi thối khủng khiếp là bà con lại tụ tập trước cổng để bày tỏ sự phản đối.

Ông Lê Tấn Mười (trú thôn Đông Phú) kể, nhà máy gạch Đại Hiệp bắt đầu xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 1994 – trùng thời điểm ông cất ngôi nhà cách nhà máy chừng vài bước chân.

“Những năm đầu, hoạt động sản xuất gạch của nhà máy ít ảnh hưởng tới các hộ dân xung quanh. Tuy nhiên, dần dà khi nhà máy đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất, môi trường tại các khu dân cư trên địa bàn thôn Đông Phú và các thôn lân cận bị đặt trong tình trạng báo động về ô nhiễm. Kinh hãi nhất là khí thải từ các ống xả khói của nhà máy đã tra tấn bầu không khí khủng khiếp” – ông Mười bức xúc giãi bày và nói thêm, hàng chục năm sống chung với khói bụi do nhà máy gạch phát tán, nhà của ông cũng như nhiều hộ dân lân cận luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.

Trong quá trình vận hành, nhà máy sản xuất gạch tuynel liên tục nhả khói đen khiến môi trường không khí ô nhiễm. (Ảnh: N.Đ)

Trong quá trình vận hành, nhà máy sản xuất gạch tuynel liên tục nhả khói đen khiến môi trường không khí ô nhiễm. (Ảnh: N.Đ)

Ông Mười vừa dứt lời, bà Nguyễn Thị Xí – chủ ngôi nhà nằm sát vách nhà máy gạch - than vãn, trước khi “mọc” lên cơ sở sản xuất gạch tuynel, cây cối, hoa màu trong vườn nhà bà và hàng xóm phát triển xanh tốt. Ấy nhưng, chừng 20 năm trở lại đây, bà con không còn trồng trọt được bất kỳ loại cây gì, ngoại trừ cỏ dại mọc hoang.

“Khí thải từ nhà máy kết hợp với bụi bặm từ bãi tập kết đất chất cao như núi đã trở thành mối hại cho cây trồng. Mùa nắng nóng, gió thổi khiến đống đất từ nhà máy bay bụi tứ tung, phủ đầy từ gốc đến ngọn thì không cây nào sinh trưởng nổi.

Chưa kể, mùa mưa, đất từ khu vực tập kết nguyên vật liệu của nhà máy tràn xuống khiến tuyến đường dân sinh lâm cảnh sình lầy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông” – bà Xí cho hay.

Theo người dân địa phương, không chỉ gây ô nhiễm bầu không khí, trong quá trình vận hành sản xuất, nhà máy gạch còn gây ô nhiễm tiếng ồn. Thời gian qua, khi sức chịu đựng đã vượt quá giới hạn, không ít người dân thôn Đông Phú khăn gói đến nơi khác sinh sống. Đơn cử như trường hợp của gia đình ông Đỗ Quang Khải. Trước đây, cả 5 đứa cháu đều sống chung với vợ chồng ông. Tuy nhiên, chừng một năm nay, hết thảy đã được gửi sang tá túc bên nhà ngoại (sui gia của ông Khải).

Hoạt động của nhà máy gạch tuynel khiến người dân địa phương ám ảnh suốt 3 thập kỷ qua. (Ảnh: Thanh Ba)

Hoạt động của nhà máy gạch tuynel khiến người dân địa phương ám ảnh suốt 3 thập kỷ qua. (Ảnh: Thanh Ba)

Bức xúc trước hoạt động gây ô nhiễm của nhà máy gạch, ông Khải bày tỏ sự thắc mắc: “Hai ống khói của nhà máy nhả khói đen liên tục 24/24 khiến người dân ăn không ngon, ngủ không yên. Điều hết sức lạ là tại sao nhà máy này nằm ngay giữa khu dân cư, cách Tỉnh lộ 609B chỉ 100m nhưng vẫn được phép hoạt động.

Vì đã vượt ngưỡng sức chịu đựng nên cực chẳng đã bà con mới thường xuyên tập trung trước cổng nhà máy để bày tỏ sự phản đối với hy vọng chính quyền địa phương sớm xem xét di dời cơ sở này đi nơi khác”.

Đề xuất di dời nhà máy

Liên quan đến hoạt động của nhà máy gạch Đại Hiệp, đại diện Phòng TN&MT huyện Đại Lộc cho biết, năm 1994, Chính phủ đồng ý chủ trương và UBND tỉnh quyết định giao đất cho Công ty Xây dựng số 4 Quảng Nam – Đà Nẵng triển khai xây dựng nhà máy gạch Đại Hiệp. Sau khi cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Đất Quảng là doanh nghiệp phụ trách vận hành nhà máy và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hết thời hạn thuê đất.

Thời gian qua, người dân thôn Đông Phú thường xuyên tập trung phản đối hoạt động của nhà máy. (Ảnh: Thanh Ba)

Thời gian qua, người dân thôn Đông Phú thường xuyên tập trung phản đối hoạt động của nhà máy. (Ảnh: Thanh Ba)

Cuối tháng 8 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo huyện, Phòng TN&MT đã làm việc với UBND xã Đại Hiệp, Trưởng thôn Đông Phú và Công ty Cổ phần Đất Quảng về vấn đề ô nhiễm mà người dân phản ánh.

“Tại buổi làm việc, chính quyền địa phương trình bày những lo lắng của người dân và đề xuất cấp trên xem xét giải quyết di dời nhà máy hoặc di dời dân đi nơi khác. Còn phía công ty cam kết sẽ cải tiến máy móc nhằm đảm bảo các tiêu chí về môi trường, hoạt động không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh” – vị đại diện Phòng TN&MT huyện cho biết và giải thích rõ thêm, theo quy định mới, nhà máy gạch tuynel Đại Hiệp phải được nâng cấp, cải tiến máy móc, công nghệ để đảm bảo các điều kiện về môi trường.

“Núi” nguyên liệu từ nhà máy thường xuyên bị gió thổi bay mù mịt khiến môi trường không khí ô nhiễm. (Ảnh: Thanh Ba)

“Núi” nguyên liệu từ nhà máy thường xuyên bị gió thổi bay mù mịt khiến môi trường không khí ô nhiễm. (Ảnh: Thanh Ba)

Sau khi hoàn thành, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra. Nếu nhà máy hoạt động đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về môi trường thì được phép hoạt động. Còn nếu tiếp tục gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân lân cận thì Phòng TN&MT sẽ tham mưu UBND huyện báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư.

Trong khi đó, trả lời VTC News, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Lê Đỗ Tuấn Khương xác nhận, nhà máy gạch tuynel Đại Hiệp nằm lọt thỏm giữa khu dân cư. Trong quá trình hoạt động đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Người dân địa phương yêu cầu nhà máy này phải di dời khỏi khu dân cư. (Ảnh: Thanh Ba)

Người dân địa phương yêu cầu nhà máy này phải di dời khỏi khu dân cư. (Ảnh: Thanh Ba)

“Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, tháng 4 vừa qua, UBND huyện đã gửi báo cáo cho Sở TN&MT tỉnh để có hướng giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Đối với vấn đề di dời nhà máy, việc này cần có ý kiến, xem xét của cơ quan ban ngành các cấp, cần thực hiện việc kiểm kê, rà soát quy hoạch mô hình sản xuất kinh doanh, quy hoạch khu dân cư đã được phê duyệt. Nội dung này UBND huyện sẽ đề xuất UBND tỉnh và các Sở, ban ngành có liên quan” – ông Khương thông tin thêm.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nha-may-gach-buc-tu-moi-truong-dan-dong-cua-nha-ca-ngay-lan-dem-ar893702.html