Nhà máy hơn 200 tỷ đồng chậm tiến độ, người dân mòn mỏi chờ nước sạch
Về mùa khô, nhiều xã ở địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong khi đó, dự án nhà máy nước gần 230 tỷ đồng lại chậm tiến độ, phải tiếp tục xin gia hạn.
Dự án cấp bách
Dự án nhà máy nước Hương Khê được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đầu tư năm 2016 và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công vào năm 2019 với tổng mức đầu tư trên 229,4 tỷ đồng, do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư.
Công trình cấp nước này được đặt tại khu vực đầu nguồn sông Tiêm, thuộc địa bàn xã Phú Gia với công suất 9.000m3/ngày đêm. Theo dự kiến, sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng 15.000 hộ dân với trên 52.000 nhân khẩu thuộc khu vực thị trấn Hương Khê và 8 xã phụ cận của huyện này.
Theo nội dung biên bản cuộc họp ngày 3/7/2015 với sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương vùng dự án, nguồn nước sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn huyện chủ yếu dùng bằng giếng khơi và các khe suối, lòng hồ…, vì thế về mùa khô thường xuyên bị thiếu nước trầm trọng.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, một số xã của huyện Hương Khê là nơi chứa xăng dầu phục vụ tiền tuyến. Bom đạn trong chiến tranh đã làm hệ thống đường ống dẫn và các bồn, téc chứa xăng dầu bị vỡ, ngấm vào trong đất gây ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều thôn, xã.
Ngoài ra, nguồn nước ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều bị nhiễm phèn, đá vôi và các loại thuốc trừ sâu như DDT, 666..., nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao, đặc biệt là các bệnh về ung thư, bệnh da liễu, bệnh đường ruột...
Do đó, việc triển khai xây dựng nhà máy nước để cung cấp nước sạch, phục vụ đời sống sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện là rất cần thiết và cấp bách.
Xin gia hạn đến 2 lần
Dự án được khởi công vào tháng 2/2020, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 8/2022, do liên danh Công ty TNHH Khánh Môn (đóng tại TP Hà Tĩnh) và Công ty CP Hà Huy (trụ sở tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An) thi công; liên danh Công ty CP Kỹ thuật môi trường và xây dựng - CEEN (Hà Nội), Công ty CP Tư vấn xây dựng 268 và Công ty CP Tư vấn xây dựng Sơn Hải (Hà Tĩnh) làm tư vấn giám sát.
Tuy nhiên, sau 30 tháng triển khai theo hợp đồng thi công, đến nay dự án vẫn còn ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa hoàn thành, một số máy móc thiết bị chưa được lắp đặt, phải xin gia hạn đến 2 lần, khiến người dân lo lắng và mòn mỏi chờ đợi.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hương Khê (đại diện chủ đầu tư) cho biết, hiện còn khoảng 20km (trên tổng 210km) đường ống trong thị trấn, đặc biệt là khoảng 3km qua tuyến đường Hồ Chí Minh chưa được lắp đặt.
Theo ông Tuấn, dự kiến đến tháng 4 năm nay sẽ hoàn thành, từ tháng 5 và tháng 6 sẽ vận hành chạy thử rồi bàn giao. Ông Tuấn cũng thừa nhận, dự án phải xin gia hạn 2 lần, lần thứ nhất đến 31/12/2022 và lần thứ 2 đến tháng 6/2023.
Nói về nguyên nhân phải xin gia hạn dự án đến 2 lần, ông Tuấn lý giải, trong quá trình thi công, mặc dù đã được tính toán kỹ lưỡng nhưng phải đảm bảo an toàn cho các hệ thống cáp ngầm, nên phải phối hợp các đơn vị liên quan để xử lý nếu xảy ra sự cố.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, mặc dù nguồn vốn đảm bảo nhưng thời tiết năm qua không thuận lợi, mưa nhiều. Ngoài ra thời gian triển khai chủ yếu gặp Covid-19 nên bị giãn cách, không có công nhân để làm; một số máy móc, thiết bị nhập từ nước ngoài về không đảm bảo thời gian theo kế hoạch.
Người dân và chính quyền nói gì?
Bà N.T.K (thôn Trường Sơn, xã Phú Gia) phàn nàn, nhà máy triển khai đã 3 năm nay, vừa rồi thử cho nước về nhưng không biết tắc ở đâu. Trong vùng có khoảng 50% giếng đào bị thiếu nước vào mùa hè. Nhiều nhà dân bị cạn, phải thuê người đào thêm hoặc đi xin nước của các hộ khác.
Ông Phan Đình Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia cũng xác nhận, do địa hình cao nên về mùa hè một số hộ dân tại thôn Rú Thành bị thiếu nước, phải đi xin từ những hộ dân ở vùng thấp.
“Trước đây thì thiếu mạnh, có những thời điểm giếng cạn hẳn luôn. Từ khi có con kênh dẫn nước từ sông Tiêm chảy về nên cũng đỡ. Nước từ dòng kênh ngấm vào lòng đất rồi chảy vào hệ thống giếng khơi”, ông Long chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia, khi nhà máy nước đi vào hoạt động thì nhân dân cơ bản sẽ sử dụng nước sạch, còn hiện tại thì đang dùng giếng khoan, giếng đào.