Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 chính thức khánh thành

Ngày 13/3 tại Khánh Hòa, trước sự chứng kiến của lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đã chính thức được khánh thành. Đây là một trong những dự án năng lượng trọng điểm, đóng góp cho nhu cầu điện năng của tỉnh Khánh Hòa cũng như khu vực miền Nam và Nam Trung bộ.

Các đại biểu thực hiện nghi thức đấu nối điện năng từ Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 hòa vào điện lưới quốc gia, chính thức khánh thành Nhà máy.

Các đại biểu thực hiện nghi thức đấu nối điện năng từ Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 hòa vào điện lưới quốc gia, chính thức khánh thành Nhà máy.

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa; Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan…

Dự án công nghiệp có quy mô lớn nhất tại tỉnh Khánh Hòa

Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, được đầu tư bởi Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản. Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (VPCL) là doanh nghiệp dự án được chủ đầu tư thành lập với 100% vốn góp. Dự án được đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) theo Hợp đồng BOT ký bởi Bộ Công Thương đại diện cho Chính phủ Việt Nam và sẽ được bàn giao cho Chính phủ sau 25 năm vận hành.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi lễ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại buổi lễ.

Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 có địa điểm tại Khu kinh tế Vân Phong, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa có tổng mức đầu tư gần 2,58 tỷ USD và khởi công ngày 5/11/2019. Ngày hoàn thành hạng mục dự án là 4/9/2023. Đây là dự án nhóm A, công trình nhiệt điện cấp 1 với tổng diện tích hơn 133ha nằm trong trung tâm điện lực Vân Phong.

Nhà máy có quy mô 1.432MW với 2 tổ máy 716MW công suất thô và 660MW công suất tinh. Tổ máy chính gồm lò hơi + tua bin + máy phát + máy biến áp tăng áp. Nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn với hàng loạt các thiết bị hiện đại, đảm bảo hiệu suất cao đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt của Việt Nam và quốc tế.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi lễ.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi lễ.

Việc nhà máy đi vào hoạt động, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Vân Phong thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Khánh Hòa trong việc đảm bảo các điều kiện hạ tầng tốt nhất, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, triển khai các dự án có hàm lượng công nghệ, thân thiện với môi trường theo đúng định hướng thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ; góp phần đưa Khánh Hòa hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á tại Nghị quyết 09-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 2,58 tỷ USD.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 2,58 tỷ USD.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 là dự án công nghiệp có quy mô lớn nhất tại tỉnh Khánh Hòa tính đến thời điểm này, là dự án động lực có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa nói chung và Khu kinh tế Vân Phong nói riêng.

Dự án được hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành sẽ có sức lan tỏa, thúc đẩy, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, phát triển công nghiệp địa phương, tạo sức bật cho nền kinh tế tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung bộ, đồng thời tạo ra nhiều việc làm, đóng góp cho ngân sách địa phương với dự kiến khoảng 1.000 tỷ mỗi năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đánh giá cao lòng quyết tâm, kiên trì và tinh thần làm việc nghiêm túc, tính tuân thủ cao đối với các quy định pháp luật Việt Nam đối với nhà đầu tư Tập đoàn Sumitomo; Tin tưởng và hy vọng tập đoàn Sumitomo nói riêng, các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước nói chung sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án công nghiệp, hạ tầng, dịch vụ mới tại tỉnh.

Góp phần bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia

Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 chính thức đi vào vận hành sẽ cung cấp thêm khoảng 8,5 tỷ kWh điện hàng năm lên lưới điện quốc gia, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng điện năng toàn quốc. Nhà máy được kỳ vọng sẽ đảm bảo cung cấp điện năng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ dân sinh cho tỉnh Khánh Hòa, khu vực miền Nam và toàn quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định: Nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, cũng như thiết thực chào mừng việc nâng cấp quan hệ hai nước Việt Nam – Nhật Bản lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tháng 11/2023 vừa qua.

Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao đầu mối quản lý Nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và quản lý Nhà nước về khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư, đảm bảo Dự án triển khai đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả như cam kết.

Là một trong những tập đoàn Nhật Bản có sự hiện diện sớm tại Việt Nam, Sumitomo có thế mạnh trong các ngành công nghiệp chế tạo, năng lượng, thành phố thông minh, sản xuất linh kiện điện tử, tài chính... Thứ trưởng mong muốn với các dự án đầu tư của Tập đoàn Sumitomo tại Việt Nam, quan tâm nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính đảm bảo phát triển bền vững. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ các nhà đầu tư, trong đó có Sumitomo để triển khai dự án, đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.

Sau hơn 4 năm thi công, toàn bộ nhà máy đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại chính thức từ ngày 24/1/2024, trước thời hạn cam kết với Chính phủ Việt Nam. Đáng chú ý, VPCL cùng liên danh các nhà thầu đã đạt được thành tựu này sau khi vượt qua hàng loạt khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Ông Hirokazu Tsuru - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong khẳng định, chính sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền Trung ương và địa phương là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với dự án, đóng góp cho sự hoàn thành công tác xây dựng nhà máy theo đúng tiến độ. Công ty đặc biệt trân trọng và đánh giá cao tất cả các sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa trong quá trình phát triển và xây dựng dự án.

Ông Hirokazu Tsuru - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong.

Ông Hirokazu Tsuru - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong.

Đặc biệt phải kể đến sự hỗ trợ và hợp tác đầy tin cậy của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN khi hoàn thành đường dây 500kV Vân Phong – Thuận Nam và Trạm biến áp Vân Phong trong một thời gian ngắn, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các công ty thuộc EVN trong quá trình xây dựng và thử nghiệm Nhà máy.

“Tập thể Công ty TNHH Điện lực Vân Phong tự tin có thể đóng góp cho nền kinh tế và xã hội của Việt Nam thông qua quá trình vận hành ổn định của nhà máy cũng như tích cực triển khai, tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, an sinh xã hội tại địa phương” - ông Hirokaru Tsuru nói.

Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (VPCL) trao tặng các phần quà Chương trình vì cộng đồng nhân dịp khánh thành.

Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (VPCL) trao tặng các phần quà Chương trình vì cộng đồng nhân dịp khánh thành.

Trách nhiệm xã hội của VPCL cũng được biết đến với nhiều chương trình hỗ trợ sinh kế, an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực. Trong 4 năm qua, VPCL đã đóng góp hơn 16 tỷ đồng cho Chương trình An sinh – Xã hội, chăm sóc 7.000 lượt người mỗi năm, trong đó có gần 70% trẻ em và người cao tuổi. Ngoài ra, trong giai đoạn xây dựng, dự án đã tạo việc làm cho gần 2.000 lao động của tỉnh Khánh Hòa, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các mốc chính hoàn thành tiến độ công trình dự án như sau: Công việc hoàn thành công tác xây lắp tổ máy 1 vào 25/4/2023, tổ máy 2 vào 15/8/2023. Đóng điện ngược sân phân phối 500kV của 2 tổ máy vào 29/12/2022. Hòa điện lần đầu tổ máy 1 vào 28/4/2023, tổ máy 2 vào 16/8/2023… Sau 53 tháng triển khai xây dựng, tháng 1/2024, nhà máy đã hoàn thành và được cấp Giấy phép hoạt động điện lực, đi vào vận hành thương mại chính thức trước thời hạn yêu cầu tại Hợp đồng BOT.

Ngọc Hà

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nha-may-nhiet-dien-bot-van-phong-1-chinh-thuc-khanh-thanh-371483.html