Nhà máy xi măng áp dụng công nghệ xanh trong sản xuất
Tọa lạc tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhà máy xi măng Tân Thắng được bao phủ bởi cây xanh, không thải bụi nhờ được vận hành bởi công nghệ hiện đại.
“Trong tháng 9 và 10, chúng tôi đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang nhiều quốc gia như Australia, Trung Quốc, Mỹ... Quanh nhà máy, cây cối vẫn xanh tươi, không hề có bụi. Ở các vị trí như máy nghiền liệu, nghiền xi, trạm trung chuyển băng tải… đều bố trí thiết bị lọc bụi công nghệ cao để giảm thiểu ô nhiễm không khí, đồng thời tiết kiệm nguyên liệu”, ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó trưởng phòng công nghệ Tân Thắng chia sẻ khi nhìn lại 5 tháng nhà máy xanh này đi vào vận hành.
Giải pháp bảo vệ môi trường
Theo đại diện Tân Thắng, để có được niềm tự hào về một nhà máy xi măng xanh - sạch - hiện đại, ban lãnh đạo đã nỗ lực khảo sát, tìm hiểu và xây dựng các phương án tối ưu từ khi lập kế hoạch dự án cho tới khi vận hành.
Các cán bộ của dự án đã dày công nghiên cứu thực tế tại các nhà máy xi măng khu vực Đông Nam Á và châu Âu, chọn lọc ra những công nghệ, thiết bị bảo vệ môi trường tốt. Họ nhận thấy một vấn đề đặc thù của nhiều nhà máy xi măng là tạo ra nhiều bụi tại phân xưởng và ngoài nhà máy. Bụi kéo theo nguyên liệu bị lãng phí và ô nhiễm môi trường, đồng thời gây tiêu hao năng lượng điện.
Do vậy, Tân Thắng đặt mục tiêu phát triển bền vững bằng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Để xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ này, nhà máy cần có trang bị hiện đại và được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xi măng trong nước và quốc tế.
Tân Thắng là một trong những nhà máy xi măng có thời gian thi công nhanh nhất tại Việt Nam. Đội ngũ quản lý dự án, nhà cung cấp thiết bị, nhà thầu gia công chế tạo, đơn vị thi công đã nỗ lực không ngừng để đưa nhà máy vào hoạt động đúng 17 tháng, từ ngày đóng cọc xây dựng đầu tiên đến khi chạy thử toàn bộ dây chuyền thiết bị.
Đến nay, nhà máy xi măng Tân Thắng đã vận hành được 5 tháng, trở thành biểu tượng xanh trong ngành sản xuất xi măng của Nghệ An.
Hiện tại, nhà máy xi măng đang vận hành với công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm; dự kiến mở rộng quy mô thêm dây chuyền 2 trong tương lai.
Tuy nhiên, theo đại diện nhà máy, dù ở công suất hiện tại hay công suất tối đa trong tương lai, môi trường quanh Tân Thắng sẽ luôn được duy trì xanh, sạch,an toàn và thực sự thân thiện với môi trường. Niềm tin này đến từ kết quả thực tế trong những ngày đầu sản xuất và các công nghệ 4.0 mà nhà máy đang ứng dụng.
Những con số ấn tượng về Tân Thắng
Với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng và được sự tư vấn của Ngân hàng TMCP Bắc Á, xi măng Tân Thắng chọn hướng phát triển bền vững với thông điệp “Tạo khác biệt - Dựng niềm tin”. Nhờ đó, nhà máy được đầu tư hệ thống công nghệ sản xuất thuộc thế hệ mới nhất của các hãng hàng đầu thế giới về sản xuất xi măng.
Đó là máy nghiền liệu, nghiền than Atox Mill của FLSmidth (Đan Mạch); lò nung clinker 2 bệ đỡ đường kính trong 5 m, chiều dài 60,7 m, khối lượng 484 tấn (bao gồm 6 block), sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất của hãng FLSmidth (Đan Mạch); hệ thống máy nghiền đứng thế hệ mới của Loesche (Đức); hệ thống máy đóng bao hiện đại có độ chính xác cao, xuất xi măng bao đa năng cho cả xe có mui và không mui, được cung cấp bởi hãng Haver & Boecker (Đức).
Giữ vai trò quan trọng nhất trong quy trình sản xuất của nhà máy là hệ thống điện tự động hóa của ABB (Thụy Sỹ). Trang bị công nghệ tiên tiến, hệ thống này giúp điều khiển tập trung, kiểm soát đồng bộ hoạt động của nhà máy, kết nối các công nghệ điện tử, cơ khí, môi trường với nhau. Hệ thống chỉ tiêu hao khoảng 95 KW điện năng cho mỗi tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 730 kcal/kg clinker.
Tại nhà máy xi măng Tân Thắng, nồng độ bụi đầu ra luôn nhỏ hơn 30 mg/Nm3, khu vực nghiền xi nhỏ hơn 20mg/Nm3. Nồng độ này tuân thủ đúng quy định hiện hành của Nhà nước là 100 mg/Nm3 tại QCVN 23:2009/BTNMT, thậm chí đáp ứng tốt hơn. Bụi phát sinh được xử lý bởi công nghệ lọc bụi túi [KH giải thích rõ hơn về công nghệ này] kết hợp với lọc tĩnh điện. Các số liệu quan trắc môi trường đều được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An để kiểm tra, giám sát.
“Tiêu chuẩn môi trường hiện nay ở Tân Thắng ngang bằng với yêu cầu của tiêu chuẩn châu Âu, đạt trên mức yêu cầu so với tiêu chuẩn của Việt Nam”, anh Nguyễn Xuân Hùng - Phó trưởng phòng công nghệ của Tân Thắng - nhấn mạnh.
Tân Thắng đã triển khai nhà máy nhiệt điện khí thải theo hình thức BOT. Theo đó, tổng điện năng tiêu thụ chỉ 23-25 MW/h, sử dụng nhiệt điện khí thải công suất phát 7 MW/h. Như vậy, nhà máy tiết kiệm được tới 30% tổng điện năng tiêu thụ. Việc triển khai dự án phát nhiệt điện khí thải sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải bụi và bảo vệ môi trường.
Sau những lô hàng sang Mỹ, Australia, Trung Quốc, tháng 10 vừa qua, xi măng Tân Thắng còn tiếp tục khai thác thị trường Cộng hòa Kiribati và nhiều quốc gia khác.
Thị trường ngoại quốc đánh giá cao và lựa chọn xi măng Tân Thắng là nhờ sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật ASTM của Mỹ và EN của châu Âu, đáp ứng yêu cầu sử dụng trong các công trình dân dụng cũng như công nghiệp quy mô lớn. Thêm vào đó, xi măng Tân Thắng còn được thị trường quốc tế ưa chuộng bởi chất lượng cao, ổn định, màu đẹp mắt, mẫu mã và bao bì hiện đại.
Nắm bắt công nghệ 4.0, xi măng Tân Thắng sản xuất nhiều sản phẩm cao cấp, nổi bật là dòng sản phẩm xi măng bền sunfat dùng trong những công trình dưới biển, hải đảo, khu vực ngập mặn hay nhiệt điện. Sản phẩm vừa chất lượng, vừa đảm bảo an toàn với môi trường là lợi thế lớn giúp doanh nghiệp này chinh phục thị trường trong nước, hướng tới các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Singapore, New Zealand và châu Phi.