Nhà máy, xí nghiệp 'độc hại' cố tình không di dời: Hà Nội có thể cắt điện, cắt nước

Theo chuyên gia, trong trường hợp các nhà máy, xí nghiệp chây ì, không chịu di dời, Hà Nội có thể có giải pháp mạnh tay, là cắt điện, cắt nước.

Mới đây, UBND Hà Nội đã có tờ trình, gửi HĐND thành phố về đề xuất di dời 10 cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô trong 5 năm tới.

Trong 10 cơ sở sản xuất này, có nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm trên “đất vàng” giá trị rất lớn, như nhà máy Bia Hà Nội, diện tích hơn 52.000m2 trên phố Hoàng Hoa Thám, Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội trên đường Nguyễn Văn Cừ, hay nhà máy thuốc lá Thăng Long trên đường Nguyễn Trãi.

Bên cạnh các nhà máy xí nghiệp, một số trụ sở, văn phòng của các cơ quan nhà nước cũng được đề nghị di dời trong đề xuất của thành phố.

Trong trường hợp các nhà máy, xí nghiệp chây ì, không chịu di dời, Hà Nội có thể có giải pháp mạnh tay, là cắt điện, cắt nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng: Trong 10 cơ sở sản xuất, trụ sở văn phòng được Hà Nội đề xuất di dời ra khỏi nội đô lần này, có một số nhà máy, xí nghiệp được đánh giá không có lợi cho môi trường đô thị lớn như Hà Nội.

“Đây là điều phải làm, và phải thật kiên quyết để đảm bảo môi trường Hà Nội trong sạch. Bởi, nếu không mạnh tay, không quyết tâm di dời các nhà máy độc hại, thì “thảm họa” của nhà máy bóng đèn và phích nước Rạng Đông, có thể xuất hiện lần thứ 2”. ông Đính nói.

Theo ông Đính, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp “độc hại” ra khỏi nội đô đã có từ 20 năm trước. Trên thực tế, trong 10 năm qua, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, có thể kể tới như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, cơ khí ô tô 3/2,...

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa ra khỏi nội đô là do họ chưa có quỹ đất phù hợp, quỹ đất chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất để di dời.

Do đó, để quá trình di dời nhanh chóng, Hà Nội nên có giải pháp về quỹ đất cho các nhà máy, xí nghiệp này. Theo ông Đính, đề xuất di dời các nhà máy, xí nghiệp sang các khu công nghiệp tập trung là phù hợp nhất.

“Trong trường hợp các nhà máy, xí nghiệp này cố tình ở lại, chây ì không trả đất, thì Hà Nội có thể cắt nước, cắt điện để yêu cầu họ di dời”, ông Đính nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho rằng: Theo quy hoạch của Hà Nội, sau khi di dời 10 nhà máy, xí nghiệp, trụ sở văn phòng, quỹ đất sẽ được phục vụ làm các công trình công cộng, như công viên, trường học, bãi đỗ xe.

“Các nhà máy, xí nghiệp được di dời trước đây, hầu hết được xây chung cư, khu đô thị, khiến cho hạ tầng đô thị bị quá tải. Do đó, quy hoạch các nhà máy này trở thành các công trình công cộng là điều cần phải làm. Nhưng, quá trình di dời cần phải được giám sát chặt chẽ, tránh trường hợp “trên bảo, dưới không nghe”, ông Tuấn nói thêm.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-may-xi-nghiep-doc-hai-co-tinh-khong-di-doi-ha-noi-co-the-cat-dien-cat-nuoc-post201489.html