Nhà máy xử lý rác gần 800 tỷ ở Hà Nội bị bỏ hoang
Hà Nội quy hoạch tới 17 khu xử lý rác thải, nhưng hiện tại chỉ có 3 khu hoạt động. Một trong những dự án 'chết lâm sàng' là khu xử lý rác thải huyện Đông Anh với mức đầu tư 768 tỷ đồng.
XEM CLIP:
Với mật độ dân số cao, vấn đề xử lý rác thải tại Hà Nội chưa bao giờ hết nóng. Thi thoảng, người dân Thủ đô lại phải chứng kiến cảnh rác thải ùn ứ vì "trục trặc" tại các bãi rác thải ở ngoại ô.
Đơn cử như gần đây, người dân chặn cổng bãi rác Xuân Sơn (huyện Ba Vì) để kiến nghị việc đền bù giải phóng mặt bằng, di dời khiến việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải bị ảnh hưởng.
Tại khu xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) cũng đã từng xảy ra chuyện chặn xe rác liên quan đến giải phóng mặt bằng, quyền lợi của người dân, khiến một số quận nội thành chịu cảnh rác thải tồn đọng.
Tuy nhiên, tại xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) lại có một nhà máy xử lý rác bỏ không. Dự án khu xử lý rác thải huyện Đông Anh được khởi công xây dựng vào năm 2011, tổng mức đầu tư 768 tỷ đồng. Theo tiến độ dự kiến được phê duyệt, nhà máy sẽ hoạt động xử lý rác từ năm 2017.
Dự án được Công ty Cổ phần đầu tư Thành Quang thực hiện trên diện tích hơn 8ha. Khu xử lý rác thải nếu đi vào hoạt động sẽ áp dụng công nghệ đốt plasma. Chủ đầu tư được miễn tiền thuê đất thực hiện dự án trong 50 năm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV VietNamNet vào tháng 2/2023, dự án này vẫn chưa đi vào hoạt động, bên trong hoang vắng, cỏ mọc um tùm.
Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Thành Quang cho biết, nhà máy đốt rác chậm hoạt động do nhiều nguyên nhân. Ngoài vấn đề khó khăn về tài chính của doanh nghiệp, vướng mắc trong điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư để xử lý rác thải nguy hại, một nguyên nhân nữa là do phát sinh mâu thuẫn với nhà thầu cung cấp dây chuyền công nghệ.
Theo chính quyền địa phương, sau khi được bàn giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống phân loại rác thô và sơ chế kim loại, ủ rác, sấy rác, lò đốt plasma; hệ thống xử lý khói thải, nước thải, thu gom và xử lý mùi, hệ thống điều khiển... Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều hạng mục chưa được xây dựng, diện tích 8,7ha của dự án đang để trống nhiều khu đất.
''Người dân và chính quyền địa phương mong muốn lãnh đạo thành phố sớm chỉ đạo Công ty Thành Quang nhanh hoàn thiện dự án đưa vào sử dụng… để môi trường xanh, sạch, đẹp, tránh lãng phí tài nguyên đất”, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho hay.
Được biết, nếu đi vào hoạt động, nhà máy này có công suất đốt 500 tấn rác/ngày. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải cho bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) khi xử lý được toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đông Anh và một số khu vực lân cận.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ có 17 khu xử lý chất thải rắn, trong đó có xử lý chất thải sinh hoạt.
Thế nhưng, hiện tại thành phố chỉ có 3 khu xử lý chất thải sinh hoạt có thể hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn ở thị xã Sơn Tây, Khu xử lý chất thải Cầu Diễn ở quận Nam Từ Liêm.
Nhiều dự án xử lý rác thải khác đang trong tình trạng ì ạch, chưa đi vào hoạt động vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân công nghệ xử lý rác lạc hậu, không còn phù hợp.