Nhà máy Z189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng): Thành công trước hết từ an toàn lao động
Z189 là một trong những nhà máy đóng tàu tiêu biểu của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng nói riêng và ngành đóng tàu cả nước nói chung.
Để duy trì được vị thế đó, ngoài không ngừng ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm lo tốt đời sống của người lao động, đơn vị còn đặc biệt chú trọng vấn đề an toàn lao động (ATLĐ).
Nhà máy Z189 có chức năng, nhiệm vụ chính là đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy; sản xuất cấu kiện kim loại; vận tải... phục vụ quốc phòng và làm kinh tế. Môi trường lao động ở đây khắc nghiệt, tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ. Nhưng nhiều năm qua, Nhà máy luôn giữ an toàn tuyệt đối về người và trang thiết bị, chưa để xảy ra vụ việc đáng tiếc nào trong quá trình sản xuất.
Cùng đoàn công tác Phòng An toàn-Bảo hộ lao động Quân đội (Bộ Tham mưu Tổng cục Kỹ thuật) tham quan khu vực nhà xưởng rộng hàng chục nghìn mét vuông của Nhà máy, chúng tôi được biết, ngoài thực hiện những “hot work” (công việc phát sinh nhiệt) như hàn, cắt, mài... người lao động tại Nhà máy Z189 còn thường xuyên phải làm việc trên giàn giáo cao tới chục mét hay trong hầm tàu kín với hàng nghìn cấu kiện máy móc phức tạp. Điều này đặt ra yêu cầu về ATLĐ hết sức nghiêm ngặt.
Tại khu vực làm việc của Tổ Lắp ráp 4, Xí nghiệp Đóng tàu 2, Đại úy QNCN Phạm Văn Hiếu, Tổ trưởng, đang phổ biến công việc trong ngày tới các thành viên. Trao đổi với chúng tôi, anh Hiếu cho biết: “Công việc của Tổ Lắp ráp 4 luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ. Vì thế, tôi phải thường xuyên quán triệt, nhắc các thành viên trong tổ tuân thủ nghiêm quy tắc ATLĐ. Trước mỗi ca làm việc, Nhà máy đều tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép cho công việc mà người lao động sẽ thực hiện, đặc biệt là “hot work”. Ví dụ, khi người lao động thực hiện hàn, cắt phải được giám sát nguy cơ cháy, nổ, văng, bắn; khi làm việc trong khu vực kín phải có người kiểm soát luồng không khí lưu thông; hoạt động trên cao thì phải có dây đai bảo hộ...”.
Hằng năm, Nhà máy Z189 đều tập huấn cho người lao động về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định. Đối với những lao động mới tuyển dụng, đơn vị tổ chức lớp học về ATLĐ trước khi giao việc, giúp người lao động nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn lao động. Theo Trung tá Hoàng Văn Tuấn, Trưởng phòng An toàn, Nhà máy Z189, ngoài công tác chuyên môn, Nhà máy gắn trách nhiệm của người đứng đầu từng bộ phận trong việc giám sát các nguy cơ mất ATLĐ để nhanh chóng đưa ra biện pháp xử lý.
Mỗi thành viên trong Ban An toàn, vệ sinh viên của Nhà máy (thường là các tổ trưởng) có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động định kỳ hằng tháng; trong đó có thể yêu cầu người lao động thực hiện các biện pháp an toàn nếu thấy có nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Được biết, Nhà máy Z189 còn phối hợp với Viện Y học dự phòng Quân đội (Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần) tổ chức quan trắc môi trường lao động định kỳ nhằm phát hiện các yếu tố có khả năng tác động xấu đến người lao động, từ đó đề ra giải pháp khắc phục kịp thời. Kết quả khám và phân loại sức khỏe năm 2023 của Nhà máy có 21,6% đạt loại I, loại II là 77,9%, loại III là 0,5%, đến nay, Nhà máy chưa phát hiện trường hợp người lao động mắc bệnh nghề nghiệp.
Đơn vị cũng chấp hành nghiêm các quy định về đăng ký, quản lý, kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ theo Thông tư số 08/2017/TT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 2023, Nhà máy đã tổ chức kiểm định 57 máy, thiết bị đến kỳ hạn và dự kiến vào tháng 7-2024 sẽ kiểm định 64 máy, thiết bị.
Là người đã có 15 năm công tác tại Nhà máy Z189 với công việc chính là hàn, mài các bộ phận của tàu thủy, anh Đỗ Văn Minh, lao động hợp đồng thuộc Tổ Lắp ráp 4, Xí nghiệp Đóng tàu 2, phấn khởi chia sẻ: “Tôi rất yên tâm gắn bó với Nhà máy, bởi ngoài thường xuyên được tập huấn, phổ biến kiến thức về ATLĐ, chúng tôi còn được lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy quan tâm, chăm lo đời sống, bảo đảm đầy đủ chế độ phụ cấp, đồ bảo hộ cũng như lương, thưởng”.
Theo Đại tá Trần Văn Chung, Phó giám đốc Nhà máy Z189, công nghệ đóng tàu theo truyền thống thường phải sử dụng trực tiếp sức lao động, dẫn đến nguy cơ mất ATLĐ. Những năm gần đây, Nhà máy Z189 đã đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại để giúp tăng độ chính xác chi tiết máy, nâng cao năng suất lao động và quan trọng nhất là giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Bên cạnh đó, ngoài tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Kỹ thuật về bảo đảm ATLĐ, Nhà máy còn học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác, bạn hàng nước ngoài có uy tín, như Tập đoàn Đóng tàu Damen (Hà Lan), Tập đoàn AKVA Group ASA (Na Uy)... giúp các yếu tố về ATLĐ của đơn vị ngày càng được nâng cao.