Nhà mua hàng toàn cầu yêu cầu cao hơn với doanh nghiệp cung ứng Việt Nam
Các Tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu đều đặt ra yêu cầu cho các nhà cung ứng Việt Nam về sản phẩm bền vững, khả năng cung ứng ổn định, và tuân thủ cam kết về môi trường.
Bộ Công thương vào chiều qua, 11/8 đã tổ chức tọa đàm với sự tham gia của nhiều nhà mua hàng như Uniqlo, Aeon, đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thuộc nhiều ngành hàng để thúc đẩy xuất khẩu.
Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" (Vietnam International Sourcing 2023) từ ngày 13 đến 15/9/2023.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho hay: "Việc kết nối doanh nghiệp nội địa với các Tập đoàn, doanh nghiệp mua hàng quốc tế giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tiêu thụ hàng hóa, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm do các thị trường lớn đều giảm mua hàng hóa.
Nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn cho biết, muốn thu mua nhiều hàng hóa Việt Nam, nhưng yêu cầu về chất lượng hàng nhập khẩu giờ đã thay đổi nhiều so với trước đây. Tức là yêu cầu cao về sản phẩm có tính bền vững, quá trình sản xuất giảm phát thải, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu đầu vào....
Những yêu cầu này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng để theo kịp với xu thế thương mại.
Fast Retailing, Tập đoàn sở hữu một loạt các thương hiệu nổi tiếng thời trang nổi tiếng trong đó có Uniqlo khẳng định, Việt Nam trở thành một cơ sở vững chắc trong sản xuất các sản phẩm dệt may, do đó, Uniqlo ưu tiên thu mua tại Việt Nam.
Nhiều năm qua, các sản phẩm hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam đã được bán rộng khắp tại hệ thống Uniqlo trên toàn thế giới. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ ưu tiên tăng cường số lượng cũng như chất lượng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Ưu tiên của Tập đoàn này trong thời gian tới là các sản phẩm dựa trên nhu cầu thực tế của cuộc sống, với những trang phục hằng ngày đơn giản, chất lượng cao.
Nói với các nhà cung ứng trong nước, Tổng giám đốc Aeon TopValu Việt Nam Shiotani Yuichiro cho biết, Aeon đang chú trọng vào những sản phẩm may mặc có tính năng tích hợp, ví dụ như chống tia UV, chống thấm nước...
"Ông lớn" trong ngành bán lẻ Mỹ, đại diện Tập đoàn Walmart cũng bày tỏ ý định sẽ tập trung thu mua sản phẩm thuộc 6 ngành hàng chính tại Việt Nam. Bao gồm: quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng, đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Nhưng, Walmart cũng lưu ý những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam, gồm :năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.
Không chỉ có Mỹ, Nhật Bản, mà tại châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đang hướng tới mặt hàng thực phẩm xanh, sạch. Các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội, lao động được ban hành ngày càng chặt chẽ.
Đặc biệt Ủy ban châu Âu (EC) vừa có đề xuất áp dụng chương trình trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng bắt buộc (EPR) với doanh nghiệp sản xuất dệt may, buộc doanh nghiệp sản xuất dệt may phải đảm bảo trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm, hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may khắp châu Âu.
Ông Radek Sorcik, Giám đốc cấp cao Mua hàng, Quản lý chất lượng và Môi trường xã hội và Quản trị của Công ty Takko (Đức) chia sẻ, doanh nghiệp đang tăng nhu cầu nhập hàng từ Việt Nam. Nhóm sản phẩm có tiềm năng và quan trọng trong chiến lược phát triển của Takko là quần áo thể thao, quần áo ngoài trời, áo thun, quần tây. Tuy nhiên, những mặt hàng này của Việt Nam đã và đang chịu cạnh tranh nhiều với Bangladesh và Trung Quốc.
Nếu muốn mở rộng xuất khẩu các mặt hàng này để cung cấp cho nhà mua hàng, Công ty Takko nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất, nguồn gốc chất lượng vải, giá thành cạnh tranh.
Việc đưa ra quy định khắt khe hơn với mặt hàng dệt may của EU, theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU sẽ gây sức ép rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, như buộc phải chuẩn bị quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm rác thải từ dệt may; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có thể tái chế.
Và chỉ có tuân thủ mới là yêu cầu sống còn để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu và nhiều thị trường lớn khác trong nhiều năm tới.