Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu - nhân sĩ giàu lòng yêu nước

Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu đã vĩnh biệt chúng ta, một trái tim nhân hậu, hiền hòa đã ngừng đập sau hơn 100 năm trên dương thế, để lại cho các con cháu, thân bằng quyến thuộc niềm thương tiếc vô hạn.

Tấm gương cống hiến suốt đời

Ông Nguyễn Đình Đầu sinh ngày 12/3/1923 tại căn nhà số 57 phố Hàng Giấy, Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình Công giáo nghèo, thuở nhỏ, ông theo giúp mẹ kiếm sống và học tại trường tiểu học Pháp-Việt ở cuối phố Huế (Hà Nội). Sau khi học xong bậc Trung học, năm 1939, ông theo học trường Bách nghệ Hà Nội và tốt nghiệp tại đây vào năm 1941. Trong khoảng thời gian ấy, ngoài việc học, là một thanh niên Công Giáo, ông còn gia nhập Hội Hướng đạo, Hội Truyền bá quốc ngữ…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trò chuyện trong chương trình Trăm năm sử Việt tại Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, tháng 8/2022 (Ảnh Mai Nhật)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trò chuyện trong chương trình Trăm năm sử Việt tại Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, tháng 8/2022 (Ảnh Mai Nhật)

Ông từng tham gia Cách mạng Tháng Tám 1945, làm Bí thư Bộ Kinh tế và trực tiếp được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ. Sau đó, ông sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris và là sinh viên dự thính Đại học Sorbonne.

Vào TPHCM sinh sống từ giữa thế kỷ trước, ông đã tích lũy nhiều kiến thức sâu rộng về vùng đất này. Tại sự kiện kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TPHCM năm 1998, ông được lãnh đạo Thành ủy TPHCM lúc đó mời tham gia thực hiện công trình nghiên cứu về địa chí thành phố, từng làm việc với nhiều nhà trí thức lớn như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng...

Khi phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn đi dự Hội nghị Genève, ông đã cùng các vị Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích đến gặp và vận động ủng hộ Việt Nam. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ông lập phái đoàn đại diện cho chính quyền Dương Văn Minh - Nguyễn Văn Huyền đến trại David - Tân Sơn Nhất để đưa đề nghị ngưng chiến vào 29/4/1975. Đại tướng Mai Chí Thọ đã trân trọng gọi ông là “Nhân sĩ yêu nước” tại các cuộc hội thảo khoa học lịch sử.

Ông nguyên là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, rồi là Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM, từ khi tổ chức này hình thành năm 1983 và liên tiếp nhiều nhiệm kỳ cho tới khi ông 90 tuổi mới lui về nghỉ. Ông cũng từng là một cộng tác viên đắc lực cho nhiều tờ báo Công giáo trước năm 1975, sau năm 1975 là cộng tác viên thường xuyên của Báo Công giáo và Dân tộc, cơ quan của Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có nhiều sưu tập và nghiên cứu quý báu về bản đồ thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. (Ảnh tư liệu Đại Đoàn Kết).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có nhiều sưu tập và nghiên cứu quý báu về bản đồ thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. (Ảnh tư liệu Đại Đoàn Kết).

Bà Nguyễn Thị Diễm Trang, con gái nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết, dù tuổi cao nhưng ông vẫn minh mẫn, mỗi sáng vẫn đọc sách báo ở phòng làm việc... Cách đây hơn một tuần, ông còn vui vẻ dự đám cưới của cháu ngoại.

Đại diện gia đình cho hay, trước khi qua đời, ông vẫn còn trăn trở khi nhiều công trình nghiên cứu, triển lãm chưa được hoàn thiện như: Chuyên đề Con đường tơ lụa, triển lãm bản đồ, biển đảo Việt Nam…

Để lại những công trình lịch sử giá trị

Với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, ông là tác giả của bộ sách đồ sộ nghiên cứu một cách hệ thống địa bạ triều Nguyễn. Ông cũng là nhà sưu tập bản đồ cổ quý hiếm ở Việt Nam. Năm 2010 Tạp chí Xưa và Nay phối hợp cùng Nhà Xuất bản Thời Đại đã xuất bản cuốn “Nguyễn Đình Đầu, hành trình của một trí thức dấn thân”, đây là tập hợp 40 bài viết của tác giả đã đăng trên Tạp chí Xưa và Nay “Như một sự ghi nhận và tri ân của tạp chí với một đồng nghiệp đàn anh tận tụy với nghề và nhiệt tâm đóng góp cho công cuộc nghiên cứu và truyền bá những tri thức lịch sử. . .”, nhà sử học Dương Trung Quốc đã khẳng định như vậy.

Với bài viết có tựa đề “Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Công giáo Việt Nam” cho thấy ông, một người tín hữu suốt đời luôn gắn bó với Giáo hội Công giáo Việt Nam và có lòng yêu nước một cách thiết tha. Ngay từ khi đất nước vừa được độc lập, ông là Bí thư phụ tá Bộ trưởng Kinh tế và được ông ghi lại trong bài “Cụ Hồ đã giải cứu tôi”.

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu ghi sổ tang tưởng nhớ nhân sĩ - nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu, ngày 22/9/2024.

Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu ghi sổ tang tưởng nhớ nhân sĩ - nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu, ngày 22/9/2024.

Những năm cả nước đấu tranh giành độc lập thống nhất nước nhà, ông tham gia các hoạt động vì hòa bình, phản đối chiến tranh. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, ông góp phần mình vào việc hòa hợp, hòa giải dân tộc. Theo ông, trong mọi con người Việt Nam trong những thử thách hiểm nghèo nhất, tình yêu quê hương và lòng tự tôn dân tộc sẽ giúp ta hành động thuận theo lẽ phải và đại nghĩa.

Qua ông, người Công giáo Việt Nam có điều kiện hiểu hơn về Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và mối quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican với Chính phủ ta sau năm 1975, cho đến khi có chủ trương đổi mới.

Một trong những vấn đề xã hội được ông rất quan tâm và chi phối những hoạt động của mình, trong suốt cuộc đời làm khoa học là vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo.

Ông 2 lần được nhận giải thưởng về những công trình nghiên cứu về lịch sử và văn hóa, như Giải thưởng Trần Văn Giàu, Giải thưởng Nghiên cứu Phan Châu Trinh, Giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cùng nhiều Bằng khen của nhà nước ta .

Ngày 22/9, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu đã đến thắp hương, viếng nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu. Nhớ đến những kỷ niệm xúc động về ông, tại sổ tang, Phó Chủ tịch cho biết, nhiều vị lãnh đạo tiền bối cũng kể về ông - người nhân sĩ vượt qua bao khó khăn để nghiên cứu, đóng góp lớn cho kho tư liệu sử học nước nhà.
“Xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến những cống hiến của ông cho kho sử học nước nhà. Nhờ ông đã góp phần những tài liệu minh chứng khẳng định cho Trường Sa là của Việt Nam”, bà Tô Thị Bích Châu xúc động viết.

Quốc Định

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nha-nghien-cuu-nguyen-dinh-dau-nhan-si-giau-long-yeu-nuoc-10290856.html