Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư 102 tuổi vẫn miệt mài với công việc
Là tác giả của hơn 60 đầu sách, nay đã bước sang tuổi 102 nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn miệt mài với công việc, duy trì chế độ làm việc ngày 8 tiếng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (1920) quê tổng Võ Liệt, nay thuộc xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương (Nghệ An) hiện đang sinh sống, nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh. Mới đây, con cháu tổ chức lễ mừng đại thọ 102 tuổi nên đưa cụ về Nghệ An.
Dù ở độ tuổi “bách niên giai lão” nhưng cụ vẫn minh mẫn, tinh tường, khỏe mạnh, cần mẫn làm việc ngày 8 tiếng cùng chế độ ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi khoa học.
Thuở nhỏ cậu bé Nguyễn Đình Tư rất ham học nhưng vì nhà nghèo nên đành đứt gánh sự học giữa chừng lúc 12 tuổi. Nghỉ học, cậu Tư phụ cha chăn trâu, cắt cỏ, cày ruộng để kiếm cái ăn, cái mặc. Một hôm, trong lúc đang cày ruộng, cậu bé Tư nhìn thấy người bạn cùng lứa đi học ở trường huyện về. Hình ảnh đối lập giữa mình và bạn đã trỗi dậy trong lòng cậu bé một ý nghĩ phải học bằng mọi cách, nếu không sau này chỉ làm đầy tớ thôi. Thấy Tư có chí lại rất ham học nên các thầy cô từng dạy ở trường làng đã quyên góp tiền nuôi cậu bé ăn học, giúp cậu thực hiện ước mơ được theo đuổi con chữ. Vừa học vừa làm, năm 1943, khi mới 23 tuổi, Nguyễn Đình Tư quyết định viết văn. Bản thân không ngờ rằng, cuốn truyện dài đầu tay mang tên “Nguyễn Xí” lại được in và bán ngoài tiệm sách. “Đó là một bất ngờ lớn đối với tôi. Khỏi phải hỏi tôi vui sướng đến cỡ nào. Cuốn truyện dài đầu tay này cũng là động lực để tôi tiếp tục viết tiếp và xuất bản các cuốn truyện “Dì ghẻ con chồng”, “Thù chồng nợ nước” được giới văn đàn thời bấy giờ chú ý đến” – Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhớ lại.
Cách mạng Tháng 8-1945 nổ ra, Nguyễn Đình Tư cầm tấm bằng tương đương Cao đẳng Tiểu học tham gia vào Đảng Dân chủ, có thời gian làm cộng tác viên cho báo Độc Lập. Sau đó, ông cùng gia đình vào Nam Trung bộ lập nghiệp, làm tại Ty Điền địa Phú Yên. Trong thời gian này, ông biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị về lịch sử, địa chí các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận... Đến khi đất nước thống nhất, ông cùng gia đình vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Tại đây, ông vừa kiếm tiền mưu sinh, vừa đam mê nghiên cứu viết sách, đã để lại cho đời nhiều bộ sách, tiểu thuyết lịch sử quan trọng như: “Loạn 12 sứ quân”, các bộ sách “Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc” (1859-1954), “Đường phố nội thành TPHCM”, “Nam Kỳ địa hạt tổng thôn danh hiệu mục lục”, “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ” (1859-1954). Sau khi ông xuất bản cuốn sách “Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh”, ông được UBND TP mời làm thành viên hội đồng đặt tên đường.
Sau này, bộ sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ” - tác phẩm đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống về chế độ cai trị của thực dân Pháp ở Nam Kỳ trong gần 100 năm nay- đã được trao giải A Giải thưởng Sách Quốc gia 2018.
Năm 2017, ông được Hội sử học Việt Nam trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp sử học Việt Nam. Đầu năm 2022, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho ra mắt cuốn sách Gia Định - Sài Gòn - TPHCM dặm dài lịch sử (1698 - 2020)(quyển 1).
Chia sẻ bí quyết sống trường thọ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, bản thân không có bí quyết gì lớn. Để có sức khỏe thì phải có chế độ ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập một cách hợp lí, khoa học. “Buổi sáng tôi thường thức dậy lúc 6 giờ, vệ sinh cá nhân 30 phút rồi ra tập thể dục 45 phút. Sau khi ăn sáng, tôi ngồi làm việc đến 11 giờ 30 phút thì ăn cơm và nghỉ ngơi, sau đó khoảng 14 giờ tiếp tục ngồi vào bàn làm việc đến 17 giờ 30 phút thì nghỉ, đi bộ thể dục. Do không có không gian nên tôi thể dục bằng cách leo cầu thang. Trước đây, mỗi ngày tôi lên xuống đúng 20 vòng cầu thang 3 tầng nhà còn giờ yếu rồi, ngày đi 10 vòng thôi” – nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết.
Do có chế độ ăn, ngủ, thể dục điều độ nên nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư không hề thấy mệt mỏi, đau lưng, đau xương khớp gì cả. “Tôi sống đơn giản, không hề nghiện rượu, nghiện thuốc lá hay cà-phê gì cả. Mỗi bữa tôi chỉ ăn đúng 1 bát cơm, trưa uống 1 lon bia và tối uống 1 ly rượu thuốc. Từ thuở nhỏ đến giờ chỉ có 1 lần duy nhất trải qua trận ốm nặng, còn lại chưa biết “mùi bệnh viện” là gì?” - cụ Nguyễn Đình Tư chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, trải qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử Việt Nam, cụ cảm thấy hạnh phúc nhất là thấy đất nước ngày càng đổi mới, phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên về mọi mặt. Đất nước sẽ tiến dài, tiến xa hơn nữa trong chặng đường hội nhập và phát triển. Việc nghiên cứu, viết lách đối với cụ sẽ là tài sản quý giá về lịch sử để lại cho đời sau. “Hiện quyển 2 “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM dặm dài lịch sử” đã được gửi đến nhà xuất bản để in. Tôi tiếp tục bắt tay vào thực hiện cuốn “Từ điển địa danh hành chánh Trung bộ”. Sau khi hoàn thành lời hứa với Bí thư Thành ủy TPHCM, tôi sẽ bắt tay viết một cuốn sách về bản thân với tên gọi “Một kiếp người” nhằm ghi lại những bước đường gắn với kỷ niệm về gia đình, quê hương xứ Nghệ, nơi bản thân tôi sinh ra và lớn lên cũng như những vùng đất tôi đã đi qua và dừng chân đến bây giờ” – nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ.