Nhà nghiên cứu nói về cách đặt tên phường gây tranh cãi của TP Vinh

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần cho biết, dự kiến cách đặt tên 6 phường mới sau sáp nhập ở TP Vinh (Nghệ An), trừ phường Cửa Lò, là một cố gắng đặt tên theo kiểu 'phụ tử liên danh' của người xưa.

Sau khi thay đổi phương án đặt tên phường tại TP Vinh theo số thứ tự, Nghệ An tính phương án đặt tên theo nguyên tắc Vinh + một từ nằm trong tên nhóm phường sáp nhập, như Trường Vinh, Vinh Phú, Vinh Hưng, Vinh Lộc, Thành Vinh... Có ý kiến cho rằng, cách ghép như trên làm cho từ “vinh” trở nên bình thường, không còn là “Vinh - viết hoa”, chất Vinh, làm cho các tên phường ghép như vậy trở nên khó hiểu.

Nhiều ý kiến ủng hộ cách đặt tên phường mới sau sắp xếp bằng cách chọn những tên đã rất thân thuộc, giàu ý nghĩa lịch sử với TP Vinh như Phượng Hoàng, Trung Đô, TrườngThi, Bến Thủy, Làng Đỏ, Quang Trung...

VietNamNet ghi lại phân tích của Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần về vấn đề này.

Cách đặt tên "phụ tử liên danh"

Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Vinh đã giao HĐND, UBND TP và các bộ phận chuyên môn triển khai lấy ý kiến người dân về phương án đặt tên phường mới bảo đảm tiến độ, quy định.

Dự kiến tên gọi của các phường sau sắp xếp trên cơ sở lưu giữ giá trị của TP Vinh hiện tại, nên trong các tên gọi của các phường đều cho chữ “Vinh”, trừ phường Cửa Lò.

Cụ thể, thống nhất dự kiến điều chỉnh tên phường Vinh - Yên Trường thành phường Trường Vinh. Phường Trường Vinh gồm các phường: Trường Thi, Hưng Dũng, Trung Đô, Bến Thủy, Vinh Tân, Hưng Phúc và xã Hưng Hòa.

Phường Vinh 2 dự kiến đặt tên mới là phường Thành Vinh gồm các phường, xã Cửa Nam, Quang Trung, Hưng Chính, Hưng Bình, Lê Lợi và Đông Vĩnh.

Phường Vinh 3 dự kiến có tên mới là phường Vinh Hưng gồm có các phường Quán Bàu, Hưng Đông, xã Nghi Kim và Nghi Liên.

Phường Vinh 4 dự kiến lấy tên mới là phường Vinh Phú gồm các phường Hà Huy Tập, Nghi Phú, Nghi Đức và xã Nghi Ân; một phần đất gắn với địa danh của phường Nghi Phú hiện nay.

Phường Vinh 5 dự kiến đặt tên mới là phường Vinh Lộc gồm các xã Nghi Thái, Phúc Thọ, Nghi Phong, Nghi Xuân và phường Hưng Lộc. Phường Cửa Lò giữ nguyên như đề xuất ban đầu.

Một góc TP Vinh. Ảnh: T.L

Một góc TP Vinh. Ảnh: T.L

Trao đổi với PV VietNamNet, Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Vinh, nguyên Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, tác giả nhiều cuốn sách về lịch sử TP Vinh cho biết, việc đặt tên có chữ “Vinh” ở trong tên các đơn vị hành chính mới là một cố gắng đặt tên theo kiểu “phụ tử liên danh”.

Cụ thể cách đặt tên này theo nguyên tắc tên cha gắn với tên con, tên huyện gắn với tên xã mà trước đây, đặc biệt là thời kỳ 1953, 1954 chính quyền Liên khu Bốn cũ đã đặt cho các xã.

Ví dụ với các xã thuộc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), chính quyền đã lấy chữ Quỳnh đầu, thêm yếu tố sau, sẽ có Quỳnh Văn, Quỳnh Dị, Quỳnh Giang… Tương tự, với huyện Yên Thành (Nghệ An) là chữ Thành, Diễn Châu là chữ Diễn, Hưng Nguyên là chữ Hưng… Các tỉnh khác như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng có cách đặt tên tương tự.

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần. Ảnh: T.L

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần. Ảnh: T.L

Ưu điểm nổi bật cách đặt tên "phụ tử liên danh"

“Cách đặt tên này có hai ưu điểm nổi bật. Thứ nhất là dễ “truy xuất nguồn gốc”, nghe tên xã đã có thể biết thuộc huyện nào. Ưu điểm thứ hai là tạo nên mối quan hệ thân thiết giữa xã và huyện và giữa các xã với nhau, như cha con và anh em trong một nhà”, ông Cần cho hay.

Thực tế hơn 70 năm qua cho thấy “phụ tử liên danh” là một cách đặt tên hay, có nhiều ý nghĩa về văn hóa và lịch sử, đậm tính nhân văn. Theo nhà nghiên cứu này, trong bối cảnh sáp nhập các phường xã ở TP Vinh và các huyện thị khác hiện nay, nên tham khảo để áp dụng cách đặt tên này.

“Việc đặt tên “phụ tử liên danh” là cách mà qua đó, có thể lưu giữ lại hình bóng của đơn vị cấp huyện cũ qua những cái tên. Đó cũng là cách “chỉ dẫn địa lý” để những người con xa quê có thể nhận diện được quê hương mình, sau bao biến cố lịch sử.

Khi đặt những tên cụ thể, các yếu tố khác gắn với Vinh phải làm thế nào để thật sự có ý nghĩa. Tốt nhất là các yếu tố ghép vào chữ Vinh phải là dấu hiệu nhận diện, liên quan đến chỉ dẫn địa lý Vinh", ông Cần nói.

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần cho hay, đối với 5 phường dự kiến đặt tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập ở TP Vinh gồm Trường Vinh, Thành Vinh, Vinh Hưng, Vinh Phú, Vinh Lộc, trong đó dự kiến đặt tên phường Trường Vinh, với ý nghĩa là “trường tồn, lâu dài” là chưa ổn. Bởi, chữ Trường trong Trường Thi, hay Yên Trường không có nghĩa là dài. Trường ở đây là chỉ có nghĩa là vùng, mặt bằng, cái sân…Trường Thi là nơi tổ chức các kỳ thi hương ngày xưa. Vì thế việc đặt tên Trường Vinh để hiểu là lâu dài, lâu bền thực chất chưa đúng.

"Việc TP Vinh dự kiến đặt chữ Trường, chắc họ nghĩ đến chữ Yên Trường, một địa danh cũ của Vinh xưa. Nếu hiểu theo nghĩa này, tại sao không đặt là Vinh Yên?”, ông Phạm Xuân Cần nói.

Cũng theo ông Phạm Xuân Cần, nếu đặt tên phường Vinh Yên thay thế phường Trường Vinh vừa sử dụng được chữ Vinh vừa liên quan đến chữ Yên trong chữ Yên Trường. Ngoài ra, khi viết chữ Hán, thì chữ Yên và chữ An là một, nên có nhiều nghĩa hay. “Tôi nghĩ nên đổi tên Vinh Trường thành phường Vinh Yên”, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần lý giải.

Ông Phạm Xuân Cần cũng nêu ý kiến, tên dự kiến các phường còn lại tương đối ổn. Ví dụ, Vinh Phú hoàn toàn có nghĩa là vinh hoa, phú quý; phường Vinh Hưng có thể hiểu là vừa vinh hoa, vừa hưng thịnh.

“Vinh Lộc cũng là một cái tên hay. Vinh Lộc có thể hiểu là vinh hoa, vinh quang. Chữ Lộc là một yếu tố trong ngũ phúc. (Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh) hoặc tam đa (Phúc – Lộc – Thọ), ông Cần nói.

Ngoài ra, gần đây có nhà nghiên cứu cho rằng vùng đất TP Vinh ngày xưa vốn có tên là Vĩnh (người Nghệ thường nói là Vịnh), với nghĩa là vĩnh viễn, trường tồn. Nhưng từ khi người Pháp vào, tên Vĩnh được phiên âm ra chữ Pháp, viết là Vinh, đọc cũng là Vinh. Tên Vinh có từ ngày đó.

Vì vậy, theo nhà nghiên cứu này, vì chỉ là chữ dùng để phiên âm tiếng Pháp nên chữ Vinh không có nghĩa, không thể sử dụng để ghép đặt tên theo kiểu “phụ tử liên danh”, như với các chữ Hán - Việt khác.

Quan điểm của ông Phạm Xuân Cần, mặc dù vốn được dùng để ghi phiên âm tiếng Pháp để gọi địa danh Vĩnh nhưng rất may mắn là trong Hán - Việt, chữ Vinh có nghĩa rất hay là vinh dự, vinh quang, vinh hiển. Tên Vinh đã đứng vững trong văn hóa, lịch sử trên 100 năm nay và được hiểu chủ yếu theo nghĩa đó. Vì vậy, chữ Vinh có thể được sử dụng như một từ Hán – Việt với nghĩa là vinh dự, vinh hoa, vinh hiển... Trên cơ sở đó, có thể ghép với các từ khác để đặt tên cho các địa danh mới ở Vinh, theo kiểu “phụ tử liên danh”.

Ngoài việc gợi ý đặt tên có chữ Vinh theo hướng “phụ tử liên danh” đối với tên gọi hành chính mới sau sáp nhập ở TP Vinh, ông Phạm Xuân Cần cho rằng, cũng có thể đặt tên theo cách khác. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn các tên gắn với lịch sử như Trường Thi, Bến Thủy, Trung Đô, Yên Trường, Làng Vang…

"Tôi mong rằng, các huyện, thành, thị nên có những hình thức tham vấn ý kiến của các nhà nghiên cứu, của những người am hiểu văn hóa, lịch sử địa phương để đưa ra những phương án đặt tên hợp lý, trước khi hỏi ý kiến nhân dân. Nếu làm nghiêm túc, cẩn trọng, cầu thị, tôi tin rằng chúng ta sẽ có những cái tên hay, trong đó chứa đựng nhiều thông tin mang tính “nhận diện”, “chỉ dẫn địa lý” về vùng đất của đơn vị hành chính mới”, ông Phạm Xuân Cần nói thêm.

Thiện Lương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-nghien-cuu-pham-xuan-can-noi-ve-cach-dat-ten-phu-tu-lien-danh-cua-tp-vinh-2397439.html