Nhà ngoại giao Na Uy ấn tượng với cách Chính phủ Việt Nam ứng phó đại dịch Covid-19
Tròn 1 năm nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Na Uy ở Hà Nội, bà Nina G. Enger - Đại biện lâm thời Na Uy, đã chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị những cảm nhận của mình về Thủ đô Hà Nội và đặc biệt về cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Bà có thể chia sẻ những điều đáng nhớ nhất trong 1 năm nhiệm kỳ của mình?
Tháng này đánh dấu tròn 1 năm tôi đến làm việc tại Hà Nội. Trước khi sang Việt Nam, tôi làm việc tại Vụ Liên Hợp quốc của Bộ Ngoại giao Na Uy ở Oslo. Chúng tôi lúc đó đang chuẩn bị rất công phu cho chiến dịch ứng cử của Na Uy vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) và chúng tôi đã giành chiến thắng. Chúng tôi rất tự hào và rất vui vì Na Uy sẽ có 1 năm cùng làm việc với Việt Nam tại HĐBA LHQ vào năm sau.
Một không gian sống gần gũi với người Việt để cảm nhận văn hóa Việt là lý do khiến vợ chồng tôi quyết định sống ở trung tâm TP Hà Nội. Căn hộ của tôi cách văn phòng 5 - 6 phút đi bộ. Sáng nào cũng vậy, trên đường đi làm, tôi rất thích ngắm nhìn mọi người ngồi ăn sáng thư thả trên vỉa hè, nhâm nhi cốc cà phê. Tôi bắt đầu quen mặt mọi người và mọi người cũng bắt đầu cười với tôi mỗi sáng.
Giao thông, xe cộ, con người và âm thanh của cuộc sống thường nhật đã trở thành một phần không thể thiếu của TP châu Á duyên dáng và đặc biệt này. Mặc dù nhiều điều đã thay đổi, song nét đặc biệt của Hà Nội vẫn còn đó và chưa bao giờ mất đi. Đoạn đường đi bộ tới cơ quan luôn làm tôi cảm thấy phấn chấn và vui vẻ mỗi ngày.
Cảm nhận của bà như thế nào khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn ra? Công việc ở Sứ quán có bị ảnh hưởng nhiều không?
Khi dịch Covid-19 bùng phát, phải nói là ban đầu mọi người rất lúng túng và cảm thấy bất an. Sứ quán Na Uy của chúng tôi bắt đầu bằng việc tuân thủ các biện pháp dự phòng mà WHO và Chính phủ Việt Nam quy định, như: Rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ vệ sinh văn phòng, cá nhân. Chúng tôi muốn môi trường làm việc ở Sứ quán là môi trường an toàn và trong văn phòng chúng tôi không đeo khẩu trang.
Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi quyết định chia thành 2 đội: 1 đội làm việc tại nhà trong 1 tuần, đội còn lại tại văn phòng sau đó chúng tôi hoán đổi. Chúng tôi nhận thấy làm việc ở nhà khá thuận tiện và phù hợp đối với nhân viên, đặc biệt là những người có con nhỏ, vì các cháu phải nghỉ học hoặc học trực tuyến trong một thời gian dài. Nhân viên Sứ quán vẫn làm việc hiệu quả và trên thực tế, tiến độ công việc của Sứ quán hầu như không thay đổi.
Ưu tiên của chúng tôi trong giai đoạn Covid-19 là hỗ trợ công dân Na Uy tại Việt Nam. Hầu hết công dân của chúng tôi đã rời Việt Nam hồi tháng 3 - 4/2020, chỉ có một số người ở lại. Chính sách của chúng tôi là phải tuân thủ các quy định mà Chính phủ Việt Nam áp dụng trong nước, chia sẻ thông tin kịp thời với công dân Na Uy và yêu cầu họ tuân thủ với các quy định đó khi ở Việt Nam.
Bà nhìn nhận thế nào về cách Việt Nam chống dịch Covid-19? Điều gì khiến bà ấn tượng nhất?
Trong thời gian giãn cách xã hội, Thủ đô Hà Nội vắng bóng khách du lịch vì nhiều người đã trở về nước, học sinh nghỉ học và người dân hạn chế ra ngoài. Đường phố yên tĩnh hơn. Quang cảnh hoàn toàn thay đổi, nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo hoạt động bình thường hết sức có thể cả trong công việc và cuộc sống.
Kế hoạch của tôi trong mùa Hè năm nay là đi du lịch Việt Nam, thay vì quay lại Na Uy. Nhưng khi làn sóng dịch thứ hai bùng phát, tôi đã thay đổi kế hoạch và sẽ chờ cho đến khi đại dịch qua đi.
Đại sứ quán Na Uy và cá nhân tôi rất ấn tượng về những phản ứng vô cùng kịp thời và quyết đoán của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Các biện pháp được quyết định rất nhanh và hiệu quả, kể cả việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, thực hiện các biện pháp cách ly. Chúng tôi cũng ấn tượng về việc Chính phủ Việt Nam chia sẻ cung cấp thông tin một cách minh bạch và nhanh chóng, về tình hình dịch bệnh đang diễn ra để người dân nắm rõ, giúp họ cảm thấy an toàn và tin tưởng.