Nhà ngoại giao Serbia: Đề xuất của EU nhằm giải quyết vấn đề Kosovo phải là 'tối hậu thư'
Mới đây, trao đổi với hãng tin TASS, cựu Ngoại trưởng Cộng hòa Liên bang Nam Tư (cũ) Zivadin Jovanovic đã đưa ra nhận định về đề xuất của Pháp và Đức nhằm giải quyết vấn đề Kosovo.
Theo nhà ngoại giao người Serbia, đề xuất của hai quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải là tối hậu thư yêu cầu công nhận nền độc lập của Kosovo.
Ông Jovanovic lưu ý: "Tối hậu thư này được cho là lập trường của toàn EU. Điều đó không thay đổi bản chất rằng, dư luận Serbia coi đây là 'khuôn khổ đàm phán mới của EU do Mỹ hậu thuẫn".
Tuy nhiên, theo ông, đề xuất trên "không phải là chìa khóa cho hòa bình, ổn định và tiến bộ của bất kỳ khu vực, quốc gia nào, hay thậm chí toàn châu Âu" mà là kế hoạch của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm chuẩn bị cho Balkan trở thành vị trí chiến lược đối phó Nga và Trung Quốc.
Hồi tháng 1, các đặc phái viên của EU, Mỹ, Đức, Pháp và Italy đã gặp các nhà lãnh đạo Serbia và Kosovo nhằm cố gắng thuyết phục họ ký thỏa thuận 11 điểm để xoa dịu căng thẳng kéo dài kể từ cuộc xung đột 1998-1999.
Kosovo và Serbia nhận được cảnh báo rằng, họ cần chấp nhận kế hoạch trên hoặc đối mặt với hậu quả từ EU và Mỹ.
Đầu tháng 2, lãnh đạo Kosovo Albin Kurti viết trên mạng xã hội Twitter: "Chúng tôi chấp nhận đề xuất của EU về bình thường hóa quan hệ giữa Kosovo và Serbia, coi đó là cơ sở tốt cho việc thảo luận thêm và một nền tảng vững chắc để tiến về phía trước".
Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố, nước này cần tiếp tục các cuộc đàm phán với Kosovo về bình thường hóa quan hệ theo kế hoạch trên để theo đuổi con đường trở thành thành viên EU bởi đây là "mối quan tâm sống còn đối với Serbia".
Theo kế hoạch 11 điểm, Serbia và Kosovo sẽ mở văn phòng đại diện ở hai bên lãnh thổ của nhau và cùng làm việc để giải quyết các vấn đề tồn tại. Serbia sẽ không bắt buộc phải công nhận độc lập của Kosovo, nhưng sẽ phải dừng vận động hành lang chống lại tư cách thành viên của Kosovo trong các tổ chức quốc tế.
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Trong những năm qua, hai bên đã tiến hành các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ dưới sự hòa giải của EU. Đàm phán thành công được coi là chìa khóa để Serbia và Kosovo gia nhập EU.