Nhà nhìn ra biển
Ngày nào Nụ cũng nói: 'Rồi ít bữa tụi mình về quê nhé. Ở đó nhà mình nhìn ra biển...'.Lần nào nghe Nụ nói thế, Na cũng thấy người khẽ chao đi một chút. Nhìn Nụ ngồi ngóng ra con đường trước cửa chạy tuốt lên phía trên là dãy núi mờ mờ xanh xanh, Na biết chị thèm về biển lắm. Vậy nên Na luôn tự nhủ với lòng mình: 'Nhất định em sẽ đưa chị về nơi đó'. Nơi căn nhà nho nhỏ, có bụi hoa tường vi nở những chùm hoa tím hồng đang rập rờn trước gió, nơi ấy có những cảnh và người Na mới chỉ hình dung trong tâm tưởng mà thôi.
Ngày nào Nụ cũng nói: “Rồi ít bữa tụi mình về quê nhé. Ở đó nhà mình nhìn ra biển...”.
Lần nào nghe Nụ nói thế, Na cũng thấy người khẽ chao đi một chút. Nhìn Nụ ngồi ngóng ra con đường trước cửa chạy tuốt lên phía trên là dãy núi mờ mờ xanh xanh, Na biết chị thèm về biển lắm. Vậy nên Na luôn tự nhủ với lòng mình: “Nhất định em sẽ đưa chị về nơi đó”. Nơi căn nhà nho nhỏ, có bụi hoa tường vi nở những chùm hoa tím hồng đang rập rờn trước gió, nơi ấy có những cảnh và người Na mới chỉ hình dung trong tâm tưởng mà thôi.
“Nhà mình sát ngay bên bờ biển. Sóng vẫn thường chờm lên bờ kè đá mỗi sớm mai. Nước biển trong xanh mặn mòi giúp vòng eo con gái thêm thanh mảnh và làn da nâu hồng khỏe mạnh. Cổng nhà mình có bụi tường vi thường nở những chùm hoa màu hồng dịu dàng, có hai cây dừa buông những tàu lá đu đưa trong ánh hoàng hôn”. Những lúc tỉnh táo, Nụ hay nhắc đi nhắc lại với Na và mọi người như vậy.
Nhà nghèo, khi mới 17 tuổi, Nụ tập tọng đi buôn rồi theo người phụ nữ cùng quê “sang nước ngoài giúp việc gia đình, lương cao”… Sang đến nơi, Nụ mới biết cô bị bán vào một động mại dâm. Cùng với gần chục cô gái khác, cô bị nhốt trong khu nhà nhỏ ở một thị trấn khá sầm uất. Các cô phải tiếp bia, khui rượu và phải tiếp những người đàn ông đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Có 4 - 5 tên vệ sĩ lực lưỡng, xăm trổ đầy mình canh 24/24 giờ. Người nào lớ xớ là bị đánh ngay nên các cô không dám chống cự hay bỏ trốn. Nhân một đêm khuya, có vụ thanh toán lẫn nhau của hai băng đảng trong quán, Nụ liều mình bỏ trốn. Cô chạy theo lối tắt ra phía sau nhà, dỡ bờ rào gai và chạy ngược lên con đường dốc dẫn lên đỉnh núi. Cô cứ chạy mãi, đến khi hụt chân rơi xuống vực đá. May có bộ đội biên phòng bắt gặp, cô được sơ cứu rồi đưa về trung tâm bảo trợ của tỉnh để cứu chữa. Vết thương vừa tạm lành thì cô lại phát bệnh tiếp, cứ sốt rồi ngất. Sau rất nhiều lần thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ mới phát hiện ra cô bị căn bệnh nấm não. Cứ mỗi lần cảm thấy có mùi ẩm mốc như căn bếp bỏ hoang lâu ngày không có người lui tới là cô lại bị ngất. Kỳ lạ là cô không nhớ chút gì về những việc đã xảy ra trong quá khứ, ngoại trừ chi tiết về ngôi nhà có bụi hoa tường vi mà lúc tỉnh táo nhất cô thường nhắc lại. Mỗi ngày, chị Trang - cán bộ trung tâm vẫn lo chăm sóc mấy chị em ở đây, lại phải vất vả thuyết phục Nụ uống những viên thuốc to, nhỏ đủ loại. Nụ vẫn hay thơ thẩn mỗi khi chiều về. Cho đến một ngày, nhìn thấy Na, cô bé cùng bị bắt vào cái động buôn người kia cũng được đưa vào trung tâm, bỗng nhiên Nụ như bừng tỉnh. Cô ôm lấy Na, òa khóc. Na cũng khóc theo. Từ đó hai người quấn quýt với nhau như chị em.
Thấm thoắt hai chị em Nụ đã ở trung tâm bảo trợ đã mấy năm trời. Na đã thành thiếu nữ. Một ngày, chị Trang ào vào phòng hai chị em báo tin vui: Nhờ tin chị đăng trên mạng xã hội mà gia đình Nụ đã liên lạc với trung tâm. Chỉ ít ngày nữa gia đình sẽ ra làm thủ tục đón Nụ về. Lúc mới nghe, Nụ không tin vào tai mình. Cô cứ nhìn trân trân vào tờ giấy A4 chị Trang đã in ra, có bức hình và thư của anh trai Nụ. Mãi rồi Nụ mới lắp bắp được hai từ: “Anh Hai… Nhà tôi”. Na cầm lấy, đọc cho Nụ nghe rồi òa khóc cùng Nụ. Một lúc sau, hai chị em mới trấn tĩnh lại. Na lau nước mắt, cười và ngập ngừng:
- Chị! Em mừng cho chị. Chị sắp được về nhà rồi!
- Ừ, Chúng mình sắp được về rồi, bé ơi! Nụ cũng hồ hởi nói. Khuôn mặt cô rạng rỡ. Nhưng sao mặt Na lại có vẻ bần thần nhỉ? Rất nhanh, Nụ khoác vai Na: Nhà chị cũng là nhà Na mà. Chúng mình về cùng nha. Anh Hai và cả nhà sẽ vui lắm đấy.
Tối ấy, mọi người trong trung tâm ai cũng đến chúc mừng hai chị em. Còn Nụ và Na háo hức thu dọn đồ, cả đêm không ngủ, cứ mong trời mau sáng. Ai dè hai chị em lại ngủ quên mất. Đến gần 7 giờ, chị Trang đến thông báo do dịch Covid-19 mà việc gia đình đến đón Nụ sẽ tạm lùi lại, chờ khi nào hết cách ly mới thực hiện được. Nghe chị nói, Nụ buông tay, túi đồ rớt xuống đất, cứ như là sẽ không bao giờ được về nhà nữa. Chị Trang vội an ủi và bấm máy cho Nụ nói chuyện điện thoại với cả nhà ở quê. Nụ ríu rít hỏi anh trai về mọi người trong nhà, về ngôi nhà bên biển, về bụi tường vi. Nhìn Nụ vừa nói vừa cười, chị Trang thấy cay cay trên khóe mắt. Kẻ bán Nụ đã bị bắt và rồi sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng nỗi đau của Nụ, của Na và người thân thì không biết khi nào mới hết. Về nhà, gặp người thân rồi, nhưng Nụ sẽ phải chữa trị bệnh lâu dài nữa. Không biết rồi sẽ như thế nào nhưng chỉ biết hình ảnh ngôi nhà bên bờ biển đã in sâu trong tâm trí của Nụ, khiến căn bệnh cũng không thể xóa đi được. Cùng với sự phát triển của y tế, mong sao Nụ sẽ chống lại được căn bệnh quái ác này.
- Nụ ơi! Đến giờ uống thuốc!
Nụ trao điện thoại cho Na nói chuyện với anh Hai. Cô quay sang Trang, tươi tắn và rạng rỡ:
- Chị ơi! Thuốc em đâu? Em uống để cho nhanh khỏe nào!
Khi mọi người đã về hết, hai chị em chuẩn bị đi ngủ. Nụ nói với sang giường Na:
- Mong nhanh hết dịch bệnh, hết cách ly để tụi mình về nhà quá, bé ơi! Nhà mình bên ven biển. Hoa tường vi vẫn nở trùm kín hết cả tường…
Tiếng Nụ nhỏ dần, nhỏ dần rồi chỉ còn tiếng thở đều đều của hai chị em. Đêm êm đềm trôi…
. Truyện ngắn của Bích Thiêm
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202007/nha-nhin-ra-bien-8176642/