Nhà nước Liên minh Nga-Belarus, cột mốc trên chặng đường dài
Sự hợp nhất Nhà nước liên minh Nga-Belarus sẽ tác động lớn, không chỉ đối với hai nước mà cả tình hình, cục diện khu vực thế giới.
“Bước nhảy” không bất ngờ
Ngày 4/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko ký sắc lệnh hợp nhất Nhà nước Liên minh Nga- Belarus. Đây là nỗ lực hiện thực hóa thỏa thuận giữa hai nước từ năm 1999.
Sau năm 1999, Nga và Belarus đã cụ thể hóa bằng một số thỏa thuận theo khuôn khổ Nhà nước Liên minh. Năm 2009, thỏa thuận bảo vệ chung không phận Nhà nước Liên minh, hình thành mạng lưới phòng không khu vực tích hợp. Năm 2013, thỏa thuận sử dụng, phát triển mạng lưới vệ tinh dẫn đường, định vị toàn cầu Glonass. Năm 2014, Nhà nước Liên minh phân bổ 3,2 tỷ Ruble (91,5 triệu USD) cho các dự án quân sự, công nghiệp quốc phòng. Nga và Belarus duy trì các cuộc diễn tập quân sự định kỳ mang tên Zapad…
Nhìn chung, vì nhiều lý do từ hai nước và từ bên ngoài mà việc triển khai thực hiện chậm, phần nhiều vẫn nằm trên giấy, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế, hợp tác quốc phòng.
Mặc dù năm 2018, ông John Bonlton, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ hứa hỗ trợ Belarus gia nhập NATO. Nhưng lời hứa cuốn theo chiều gió. Mỹ và phương Tây liên tục gây sức ép nhiều mặt. Đặc biệt là sau cuộc bầu cử Tổng thống tháng 8/2020 và vụ Belarus yêu cầu máy bay hạ cánh, bắt giữ Roman Protasevich, các lệnh trừng phạt kinh tế, ngoại giao càng gia tăng.
Mỹ, NATO thực thi chiến lược mở rộng không gian, triển khai lực lượng quân sự áp sát, vây quanh Nga, Belarus, tiến hành nhiều cuộc diễn tập răn đe; gia tăng sức ép, can thiệp vào hai nước. Bối cảnh đó thúc đẩy Nga và Belarus đẩy nhanh tiến trình xây dựng Nhà nước Liên minh.
Nhà nước Liên minh Nga-Belarus dựa trên nền tảng quan hệ gắn bó trong lịch sử, nhu cầu, lợi ích chung, là sự tiếp nối, hoàn tất quá trình khởi động từ cách đây hơn 20 năm, nhằm đối phó các với thách thức bên trong và bên ngoài trong bối cảnh mới.
Sự kiện hợp nhất Nhà nước Liên minh là việc đoán định được, không bất ngờ với thế giới. Nhưng bước nhảy trong quan hệ song phương Nga-Belarus cũng ẩn chứa những điểm mới, đáng chú ý.
Những điểm mới, đáng chú ý
Hai Tổng thống Nga và Belarus đã thông qua 28 chương trình và định hướng chính để thực hiện các điều khoản của Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh trong lộ trình 2021-2023.
Các văn kiện nhằm mục đích thống nhất luật pháp Nga, Belarus trong các lĩnh vực, ngành then chốt như tài chính, thị trường năng lượng, không gian vận tải, chính sách công nghiệp thống nhất…
Lãnh đạo hai nước thông qua Học thuyết quân sự chung, tăng cường gắn kết chính sách quốc phòng, quân đội, điều chỉnh kịp thời nhiệm vụ trước những biến động của tình hình, tạo cơ sở phòng thủ chung, bảo đảm tính toàn vẹn và bất khả xâm phạm lãnh thổ.
Văn kiện xác định lãnh thổ Nhà nước Liên minh bao gồm toàn bộ lãnh thổ của quốc gia thành viên. Qua đó khẳng định Crimea là bộ phận của Nga (trước đó Belarus giữ lập trường trung lập, né tránh vì sự nhạy cảm).
Nga, Belarus thống nhất khái niệm về chính sách di trú, định hướng hoạt động của Bộ Nội vụ, cơ quan An ninh, Biên phòng, đối ngoại trong lĩnh vực di trú. Đây là vấn đề rất quan trọng trước tình trạng di cư phức tạp hiện nay ở Belarus và khu vực.
Các văn kiện mới hoàn tất quá trình đàm phán kéo dài, thực hiện hội nhập sâu rộng hơn của Nga và Belarus trong khuôn khổ Nhà nước Liên minh, trên các lĩnh vực then chốt. Quốc hội, chính phủ hai nước, Hội đồng tối cao sẽ tiếp tục cụ thể hóa, triển khai các chính sách.
Tổng thống Alexander Lukashenko phản bác quan điểm của phương Tây nói thỏa thuận Nga-Belarus là một dự án chính trị thuần túy. Ông khẳng định đây là sự hội nhập duy nhất, tiến bộ trên mọi phương diện. Cả trong chính trị, chính sách đối ngoại, quốc phòng, an ninh và có sự phát triển vượt bậc.
Nhà nước Liên minh sẽ mang lại lợi ích chung cho hai nước. Đặc biệt là lợi ích kinh tế, năng lượng, quốc phòng, an ninh cho Belarus. Lợi ích lớn của Nga là ràng buộc Belarus, tạo vùng đệm và giúp Nga có thể hiện diện quân sự, tiếp cận trực tiếp với NATO, EU.
Sự hợp nhất Nhà nước liên minh Nga-Belarus phù hợp với xu thế tăng cường hợp tác, liên minh, liên kết của thế giới. Điều đó sẽ tác động lớn, không chỉ đối với hai nước mà cả tình hình, cục diện khu vực thế giới.
Chặng đường phía trước và “nỗi lòng” của Mỹ, NATO
Một số học giả nhận xét việc nhất thể hóa về lập pháp, hành pháp, tạo động lực cho Nhà nước Liên minh là cách làm mới, rút kinh nghiệm từ mô hình EU. Đó là “đắp nền vững” để “đổ mái cao”.
Nhà nước Liên minh và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) là nòng cốt, cơ sở để giữ vững an ninh, ổn định không gian hậu Xô Viết; từng bước thu hút các quốc gia, mở rộng Liên minh, tạo đối trọng với EU, NATO.
Tuy nhiên, quá trình hình thành Nhà nước liên minh trước đó đã gặp không ít trục trặc, từ những toan tính riêng. Belarus từng nghi ngờ Nga can thiệp bầu cử, thỉnh thoảng lại nêu trở ngại trong quan hệ song phương.
Theo học giả quốc tế, nhà cầm quyền Minsk cho rằng “Nga không thể để mất đồng minh cuối cùng thời hậu Xô viết”. Do đó, Belarus có thể duy trì quan hệ song phương theo hướng nhận được lợi ích kinh tế tối đa từ Nga mà chỉ phải đổi lợi ích chính trị tối thiểu.
Belarus không ít lần nhấn mạnh sự lệch pha, bấp bênh trong quan hệ với Nga làm “chất xúc tác”, “con bài” để “phá băng” quan hệ với Mỹ và phương Tây. Minsk từng bắn tín hiệu sẵn sàng thay đổi để Mỹ và phương Tây dỡ bỏ trừng phạt.
Trong quan hệ quốc tế, không ít nước nhỏ sử dụng vị trí địa chiến lược của mình để đặt điều kiện, mặc cả, trục lợi với nước lớn, “bắt cá hai tay”. Ngược lại, nước lớn cũng sử dụng ưu thế để chi phối, gây sức ép, can dự vào nước nhỏ. Việc thỏa hiệp, nhượng bộ thường mang tính nhất thời, thiếu nền tảng để phát triển quan hệ bền vững, lâu dài.
Một số quốc gia cho rằng hình thức liên thủ, liên kết, hợp tác sẽ linh hoạt, hiệu quả, ít bị ràng buộc hơn so với hình thức Nhà nước Liên minh, nhất là trong xu thế đề cao quan hệ đa phương, tồn tại các quan hệ đan xen, chồng chéo lợi ích hiện nay. Gia nhập Nhà nước Liên minh thường chỉ xảy ra khi quốc gia bị sức ép quá lớn, buộc phải dựa vào nhau để tồn tại. Nhà nước Liên minh thu hút, mở rộng thêm quốc gia thành viên là việc không dễ dàng.
Nội bộ Belarus cũng xuất hiện những mâu thuẫn xã hội giữa những người ủng hộ và không ủng hộ Nhà nước Liên minh. Mỹ và phương Tây lợi dụng, móc nối, hỗ trợ lực lượng đối lập, lôi kéo, kích động người dân chống đối chính quyền, gây bất ổn chính trị để can dự lật đổ.
Mỹ và NATO sớm nhận thấy mối nguy hại từ Nhà nước Liên minh Nga-Belarus. Trong bối cảnh hiện nay, Nga và Belarus không muốn đối đầu với EU, xung đột quân sự với Mỹ và NATO, trừ tình huống bất khả kháng.
Nhưng có nhà quân sự vẫn dự báo tình huống cực kỳ nguy hiểm. Nga sử dụng căn cứ trên lãnh thổ Belarus, khống chế hành lang Suwalki trên biên giới Ba Lan-Litva, chia cắt 3 nước Baltic với phần còn lại, biến Kaliningrad thành “con dao kề yết hầu” NATO.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố “sẵn sàng bảo vệ lẫn nhau chống lại bất kỳ mối đe dọa nào xuất phát từ Minsk và Moscow”. Mỹ, EU, NATO đang và sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể, để chia rẽ, ngăn cản sự phát triển Nhà nước Liên minh. Nhưng càng gây sức ép, lại càng đẩy Belarus xích lại gần Nga.
Nhà nước Liên minh Nga-Belarus có bước phát triển, định rõ hơn mục tiêu, lộ trình. Nhưng trước bối cảnh phức tạp cả bên trong và bên ngoài, chặng đường phía trước còn dài và không ít chông gai.
Tuy nhiên, muốn đi xa, bay cao, không còn cách nào khác là nỗ lực, vược qua chính mình, vượt qua mọi thách thức.