Nhà nước nên đầu tư bao nhiêu vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...
Đề xuất vốn Nhà nước 80%, tư nhân 20%
Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, Ủy ban cho rằng, hình thức đầu tư PPP với tỷ lệ nhà nước 80% theo đề xuất của Bộ GTVT là rất cao, cho thấy tính khả thi dự án không cao, không đủ khả năng thu hút vốn tư nhân tham gia, thu hồi vốn đầu tư.
Ủy ban này cũng đề nghị Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đánh giá kỹ hơn về đề xuất này, đặc biệt lưu ý khả năng cân đối thu chi ngân sách nhà nước, vấn đề nợ công khi thực hiện đầu tư dự án.
Trao đổi với Báo Giao thông ngày 8/9, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đang trong quá trình nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi không nhận được văn bản góp ý của cơ quan. “Hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đang được Hội đồng thẩm định Nhà nước (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực) đánh giá, làm rõ về đề xuất dự án, trong đó có hình thức đầu tư và huy động vốn mà Bộ GTVT đề xuất”, đại diện Ban nói.
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao (TĐC) trên thế giới cho thấy, nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chủ yếu phải từ vốn đầu tư công. Vì vậy, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ GTVT đề xuất đầu tư dự án đường sắt TĐC Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng (chiếm khoảng 80%) tổng mức đầu tư dự án; còn huy động khoảng 20% vốn từ xã hội hóa từ các nhà đầu tư để mua sắm đoàn tàu và một số thiết bị. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng và trả chi phí thuê hạ tầng của tuyến đường sắt TĐC này.
“Dự án đã phân tích tác động đến nợ công trên phương án khoảng 80% vốn Nhà nước và 20% vốn tư nhân. Nghiên cứu đã dự tính, với giá trị đầu tư hàng năm trong giai đoạn I của dự án chiếm 0,7% GDP, giai đoạn II chiếm tối đa 0,05% GDP. Trường hợp 100% vốn đi vay, với tình hình sử dụng và mức trả nợ công hiện nay của Chính phủ, dự án không làm vượt quá trần nợ công 65% GDP theo quy định trong suốt cả hai giai đoạn đầu tư của dự án”, nghiên cứu tiền khả thi của dự án nêu.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi nhận được nhiều ý kiến đóng góp về phương án đầu tư, huy động vốn từ các bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu, chuyên gia. Trong đó, Bộ Tài chính góp ý, với phương án đầu tư PPP cần phân tích về khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển theo từng giai đoạn (2021-2025, 2026-2030, 2031-2040) và những tác động đến tăng trưởng kinh tế, nợ công, tính khả thi huy động và các nguồn ngoài ngân sách để thực hiện dự án.
Chuyên gia nói gì ?
Nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TĐC Bắc - Nam được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ tháng 2/2019, với đề xuất xây dựng với chiều dài toàn tuyến khoảng 1.599km, nối Hà Nội - TP.HCM, có tổng mức đầu tư khoảng 58,71 tỷ USD; với tốc độ khai thác đoàn tàu 320km/h; phân kỳ đầu tư hai giai đoạn 2020-2032 và 2032-2050.
Đánh giá về nghiên cứu và đề xuất của Bộ GTVT, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng: “Các kịch bản về tăng trưởng kinh tế, phân bổ vốn Nhà nước và nợ công là khá an toàn và khả thi. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro tài chính và rút ngắn thời gian đầu tư, phương án xã hội hóa đầu tư một phần (+20%) là khả thi hơn cả. Đây cũng là phương án tạo ra kênh đầu tư dài hạn tốt cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế”.
Còn theo TS. Trần Khánh Hưng, Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế quốc dân, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vay ODA, còn một nguồn vốn rất lớn có thể huy động cho đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ dân cư là công trái, vốn đã rất thành công trong lịch sử.
“Quan điểm cá nhân của tôi là nên tính toán đến nguồn vốn này, mặc dù cho đến nay các quy định của pháp luật có nhiều thay đổi so với trước đây”, TS. Trần Khánh Hưng góp ý.
Bộ GTVT cho biết, báo cáo tiền khả thi dự án cũng phân tích chỉ tiêu kinh tế, tài chính theo hình thức đầu tư PPP với tỷ lệ vốn đầu tư của nhà nước/tư nhân. Trong đó nêu rõ: “Hiệu quả tài chính dự án được tính toán với các mức vốn đầu tư khác nhau. Kết quả, nếu tính toán hiệu quả tài chính với mức vốn bằng 100% giá trị tổng mức đầu tư cho thấy dự án không khả thi về tài chính. Song, nếu chỉ tính với phần vốn huy động từ tư nhân dự kiến khoảng 20% tổng mức đầu tư, dự án khả thi và chỉ tiêu FIRR (tỷ lệ nội hoàn tài chính đánh giá trên tổng mức đầu tư) = 11,7% trên dòng vốn tiền tổng vốn chủ sở hữu và vốn vay; đạt FIRR = 18,5% trên dòng tiền của riêng vốn chủ sở hữu”.