Nhà ở cho công nhân - thêm tín hiệu lạc quan
Nhà ở là một trong những nhu cầu bức thiết của công nhân lao động trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn cung còn rất hạn chế khiến nhiều người phải đi thuê trọ ở các khu dân cư lân cận với điều kiện sống tạm bợ, chật chội. Việc Chính phủ đang quyết tâm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ là tín hiệu lạc quan cho phân khúc bất động sản này.
Nguồn cung còn hạn chế
Khác với nhà ở xã hội, có thể được phát triển ở nhiều nơi, nhà ở công nhân được hình thành tập trung trong các khu công nghiệp hoặc khu vực lân cận. Loại hình nhà ở này phần lớn được thiết kế dưới dạng căn hộ cho thuê. Trong đó, ba đối tượng được phép cung cấp nhà ở công nhân gồm: Doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp và các doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, tại các tỉnh phía Bắc hiện nay, 70% nhà ở công nhân được xây dựng bởi các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp.
Tuy vậy, trên thực tế, nguồn cung nhà ở công nhân hiện vẫn còn rất hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu. Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn và định giá - Savills Hà Nội Nguyễn Hồng Vân cho biết, theo ghi nhận, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu lao động trong khu công nghiệp, một nửa trong số đó cần chỗ ở, tương đương với nhu cầu nhà ở là 12,5 triệu mét vuông sàn. Tuy nhiên, nguồn cung hiện hữu mới chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu.
Tại Hà Nội, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn thông tin, thành phố có 10 khu công nghiệp, gần 170.000 công nhân. Hầu hết các khu công nghiệp chưa quy hoạch, bố trí chỗ ở cho công nhân. Đến nay, mới có 4 khu công nghiệp có khu nhà ở cho công nhân, gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh), dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), dự án khu nhà ở công nhân Công ty Meiko và dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai). Tổng công suất thiết kế của các dự án nhà ở cho công nhân này khoảng 22.450 chỗ ở, mới đáp ứng được khoảng 13% nhu cầu.
Theo Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Văn Nghĩa, với mức lương như hiện nay (trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội. Do vậy, họ phải trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước, doanh nghiệp, nhằm thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng nhà ở công nhân thời gian qua đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là nguồn vốn (vốn của doanh nghiệp, vốn vay, vốn ngân sách) phục vụ chương trình phát triển nhà ở cho công nhân còn hạn hẹp, khó tiếp cận và chưa đáp ứng được nhu cầu. Các chính sách ưu đãi về vốn theo quy định của pháp luật hiện nay chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.
Các dự án có thời gian thu hồi vốn kéo dài (20-30 năm), vì vậy gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng phát triển nhà ở công nhân. Đa số các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp khi sử dụng lao động đều chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân và xem đó chủ yếu là trách nhiệm của Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp (chủ yếu là các khu công nghiệp cũ) chưa được quy hoạch quỹ đất phục vụ việc xây dựng nhà ở cho công nhân...
Do thiếu quỹ nhà ở dành cho công nhân, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận. Đây là những khu nhà người dân tự thiết kế, xây dựng, có điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí... Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn Lê Văn Nghĩa cho hay, vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cử cán bộ đi khảo sát tại tỉnh Hà Nam và nhận thấy có rất nhiều công nhân đang phải đi thuê trọ, sinh sống trong những dãy nhà cấp bốn chật chội, bí bách.
Giải pháp nào?
Trước nhu cầu nhà ở cho công nhân, đi cùng với nhu cầu có nơi học tập, vui chơi, giải trí, khám chữa bệnh, Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn Lê Văn Nghĩa cho biết, từ năm 2015 đến 2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về đề án thiết chế công đoàn, gồm: Nhà ở, nhà văn hóa, thể thao, trạm y tế, nhà trẻ, dịch vụ, thương mại... phục vụ công nhân khu công nghiệp. Sau đó, Chính phủ đã có quyết định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện 50 thiết chế công đoàn. Hiện đã có 35 tỉnh, thành phố giới thiệu địa điểm (quy mô mỗi điểm 3-7ha) để bố trí xây dựng thiết chế công đoàn; tuy nhiên, hiện đang vướng một số vấn đề về pháp lý cần phải điều chỉnh...
Một trong những vướng mắc điển hình là Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý triển khai trên thực tế. Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động, có nguồn lực tài chính...
Còn bà Nguyễn Hồng Vân (Savills Hà Nội) chia sẻ, thực tế trước đây chưa có khung pháp lý hay định nghĩa rõ ràng về nhà ở công nhân. Tuy nhiên, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đã đưa ra những cam kết quan trọng về nhà ở công nhân và nhà ở xã hội. Thêm vào đó, Chính phủ đã ban hành Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Đề án thể hiện quyết tâm thực hiện chủ trương này với những chính sách khuyến khích đầu tư phát triển và các gói hỗ trợ để người công nhân tiếp cận sản phẩm nhà ở...
“Với sự phát triển mạnh mẽ trong khu vực công nghiệp, dòng vốn FDI ổn định, lực lượng lao động sản xuất lớn kết hợp với các chính sách khuyến khích đầu tư, nhà ở công nhân có thể là phân khúc phát triển ngách hấp dẫn trong thời gian tới”, bà Nguyễn Hồng Vân nhận định.
Để thúc đẩy nguồn cung nhà ở công nhân, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, cần sửa Luật Nhà ở; trong đó, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Ngoài ra, Luật Nhà ở cần có quy định về quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, bảo đảm đầy đủ tiện ích, dịch vụ, kết nối giao thông thuận tiện. Ngân sách nhà nước có hạn, vì vậy chỉ nên sử dụng để tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cho thuê. Đối với nhà ở công nhân, nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hóa để doanh nghiệp tư nhân thực hiện.
Về phía Hà Nội, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn cho hay, Ban đã tham mưu UBND thành phố ban hành quy định bắt buộc khu công nghiệp bố trí 2% quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân; đề xuất thành phố xem xét xây dựng cơ chế cho phép việc đấu giá các khu đất có giá trị hoặc có cơ chế hoán đổi giá trị quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn cũng như quỹ nhà ở cho công nhân; đa dạng hóa các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; tăng cường tuyên truyền thu hút đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi...
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nếu được Quốc hội thông qua nội dung cho phép Tổng Liên đoàn trực tiếp tham gia đầu tư dự án nhà ở tại khu thiết chế công đoàn cho công nhân thuê như dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Tổng Liên đoàn sẽ chủ động trong việc đầu tư và dự kiến đến năm 2030 sẽ xây dựng ít nhất tại 7 địa phương: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nha-o-cho-cong-nhan-them-tin-hieu-lac-quan-623597.html