Nhà ở tăng giá phi mã, gia đình trẻ khó với tới

Giá chung cư và đất nền tại Hà Nội cũng như các đô thị lớn sau nhiều đợt sóng dồn dập đã tăng lên mức cao không tưởng. Việc này tạo ra những mặt bằng giá mới khiến người trẻ công tác, học tập tại các đô thị lớn càng xa vời giấc mơ an cư.

Mua nhà Hà Nội khó như trúng số

Hơn 10 năm học tập và công tác trên địa bàn Hà Nội, chị Nguyễn Thị Nga (33 tuổi, trú tại tổ 16, phường Yên Nghĩa, Hà Đông) vẫn phải đi thuê nhà trọ. Bởi với mức lương lao động tại một doanh nghiệp nhỏ chỉ từ 6-8 triệu đồng/tháng, cùng với thu nhập tương tự của chồng, nuôi 1 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học khiến hàng tháng gia đình chị gần như không tiết kiệm được đồng nào. “Tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí hàng ngày cùng với tiền học của con đã gần như chiếm hết khoản thu nhập của chúng tôi. Giá nhà đất và chung cư đều tăng dồn dập. Có 2 tỷ đồng cũng không biết tìm mua chung cư ở đâu để ở, giấc mơ nhà Hà Nội để an cư của hai vợ chồng tôi quá xa vời” - chị Nga bộc bạch.

Cần nhiều hơn nữa những dự án nhà ở xã hội như Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho người trẻ, người thu nhập thấp

Cần nhiều hơn nữa những dự án nhà ở xã hội như Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho người trẻ, người thu nhập thấp

Dù là người Hà Nội gốc, nhưng gia đình anh Trần Đăng Mạnh ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) cũng nhận thấy việc có một mái ấm riêng là điều không tưởng với mức thu nhập từ lương công chức. “Vợ chồng tôi đều là công chức, lương chỉ đủ tiêu ở mức trung bình và không dư dả gì. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng bố mẹ chỉ là công nhân và được xí nghiệp phân cho một căn nhà tập thể sinh sống cho đến nay. Khi anh em tôi trưởng thành và xây dựng gia đình thì việc ở chung 7 - 8 người trong một căn nhà tập thể là không được, do đó vợ chồng tôi phải tách ra đi thuê nhà trọ ở ngoài. Với tốc độ giá nhà đất tăng phi mã như thời gian qua thì mức lương công chức của vợ chồng tôi chẳng dám mơ đến mua nhà riêng” - anh Mạnh chia sẻ.

Thực trạng trên đã tác động và làm thay đổi tư tưởng của một bộ phận lao động trẻ theo xu hướng bỏ phố về quê để an cư. Tâm sự trên một diễn đàn trẻ, chị N.N.A (trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cho biết, đầu năm 2025, vợ chồng chị đã quyết định đưa 2 con về quê lập nghiệp, bởi sau hơn 10 năm bám trụ ở Hà Nội, gia đình chị vẫn chưa mua nổi mảnh đất để an cư. “Chúng tôi quyết định bỏ phố về quê ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) lập nghiệp lại từ đầu. Hai vợ chồng cũng rất băn khoăn tính toán sau nhiều tháng suy nghĩ, nhưng với số tiền tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng của suốt hơn 10 năm lăn lộn đất Hà Nội, chúng tôi sẽ về quê cải tạo lại căn nhà cũ của ông bà, tìm công việc khác. Dĩ nhiên hai đứa con sẽ chịu thiệt thòi vì dù sao cơ hội học hành ở Thủ đô vẫn hơn, nhưng bù lại chúng được ở gần ông bà, họ hàng và được sống ở môi trường trong lành hơn, bố mẹ đỡ áp lực hơn…” - chị N.N.A bùi ngùi nói.

Một dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội

Một dự án nhà ở xã hội đang được xây dựng tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội

Còn anh Trần Văn Dũng (ở Phú Diễn, Nam Từ Liêm) cho biết, dù vợ chồng anh đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhưng “5 lần 7 lượt” nộp hồ sơ, có lần đượt lọt vào đến vòng bốc thăm, nhưng cuối cùng đều… trượt. “Số dự án và căn hộ nhà ở xã hội quá ít so với nhu cầu thực tế nên rất ít người có thể tiếp cận được. Rất mong Chính phủ và thành phố Hà Nội sớm tháo gỡ để có thêm nhiều nhà ở giá rẻ, phù hợp với thu nhập của những người lao động ở mức thấp, mức bình dân như vợ chồng tôi” - anh Dũng mong muốn.

Từ lâu, Nhà nước đã rất quan tâm đến nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, cho công nhân ở các khu công nghiệp, nhưng qua thời gian dài số lượng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp quá ít ỏi, không đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, các gói tín dụng cho người dân vay mua nhà ở thu nhập thấp cũng phức tạp về thủ tục khiến tỷ lệ tiếp cận được là không cao.

Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội từng là giấc mơ của hàng nghìn người dân Thủ đô

Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội từng là giấc mơ của hàng nghìn người dân Thủ đô

Nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế

Tại họp báo “Giải thưởng Bất động sản Việt Nam PropertyGuru lần thứ 11” diễn ra vào ngày 2-4 tại TP.HCM vừa qua, ông Bạch Dương - Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết: “Trong 2 năm qua, giá bất động sản tại Hà Nội liên tục đi lên ở tất cả các phân khúc. Thị trường sốt nóng từ trung tâm cho tới vùng ven. Trong khi đó tại TP.HCM chỉ có phân khúc chung cư là tăng giá liên tục, còn lại đi ngang”.

Từ tháng 1-2023 đến tháng 11-2024, biểu đồ giá bán chung cư trung bình cho thấy Hà Nội tăng “dựng đứng” từ 38 triệu đồng/m2 lên 62 triệu đồng/m2, trong khi TP.HCM tăng từ 47 triệu đồng/m2 lên 57 triệu đồng/m2. Với phân khúc nhà riêng, giá bán trung bình tại TP.HCM có xu hướng giảm nhẹ sau 2 năm, từ 120 triệu đồng/m2 xuống 108 triệu đồng/m2. Còn Hà Nội là một bức tranh hoàn toàn trái ngược khi giá tăng từ 125 triệu đồng/m2 lên 199 triệu đồng/m2. Với đất nền, TP.HCM giảm nhẹ từ 60 triệu đồng/m2 xuống 58 triệu đồng/m2, trong khi Hà Nội tăng từ 53 triệu đồng/m2 lên 70 triệu đồng/m2.

Khảo sát tâm lý người tiêu dùng bất động sản tháng 12-2024 của Batdongsan.com.vn cho thấy, người mua nhà lần đầu là động lực chính thúc đẩy thị trường, chiếm đến 62% giao dịch trong năm vừa qua. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng cho rằng đà tăng giá bất động sản chưa dừng lại, với 56% dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025.

Tại tọa đàm “Bất động sản 2025: Nhà ở cho người trẻ” do Báo Người lao động tổ chức ngày 3-4 vừa qua, ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người lao động và người trẻ vẫn còn rất hạn chế. Việc tiếp cận quỹ nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế do nguồn cung trong thời gian qua về số lượng dự án, căn hộ được đầu tư xây dựng và hoàn thành để bán, cho thuê hoặc thuê mua vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng lại rất lớn so với nguồn cung hiện tại. Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm thúc đẩy phát triển và đáp ứng nhu cầu thực tế của nhóm đối tượng này.

Gần đây, Chính phủ đã tổ chức hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp và người trẻ. Tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu trong Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội cũng đã được giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển phân khúc này.

Theo ông Vương Duy Dũng, để đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, bên cạnh các chính sách ưu đãi, rất cần có nguồn vốn hỗ trợ ổn định. Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ nhà ở, hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững. Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu và chuẩn bị trình Chính phủ để tiếp tục trình Quốc hội một nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội, trong đó có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, các quy trình liên quan sẽ được rút ngắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Ông Vương Duy Dũng cho rằng, với nhóm lao động trẻ tại các đô thị, đây là đối tượng cần được ưu tiên. Họ thường gặp khó khăn do tay nghề còn hạn chế, thu nhập thấp và thời gian tích lũy chưa nhiều, khiến việc mua nhà theo cơ chế thị trường gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, lao động trẻ cũng có lợi thế về khả năng phát triển nghề nghiệp và gia tăng thu nhập trong tương lai. Do đó, việc hỗ trợ nhóm này không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn góp phần giải quyết bài toán nhà ở một cách lâu dài và bền vững. “Trong thời gian tới, nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM, Hà Nội và các đô thị lớn sẽ tiếp tục được triển khai. Chúng tôi kỳ vọng nhiều dự án sẽ sớm hoàn thành để phục vụ người dân. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhu cầu về nhà ở xã hội sẽ từng bước được đáp ứng tốt hơn trong thời gian tới” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết.

Khó tìm nhà ở dưới 3 tỷ đồng

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhìn nhận, nhà ở xã hội có những điểm khác nhà ở thương mại giá rẻ. Đó là nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất, tín dụng và giới hạn lợi nhuận ở mức 10%. Tuy nhiên, nhà ở xã hội hiện nay không còn rẻ như trước do giá bán đã bao gồm đầy đủ mọi chi phí. Vì vậy, giá nhà ở xã hội hiện nay chỉ thấp hơn giá nhà ở thương mại khoảng 15%. Trong khi đó, nhà ở thương mại giá rẻ vẫn chưa được hưởng ưu đãi như nhà ở xã hội. Bên cạnh việc thuê nhà, một bộ phận giới trẻ vẫn có xu hướng mua nhà dưới 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, loại hình nhà ở này ngày càng khan hiếm trên thị trường. Ông Châu mong muốn có cơ chế hỗ trợ và chính sách ưu đãi cho người trẻ mua nhà.

Về định hướng phát triển nhà ở, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, cần có nhiều cơ chế mới để rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội. Chẳng hạn, có thể giao cho Sở Xây dựng quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội. Ngoài ra, cần bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức Nhà nước. Hiện nay, nhu cầu mua nhà ở xã hội của nhóm này rất cao, nhiều người vẫn phải xếp hàng chờ mua. Vì vậy, cần có hành lang pháp lý riêng để hỗ trợ họ tiếp cận quỹ nhà ở, giúp việc mua nhà trở nên dễ dàng hơn.

Về giá nhà, ông Lê Hoàng Châu nhận định, thị trường đang chứng kiến tình trạng giá nhà tăng phi mã do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu lớn. Hiện nay, số lượng nhà ở xã hội tại TP.HCM chỉ vào khoảng 6.000 căn, quá ít so với nhu cầu thực tế. TP.HCM và Hà Nội cần đẩy mạnh gia tăng nguồn cung. Nếu đề án xây dựng 1 triệu căn nhà của Chính phủ được triển khai thành công, đây sẽ là một yếu tố quan trọng giúp cân bằng thị trường.

Ông Châu mong muốn Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành các nghị quyết, nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, như đã thực hiện trong thời gian qua. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án đang bị đình trệ, nếu được khơi thông sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở đáng kể, tạo điều kiện để người trẻ và người có nhu cầu thực tiếp cận nhà ở. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở.

Ông Phạm Lâm - Hiệp hội bất động sản Việt Nam: Chính sách nên hướng đến nhóm người chưa có nhà ở

“Theo góc nhìn của tôi, có lẽ chúng ta nên cân nhắc lại cách đặt tên “nhà ở giá rẻ”, bởi cụm từ này không thực sự hấp dẫn và thậm chí có thể làm giảm động lực sở hữu nhà. Quyền sở hữu bất động sản là một điều quan trọng đối với mỗi người và tên gọi cũng cần phản ánh được giá trị của loại hình nhà ở này. Chính sách nên hướng đến nhóm “người chưa có nhà ở”, đây là tiêu chí khách quan, rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn. Như vậy, các chính sách hỗ trợ sẽ thực sự đi đúng đối tượng thay vì chỉ dựa vào yếu tố độ tuổi. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề tiếp cận nguồn vốn và lãi suất vay. Hành trình sở hữu nhà của mỗi người thường trải qua các giai đoạn: Thuê nhà, mua căn nhà đầu tiên, rồi mới nâng cấp lên căn nhà thứ hai. Cá nhân tôi cũng từng trải qua quá trình đó. Cụ thể khi là sinh viên thì ở trọ, sau khi tốt nghiệp thì tiếp tục thuê nhà, tích lũy tài chính, rồi mới có điều kiện để mua căn nhà đầu tiên.

Về giải pháp phát triển nhà ở, có thể tính đến việc quy hoạch các khu vực cách trung tâm thành phố khoảng 30 - 40km, đi kèm với đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện để người dân có thể dễ dàng di chuyển. Khi đó, người trẻ vẫn có thể làm việc ở trung tâm nhưng sinh sống tại những khu vực có chi phí sinh hoạt hợp lý hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng sống. Ngoài ra, cần có tiêu chí rõ ràng và minh bạch để xác định ai đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, ai được hưởng chính sách ưu đãi. Chẳng hạn, những người đóng thuế đầy đủ, nghiêm túc trong nhiều năm có thể được xem xét ưu tiên. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và quy định chặt chẽ để tránh tình trạng trục lợi chính sách, bảo đảm công bằng trong tiếp cận nhà ở cho các đối tượng thực sự cần. Tất nhiên, đây là một quá trình dài hạn, không thể giải quyết triệt để trong ngày một ngày hai. Nhưng với một lộ trình rõ ràng, những chính sách sát thực tế, minh bạch và hướng đến đúng đối tượng, chúng ta hoàn toàn có thể từng bước tháo gỡ những khó khăn hiện tại, hướng tới một chính sách nhà ở thực sự hiệu quả và bền vững cho người dân”.

TS Trương Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Cần xã hội hóa mạnh mẽ

“Nhóm tuổi từ 24 - 33 là đối tượng có nhu cầu mua nhà rõ nét nhất. Luật Nhà ở hiện nay, đặc biệt là Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của nhóm này nếu triển khai đầy đủ. Với công nhân đã có chính sách về nhà ở lưu trú. Các đối tượng khác như lực lượng vũ trang, người nghèo ở đô thị, người nghèo nông thôn… cũng đều đã có chính sách hỗ trợ riêng. Tuy nhiên, trong Chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, con số này vẫn là mức tối thiểu. Cụ thể, tại TP.HCM - nơi có dân số khoảng 14 triệu người - đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 chỉ xây 100.000 căn nhà ở xã hội là quá ít so với nhu cầu thực tế. Do đó, cần có giải pháp xã hội hóa mạnh mẽ hơn. Doanh nghiệp nên được tạo điều kiện để chủ động sử dụng quỹ đất của mình phát triển nhà ở xã hội với mức giá được tính hợp lý, ví dụ như áp dụng theo khung giá đất tính thuế của năm 2024. Đồng thời, Nhà nước cần đóng vai trò là “bà đỡ”, hỗ trợ chính sách để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và đầu tư hiệu quả hơn vào lĩnh vực này.

Song song đó, cần có chính sách ưu đãi riêng về nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi, tương tự như chính sách ưu đãi với nhà ở xã hội hiện nay. Riêng với nhóm từ 18 - 23 tuổi, nhu cầu sở hữu nhà ở chưa thật sự rõ ràng. Nếu là sinh viên, cần phát triển thêm quỹ đất để xây dựng ký túc xá. Nếu là công nhân, người lao động, cần mở rộng hệ thống nhà lưu trú, khuyến khích xã hội hóa trong xây dựng và quản lý nhà lưu trú cho công nhân. Tại các khu công nghiệp ở TP.HCM giá thuê đất rất cao, trong khi nhu cầu lại lớn. Cần có thêm thiết chế công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân với mức giá hợp lý.

Ngoài sinh viên và công nhân, các đối tượng khác cũng cần được xem xét trong việc xây dựng chính sách tiếp cận nhà ở phù hợp. Tôi cũng đặc biệt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM xem xét: Trước đây đã từng có các dự án nhà ở xã hội được xây dựng thành công nhờ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp và thời hạn vay dài. Tuy nhiên, hiện nay gói vay này đã ngừng triển khai. Trong khi đó, rất nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ, vẫn đang gặp khó khăn do lãi suất cao và thời gian vay ngắn. Chúng tôi kiến nghị nên xem xét khôi phục hoặc thiết kế lại gói vay tương tự, tiếp tục hỗ trợ cho những người mua nhà lần đầu, hoặc cả những người mua thứ cấp trong các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện và một số dự án khác. Nếu có một gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh tài chính cho người trẻ trong hành trình sở hữu ngôi nhà đầu tiên”.

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nha-o-tang-gia-phi-ma-gia-dinh-tre-kho-voi-toi-post608153.antd