Nhà ở xã hội 'bùng nổ' nguồn cung, giá chung cư sẽ hạ nhiệt?
Nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội và một số địa phương đang ghi nhận những tín hiệu tích cực khi nhiều dự án được đề xuất hoặc chuẩn bị triển khai. Các chuyên gia kỳ vọng, sự bổ sung nguồn cung của phân khúc này có thể làm cho giá chung cư hạ nhiệt.
Nhiều dự án nhà ở xã hội được triển khai
Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, thời gian qua, các địa phương đang tập trung tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh công tác phát triển phân khúc này.
Ngay đầu tháng 6, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung, với quy mô 668 ha ở các huyện ngoại thành gồm: dự án nhà ở xã hội Thị trấn sinh thái Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ với quy mô 169 ha; dự án nhà ở xã hội xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ với quy mô 127 ha; dự án nhà ở xã hội xã Thạch Hòa, huyện Quốc Oai quy mô 78ha; dự án nhà ở xã hội quận Hà Đông quy mô 50 ha; dự án nhà ở xã hội xã Đại Áng, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín quy mô 105 ha; dự án nhà ở xã hội huyện Đan Phượng quy mô 22 ha, dự án nhà ở xã hội Xã Mai Lâm, huyện Đông Anh quy mô 46,6 ha; dự án nhà ở xã hội xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm quy mô 63 ha; dự án nhà ở xã hội Quang Minh, huyện Mê Linh quy mô 12,9 ha.
Bên cạnh đó, theo kế hoạch đến năm 2025, TP Hà Nội đã duyệt phát triển 5 khu nhà ở xã hội với quy mô 248 ha. Đến nay, Sở Xây dựng hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư 4 dự án. Bốn dự án này có diện tích 203 ha, khoảng 12.300 căn nhà ở xã hội. Trong đó, huyện Đông Anh, Mê Linh có 3 dự án với 9.800 căn, huyện Gia Lâm là một dự án với 2.400 căn hộ.
Tại họp báo quý II/2024 của Bộ Xây dựng ngày 14/6, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thông tin, đến tháng 6/2024, trên địa bàn cả nước hiện có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn; tăng 4 dự án với 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Như vậy, thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội và một số địa phương khác sẽ dồi dào hơn so với hiện tại. Trên thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội đang vô cùng khan hiếm. Chung cư Hà Nội là sự chiếm lĩnh của nguồn hàng trung cấp và cao cấp.
Từ năm 2023 đến hiện tại, ngoài dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn mở bán thì Hà Nội vẫn chưa đón thêm nguồn cung nhà ở xã hội nào ra hàng. Do đó, những thông tin tích cực về nhà ở xã hội trên được kì vọng sẽ giải cơn khát nhà ở giá rẻ của Hà Nội.
'Bùng nổ' nhà ở xã hội sẽ làm giá chung cư hạ nhiệt?
Trong bối cảnh thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội nên khiến cho giá chung cư ngày một tăng cao. Theo dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn, giá bất động sản không có chiều hướng giảm trong quý II/2024. Cụ thể, so với mức giá bán cùng kỳ năm 2023, giá chung cư tại Hà Nội tăng trung bình 31%.
Nhận định về giá nhà chung cư, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường Hà Nội nhận thấy nguồn cung rất khó có thể cải thiện trong ngắn hạn bởi quỹ đất không có nhiều, nhất là khu vực trung tâm, trong khi đó giá bán đang neo cao.
Bên cạnh đó, khi Luật Kinh doanh bất động sản mới có hiệu lực, yêu cầu triển khai dự án với chủ đầu tư ngày càng cao, trong đó phải kể đến yêu cầu về hệ số nợ/nguồn vốn, yêu cầu về dòng tiền…
“Với các quy định mới sắp có hiệu lực trong thời gian tới, nếu chúng ta vẫn duy trì cách làm như hiện tại thì cả kể là 5 năm nữa, nguồn cung chung cư sẽ rất khó cải thiện, nếu có thì sẽ tập trung chủ yếu ở các dự án của chủ đầu tư nước ngoài. Muốn tăng nguồn cung thì Nhà nước phải tham gia cầm trịch việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội, không nên mong chờ ngân hàng giảm lãi suất”, vị này nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội. Những điểm mới trong các bộ luật này góp phần tháo gỡ những khó khăn mà thị trường phải đối mặt trong thời gian qua, trong đó có những “điểm nghẽn” về nhà ở xã hội.
Cụ thể, Luật Nhà ở mới quy định những doanh nghiệp định hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được nhiều ưu đãi với các cơ chế thông thoáng hơn. 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương, căn cứ vào đó các địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp. Luật Nhà ở 2023 cũng bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Đáng nói, những chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội sẽ được miền trừ thuế toàn bộ phần diện tích xây nhà ở xã hội mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất và thủ tục xin miễn trừ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chỉ sẽ áp dụng biên độ lợi nhuận ở phần diện tích xây nhà ở xã hội cũng được xem là điểm cộng để tăng sức hút đầu tư.
Theo đó, Ông Nguyễn Văn Đính dự báo, khi nguồn cung nhà ở xã hội bật tăng thì mặt bằng giá căn hộ sẽ xuống mức phù hợp hơn với người dân có nhu cầu ở thực.