Nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang
Phát triển nhà ở xã hội nhằm bảo đảm nhà ở cho các đối tượng chính sách, trong đó có LLVT là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được cụ thể hóa tại Luật Nhà ở và các luật có liên quan.
Với mức giá thấp và được vay ưu đãi dài hạn, nhà ở xã hội là sự lựa chọn phù hợp của đại đa số đối tượng công tác trong Quân đội, bởi họ thường đóng quân xa quê và không thể làm thêm để có thu nhập ngoài lương. Thế nhưng, thực tế mua nhà ở xã hội không dễ vì nguồn cung thấp, trong khi nhu cầu rất cao và ngày càng tăng.

Một góc khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: TUẤN HUY
Trước khi Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực thi hành (ngày 1-1-2025), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp nghiên cứu, khẩn trương triển khai phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của cán bộ Quân đội. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Quốc phòng phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 10.252 căn nhà ở xã hội. Như vậy, lãnh đạo Chính phủ và Bộ Quốc phòng rất quan tâm, rốt ráo chỉ đạo bảo đảm an sinh, an cư cho LLVT.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trên, rất cần những quyết sách căn cơ, hiệu quả. Trước hết, từ trong quy hoạch, các địa phương phải dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội cho LLVT. Tiếp đó, phải có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt với người công tác trong LLVT (nhất là sĩ quan trẻ) về nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp xây dựng của Quân đội phải coi việc phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị để bảo đảm an sinh và an cư cho quân nhân, giúp đồng đội yên tâm công tác, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội; tuyệt đối không tối đa hóa lợi nhuận.
Cổ nhân đã đúc rút "an cư lạc nghiệp". Người ở tiền tuyến chỉ thực sự yên tâm công tác và nỗ lực cống hiến khi hậu phương vững chắc, trước hết là nơi an cư.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nha-o-xa-hoi-cho-luc-luong-vu-trang-822509