Nhà ở xã hội: Giấc mơ của người lao động – Bài 1: Lương thấp, khó mua nhà

Nhà ở xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy tính bền vững của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. Từ cơ chế chính sách, sự vào cuộc của doanh nghiệp xây dựng, đối tượng được mua nhà giá rẻ, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng... và cả trách nhiệm của mỗi địa phương. Trong khi , nhà ở cho người lao động, người thu nhập thấp..., những đối tượng được mua nhà ở xã hội đang rất cấp bách.

Với nhiều công nhân, để được sở hữu một căn nhà ở xã hội vẫn còn xa tầm với. Ảnh: Quang Vinh.

Với nhiều công nhân, để được sở hữu một căn nhà ở xã hội vẫn còn xa tầm với. Ảnh: Quang Vinh.

Vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được đặt ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn là vấn đề nóng. Giấc mơ sở hữu được một căn nhà ở xã hội với nhiều người vẫn xa vời. Nhất là khi tốc độ đô thị hóa ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM diễn ra ngày càng nhanh.

Nguồn cung nhà ở xã hội rất thấp.

Nguồn cung nhà ở xã hội rất thấp.

Lo bữa ăn còn chật vật, không dám nghĩ tới nhà

Đây là chia sẻ của chị Phạm Thị Diệp - công nhân may Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm. Dù trong suốt 9 năm làm công nhân, chị Diệp chưa phải nghỉ đứt quãng, giãn việc lần nào nhưng với tổng thu nhập hai vợ chồng từ 15 - 17 triệu đồng/tháng thì để có được một ngôi nhà vẫn chỉ ở trong giấc mơ.

Dẫn chứng, chị Diệp cho biết: Trước tiền nhà và điện nước mỗi tháng chỉ 1,5 triệu đồng cho căn phòng rộng 20m2 ở ngoại ô Hà Nội nhưng từ tháng 5 này đã lên 2,2 triệu đồng vì giá cả và tiền điện tăng kéo theo tiền thuê nhà cũng tăng. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân đi từ sáng đến tối mới về, hai đứa con đều đi học và ăn bán trú. Trung bình tiền học cho trẻ con mỗi tháng hết 5 triệu đồng chưa kể phát sinh.

“Như vậy đã hết một suất lương, còn lại một suất là dành cho ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, ma chay, giỗ tết... Những lúc ốm đau, số tiền này không đủ phải vay mượn thêm. Cuộc sống, thu nhập như thế này làm sao chúng tôi dám mơ có nhà” - chị Diệp tâm tư.

Tương tự, chị Lê Thị Dung, công nhân Công ty Goshi Thăng Long (Hà Nội) có mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng, không quá thấp nếu như trang trải cho riêng mình, nhưng chị lại phải dành tiền nuôi con, thuê trọ nên rất chật vật. Vì thế, với vợ chồng chị, việc được sở hữu căn nhà dù là nhà ở xã hội cũng là quá xa vời.

“Hàng tháng chỉ đủ chi trả tiền thuê nhà, tiền ăn học cho con đã là cả một gánh nặng lo toan nên tôi không dám mơ mua nhà kể cả mua trả góp với lãi suất ưu đãi. Lương không tăng, thu nhập làm thêm giờ cật lực cũng chỉ đủ “đuổi” theo giá làm sao những công nhân lao động chúng tôi đủ khả năng mua nhà trả góp” - chị Dung giãi bày.

Chị Dung cho biết thêm, năm 2023 lương tối thiểu vùng nhích lên 6% so với năm 2022 thì ngay từ đầu năm 2023 tiền nhà, tiền điện cũng đã tăng trước. “Cá biệt bắt đầu từ tháng 5 này giá điện khu phòng trọ nơi chị thuê trọ được nâng lên với mức giá 4.000 đồng/số. Chưa kể 2 tháng gần đây giá cả thực phẩm, rau xanh tăng chóng mặt khiến việc lo bữa cơm cho gia đình cũng trở lên chật vật và khó khăn. May mắn cả hai vợ chồng không ai bị nghỉ giãn việc, buổi tối tôi tranh thủ bán nước chè, chồng chạy grab cũng có thêm thu nhập lo bữa cơm có thịt cho con. Như vậy là may mắn lắm rồi, chả dám mong có được ngôi nhà” - chị Dung cho biết.

Cũng như chị Diệp, chị Dung, còn rất nhiều công nhân và gia đình công nhân lao động khác ở trong hoàn cảnh phải đi thuê trọ; thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến nay, có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.

Nói như ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thì hoàn cảnh của phần đông người lao động sau một ngày làm việc mệt mỏi ai cũng muốn được về ngôi nhà của mình để được nghỉ ngơi, dưỡng sức. Nhưng với công nhân, những ngôi nhà đợi họ sau giờ tan ca phần lớn là những căn phòng trọ ẩm thấp, tạm bợ.

“Với thu nhập 6 đến 8 triệu đồng/tháng để có được ngôi nhà là điều vô cùng khó” - ông Tiến nói.

Nhiều gia đình công nhân sống trong những khu nhà trọ thiếu thốn tiện nghi.

80-90% công nhân thuê nhà trọ

Mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 phấn đấu đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở (tương đương 840.000 người). Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu, cụ thể đến nay, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2, mới đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Đang tiếp tục triển khai 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.

Đề cập về nhu cầu nhà ở công nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, qua khảo sát mới đây của công đoàn, thấy rõ nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động rất lớn. Hiện, có khoảng 1,3 triệu công nhân lao động đang làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này, chỉ gần 40.000 công nhân sống ở các khu lưu trú, ký túc xá tại các khu công nghiệp. Hầu hết người lao động thuê trọ trong những căn phòng diện tích trung bình 14 m2, giá thuê trung bình 1,6 triệu đồng/tháng, khoảng 4 người cùng ở. Nhiều người cho biết họ dành 10-15% thu nhập chi trả tiền thuê nhà.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phần lớn công nhân ở các tỉnh miền Tây, vùng lân cận TPHCM xác định chỉ ở thành phố làm việc một thời gian, sau đó về quê. Nguyên nhân là thu nhập của họ còn thấp, không tích lũy đủ số tiền ban đầu và trả dần hàng tháng để mua nhà ở xã hội.

Tại Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn - Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cho biết: “Thường xuyên tiếp xúc với công nhân, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của người lao động dù được cải thiện hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu nhập sụt giảm, nhiều người mất việc làm, cuộc sống càng bấp bênh hơn. Nhiều công nhân phải đi thuê nhà trọ, vì vậy nhà ở xã hội dành cho công nhân là rất cấp thiết”.

Đánh giá nhu cầu nhà ở và nhà ở xã hội của công nhân hiện nay, đại diện Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, ai cũng có nhu cầu về nhà ở, nhưng qua khảo sát thì hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao, đặc biệt là công nhân di cư tại các tỉnh, thành phố có công nghiệp phát triển như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An..., tỷ lệ lao động nhập cư lên đến hơn 60%. Trong khi đó, ngay cả công nhân tại địa phương có nhà ở cũng là ở với gia đình, còn từ thu nhập để mua nhà là cực kỳ khó.

“Gia đình hai vợ chồng công nhân phải nuôi hai đứa con, với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng thì theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi họ tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng cũng phải tích lũy gần 30 năm mới có thể mua được nhà. Thậm chí có gia đình không bao giờ mua được nhà, bởi làm đến đâu tiêu hết đến đấy với mức thu nhập như hiện nay”- Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn chia sẻ.

Theo thống kê, có từ 80 – 90% người lao động đang phải thuê nhà tại các khu trọ do người dân quanh khu công nghiệp xây, số ít ở trong các ký túc xá của các doanh nghiệp, số mua được nhà ở có tính chất nhà ở xã hội rất ít.

Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban quản lý Dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, phần lớn công nhân hiện nay đều thuê trọ trong những căn phòng chỉ khoảng 10m2, với mức thuê từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Với những phòng từ 15 – 20m2 thường có giá trên 1 triệu đồng/tháng. Điều kiện chỗ ở chật chội khiến chất lượng sống của người lao động bị ảnh hưởng rất lớn. “10m2 này vừa là chỗ sinh hoạt vừa là chỗ ngủ, nghỉ. Chỗ ở của công nhân thường ẩm thấp, tạm thời và không lâu dài, nhanh xuống cấp, điều kiện không đảm bảo khiến sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng, từ đó dẫn đến năng suất lao động thấp” - ông Nghĩa nói.

(Còn nữa)

K.Lê-M.Sang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nha-o-xa-hoi-giac-mo-cua-nguoi-lao-dong--bai-1-luong-thap-kho-mua-nha-5718725.html