Nhà phao bảo vệ an toàn 400 hộ dân vùng lũ dữ Quảng Bình
Trong cơn lũ dữ dâng cao và gây ngập úng kéo dài ở Quảng Bình mới đây, nhà phao chống lũ – một giải pháp ứng phó với thiên tai hiệu quả đã giúp 400 hộ dân trong 'rốn lũ' an toàn.
Từnhà bè đơn giản đến nhà phao an toàn
Xã Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình được ví như một túi đựng nước khổng lồ do có địa hình trũng thấp. Mọi nguồn nước từ Thượng Hóa, Trung Hóa, Xuân Hóa và cả thị trấn Quy Đạt đổ về đây. Mặc dù lượng nước chảy về nhiều, nhưng lối thoát duy nhất là hang Tú Làn. Vậy nên, mỗi khi trời mưa lớn kéo dài, nước lũ nhanh chóng dâng cao và hung hãn chảy qua Tân Hóa, gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản.
“Nhà phao được chương trình Nhà chống lũ phát triển từ năm 2014, cho đến hết tháng 8/2017, dự án đã hoàn thành 90 căn nhà phao, từ đó bà con đã tự học tập và nhân rộng mô hình, với sự hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức, cá nhân khác, nâng tổng số nhà phao tại Tân Hóa lên đến 400 căn trên tổng số 678 hộ ở thời điểm hiện tại” - Bà Phạm Thị Hương Giang, người khai sinh ra chương trình Nhà chống lũ kể lại sau những chuyến công tác liên miên.
“Năm 2014, dự án Nhà Chống Lũ đã đến Tân Hóa để khảo sát và tìm ra phương án hỗ trợ xây nhà. Kinh nghiệm làm nhà sàn, gác tránh lũ được dự án triển khai tại Hà Tĩnh trước đó không thể ứng dụng được ở Tân Hóa vì mức lũ quá cao. May mắn gặp được gia đình anh Lực ở thôn 3 Yên Thọ - người có căn nhà phao thô sơ đầu tiên ở Tân Hóa, từ đó giải pháp nhà chống lũ bắt đầu hình thành một cách hệ thống” – Bà Giang kể.
“Nhà phao do dự án Nhà chống lũ xây dựng phải ứng phó được ở mức lũ 15m, đảm bảo an toàn cho bà con trong điều kiện có mưa, gió. Đặc biệt, phải đảm bảo tải trọng 1 tấn với nhà khung gỗ và 1,8 tấn với nhà khung thép. Thách thức lớn nhất trong việc xây dựng nhà phao vào thời điểm đó, không phải ở trọng tải nhà, mà ở việc neo đậu nhà về vị trí cũ sau cơn lũ. Kỹ thuật cũ sử dụng 2 cây cọc để định hướng nhà, nhà phao có thể trượt lên xuống dọc cọc theo độ cao của nước. Phương án này không thể đối phó khi mực nước lên cao đến quá nóc nhà đỉnh điểm lên đến 14m. Sau cùng, vấn đề kỹ thuật này được Nhà chống lũ giải quyết bằng sáng kiến hệ thống neo 5 điểm, gồm 4 điểm tại bốn góc móng nhà, một điểm ở trọng tâm. Khi nước lên, bà con có thể tự nới dây để nhà nổi lên theo mực nước; và khi nước rút, cơ chế này cũng giúp nhà hạ xuống về đúng vị trí cũ” – Bà Giang cho biết chi tiết.
Dự án còn bổ sung các kỹ thuật chằng mái để ứng phó với gió mạnh, thay đổi chất liệu thùng phuy từ loại bằng sắt sang thùng nhựa để tăng khả năng nổi. Về mặt thực hiện, dự án hướng dẫn kỹ thuật và một phần tài chính, người dân tự dựng khung nhà, vách, sàn. Nhờ các nỗ lực này, trong năm 2014, 19 chiếc nhà phao được hỗ trợ hoàn thành bởi chương trình Nhà chống lũ.
Năm 2015, số hộ gia đình được hỗ trợ tăng thêm 42 căn nhà phao. Ngoài những kỹ thuật đã áp dụng ở đợt 1, đợt 2 bổ sung thêm các yếu tố kỹ thuật nhằm ứng phó khi có sóng và gió mạnh: đổi kết cấu sàn từ hình chữ nhật sang hình vuông nhằm giúp cân bằng lực, tạo thêm hành lang 30cm xung quanh nhà để giảm chấn khi có sóng, và bổ sung phương án cho chuồng gia cầm.
Phạm Thị Hương Giang gặp lại cụ bà Hồ Thị Nga - người được Nhà chống lũ xây nhà trong đợt thí điểm tháng 11/2013. Cụ bà chính là người trước đó đã phải nén đau đớn ôm xác cụ ông suốt 10 ngày trên xà nhà, chờ nước lũ rút.
Năm 2017, chương trình Nhà chống lũ quay lại Tân Hóa với công cuộc cải tiến lần thứ 3, nhằm biến nhà phao thành mô hình dễ làm, dễ lan rộng.
Đầu tiên, toàn bộ khung gỗ của nhà phao chuyển thành khung thép để dễ dàng thi công lắp ghép, tăng độ bền, tăng độ an toàn và giảm tải trọng của khung nhà. Tối ưu tiếp theo nằm ở hệ thống cửa: hệ cửa được thiết kế thành cửa lùa chống gió giật và có kính trong suốt để dễ dàng quan sát bên ngoài.
Cuối cùng, hệ neo 5 điểm được hoàn thiện bằng bộ cuốn dây neo tự hãm, giúp dễ dàng thay đổi độ cao của nhà phao theo mực nước.
Từ một vài căn nhà phao đơn sơ, đến nay có tới 400 căn nhà phao nổi lên trong mùa lũ ở thung lũng Tân Hóa. Đợt lũ cao trong tháng 9/2019, tất cả nhà phao đều phát huy tác dụng tối đa giúp bà con được an toàn.
“Nhà chống lũ tin rằng chung tay là nhân tố quyết định sự thành công của dự án. Phương pháp chung tay đảm bảo sự tham gia của nhiều bên, có sự kiểm soát của chính quyền địa phương, giúp người thụ hưởng chủ động trong quá trình thay đổi cuộc sống của mình, thay vì thụ động nhận hỗ trợ và trở nên phụ thuộc với các trợ giúp từ bên ngoài. Người dân và thợ địa phương tự triển khai xây nhà dưới sự hướng dẫn và giám sát của kiến trúc sư Nhà chống lũ.
Nhà phao phát huy hiệu quả trong khi lũ dâng ngập mái nhà thông thường
Trẻ em được an toàn trong nhà phao giữa cơn lũ dữ đầu tháng 9/2019 khiến nhiều trường không thể khai giảng
Người dân vùng lũ, đặc biệt là trẻ em được an toàn trong nhà phao nổi lên theo mực nước
Khi người dân đóng vai trò là người chủ động trong việc xây nhà của mình, Nhà chống lũ đóng vai trò là bên thúc đẩy hỗ trợ, đã đạt được những kết quả rất ý nghĩa. Nhiều người dân trước đây rất e ngại, tự ti nay đã trở nên tự tin hơn, siêng năng hơn, họ cảm thấy trân trọng và yêu quý ngôi nhà của mình bởi nó được làm nên bởi chính công sức và tiền bạc của mình. Ngoài ra, trong quá trình kêu gọi sự chung tay, chúng tôi có được sự góp sức của rất nhiều tình nguyện viên, các họa sĩ, nghệ sĩ, các cá nhân và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình gây quỹ, tài trợ cho dự án” –Bà Giang cho biết.
Không chỉ nhà phao Tân Hóa, sau 6 năm năm hoạt động tại nhiều địa phương, Nhà chống lũ đã thiết kế 11 mô hình nhà an toàn thích ứng với nhiều bối cảnh thiên tai tại 11 vùng dự án. Nhà chống lũ là một dự án thuộc Quỹ Sống - quỹ xã hội hoạt động phi lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ xây dựng các cộng đồng hạnh phúc, cuộc sống hài hóa, bền vững giữa con người, thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Giám tuyển - họa sỹ Trần Lương và Phạm Thị Hương Giang trong một phiên đấu giá gây quỹ để hỗ trợ xây dựng Nhà chống lũ.