Nhà phê bình Hoài Nam 'Nhà văn phải là 'Chúa Trời' của chính mình'

Nhà phê bình Hoài Nam sinh năm 1975 tại Hải Phòng. Bên cạnh công việc là một biên tập viên tại Trung tâm Truyền hình Nhân Dân, báo Nhân Dân, anh còn là tác giả của nhiều bài viết phê bình văn học với cái nhìn sâu sắc, bám sát vào sáng tác văn chương đương đại.

Nhà phê bình Hoài Nam.

Nhà phê bình Hoài Nam.

PV: Thưa anh, dường như vẫn có một khoảng cách giữa nhà phê bình với nhà văn? Trong khi nhà phê bình luôn giữ vai trò quan trọng cho việc quan sát, thẩm định chất lượng tác phẩm, từ đó nhà văn có những điểm tựa để dựa vào, và hiểu rõ hơn về con đường mình đang đi trong nhìn nhận của nhà chuyên môn?

Nhà phê bình Hoài Nam: Luôn có những khoảng cách giữa nhà phê bình với nhà văn. Họ, hai nhà này, có thể song hành, có thể đối thoại, thậm chí có thể là tri âm tri kỷ của nhau (như người ta thường nói về một hình thức quan hệ lý tưởng giữa sáng tác và phê bình) nhưng những khoảng cách là luôn có. Và theo tôi, điều đó cần thiết. Để, đơn giản thôi, người này khỏi lấn/ lẫn vào người kia. Tôi vẫn nghĩ về tương quan giữa nhà văn với nhà phê bình là tương quan giữa người đến trước với người đến sau.

Chị nói nhà phê bình là người “quan sát, thẩm định chất lượng tác phẩm”. Điều đó đúng, nó là một phần công việc của nhà phê bình. Nhưng tôi nghĩ, là phần công việc thật ra cũng không mấy quan trọng lắm đâu. Vì sự “quan sát, thẩm định chất lượng tác phẩm” có thể diễn ra ở nhiều kênh khác nữa – ví như các biên tập viên xuất bản, các nhà quản lý xuất bản - văn hóa, các nhóm độc giả - và những kênh ấy chưa chắc đã kém trọng lượng so với kênh của nhà phê bình. Nên nếu nhà văn có định dựa vào nhà phê bình để “hiểu rõ hơn con đường mình đang đi”, như chị nói, thì cũng nên chỉ coi đó như một trong những kênh tham khảo mà thôi. Tôi vẫn nghĩ: Nhà văn phải là Chúa trời của chính mình.

Công việc của nhà phê bình văn học như anh vẫn mang dáng vẻ thầm lặng, khiêm tốn nhưng đầy sự nhẫn nại?

- “Thầm lặng, khiêm tốn, đầy sự nhẫn nại” như chị nói, đúng là những hình dung từ khá “trúng” với công việc của nhà phê bình. Thậm chí phải coi đó là những phẩm chất nên có. Tôi nói thế bởi, trong văn chương ở ta thời chưa xa lắm đâu, do những điều kiện lịch sử xã hội đặc định, có nhiều nhà phê bình không thầm lặng, không khiêm tốn mà cũng chẳng nhẫn nại. Họ luôn nói rất lớn tiếng, và không chỉ nói. Họ làm phê bình trong tư cách những nhà quản lý văn nghệ hoặc tương tự, nghĩa là họ đại diện cho quyền lực thực sự, cái quyền được phán xét thứ gì là tốt thứ gì là xấu. Ông Lại Nguyên Ân từng gọi đó là những nhà phê bình quyền uy. Rất may là giờ những nhà phê bình kiểu này đã ít đi. Còn, thì họ cũng đều đã già cả rồi, có nói cũng chẳng ai nghe.

Còn với anh, rõ ràng anh có giọng văn riêng trong phong cách viết, nhưng anh lại không theo con đường sáng tạo, mà là chọn đứng sau một tác phẩm văn học cũng như xu hướng văn học và giải nghĩa chúng?

- Tôi không theo con đường sáng tạo mà lại đi làm báo, làm phê bình văn học - tôi vẫn nói rằng mình làm phê bình “tay ngang” - bởi vì tôi tự thấy bản thân mình không có tố chất của người sáng tạo. Đã không có là không có, không thể cố mà có được, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo văn chương. Nên tốt nhất, tôi cứ làm những cái nghề mà tôi được đào tạo khá bài bản và cũng có sự yêu thích. Vả chăng, nghĩ cho cùng, thì đó cũng là may mắn, vì có phải người nào học Văn khoa ra cũng làm báo, làm phê bình văn học cả đâu? Đấy là chưa kể đến một sự thật: “Đứng đằng sau một tác phẩm/ xu hướng văn chương và diễn giải nó”, như chị nói, cũng có thể mang lại cho ta những khoái thú nhất định, có khi chẳng kém sáng tác.

Đọc và viết có làm anh mệt mỏi khi phải sống giữa luồng tư tưởng của người khác, để rồi phải có những nhận định tỉnh táo thông qua trí tuệ của mình?

- Đúng là việc của nhà phê bình, nhìn từ phương diện thuần cơ học, chỉ có đọc và viết, nhưng tôi không nghĩ rằng mình “sống giữa luồng tư tưởng của người khác”, mà là sống trước/ đối diện với luồng tư tưởng của người khác, tức các nhà văn. Tôi đã nói ở trên: tôi vẫn luôn nghĩ về tương quan giữa nhà văn với nhà phê bình là tương quan giữa người đến trước với người đến sau. Nhà văn và tác phẩm phải có trước, rồi mới đến lượt nhà phê bình. Khi đó, họ là “vật liệu” của tôi, là “văn bản thứ nhất” để từ đó tôi làm nên “văn bản thứ hai”, tức là tác phẩm phê bình của tôi. Vì thế ở đây, như ngẫu nhiên, có một “khe cửa hẹp” cho sáng tạo.

Công việc này có mệt mỏi không ư? Đôi khi. Có nhiều trường hợp khá nhọc nhằn, nếu không muốn nói rằng nó khiến bản thân tôi có cảm giác bất lực. Nhưng điều mệt nhất là bây giờ sách vở nhiều quá, vô thiên lủng, đến nỗi tôi tin rằng không một nhà phê bình nào có thể bao quát được dù chỉ một góc của thực tế văn chương. Thì cũng phải cầm lòng vậy, đành lòng vậy…

Vậy điều quan trọng khi làm phê bình văn học với anh là gì?

- Làm phê bình, với tôi, quan trọng là sự trung thực, và quan trọng nhất là trung thực với chính mình. Cái đó, chứ không phải sự khách quan. Tôi thật không hiểu tại sao bao lâu nay nhiều người đề cao sự khách quan trong phê bình đến thế? Vì làm gì và lấy ở đâu ra mà có một sự khách quan “trong suốt”, khi phê bình là một công việc về bản chất là mang đậm tính chất cá nhân, cá tính? Vậy thì hãy trung thực, thậm chí trung thực với chính sự thiên vị của mình và đừng viết ra những gì mình không/ chưa tin tưởng. Như thế, theo tôi cần thiết hơn là khách quan, “công tâm” một cách giả tạo.

Tiếp cận với một tác phẩm, anh có dùng kinh nghiệm lẫn trực giác để thẩm định nó?

- Kinh nghiệm, trực giác, và lý thuyết, là những gì mà một nhà phê bình cần đến, như những công cụ, để thực hiện công việc của mình. Có thể hình dung đơn giản thế này: Khi tiếp cận một tác phẩm văn chương, là nhà phê bình tiếp cận bằng toàn bộ vốn liếng đọc đã được tích lũy từ trước của mình. Cái đó là kinh nghiệm. Kinh nghiệm này sẽ tạo ra và mài sắc cho trực giác. Vì bằng sự nhớ về những lặp đi lặp lại nào đó ở một tác giả và qua những tác giả khác nhau, đôi khi, chỉ đọc một phần tác phẩm đã có thể biết được về tổng thể đây là một tác phẩm dở, chẳng hạn thế. Nói thêm, với riêng tôi, nhận biết một tác phẩm dở luôn dễ hơn nhận biết một tác phẩm hay. Tác phẩm hay thì, trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm và trực giác là không đủ, buộc phải có lý thuyết. Tôi muốn nói đến các tác phẩm theo dòng hiện đại và hậu hiện đại. Nếu không được trang bị lý thuyết từ trước, điều rất dễ xảy ra là ta sẽ phản ứng chối từ chúng ngay tức thì.

Dường như tôi thấy anh không cần đọc nhiều quá một tác phẩm, chỉ cần vài câu chữ anh có thể nhanh chóng nhận ra “mùi” của nó (như “Mùi chữ” mà anh đã dùng?

- Về chuyện “Mùi chữ” thì, thật ra, đây là một chuyện vui hơn là một “tuyên ngôn” về phong cách phê bình. Tôi có anh bạn dạy văn ở Đại học, hay phải chấm bài thi vào mỗi mùa tuyển sinh. Anh ấy kể rằng bài thi nhiều lắm, mà trời thì nóng bức khó chịu, nên chẳng mấy thầy chấm thi chịu đọc kỹ từng bài đâu. Chỉ đọc lướt rồi cho điểm, nhưng khá chính xác. Gọi đấy là ngửi văn. Từ cái từ “ngửi văn” nghe được mà tôi có từ “Mùi chữ” để lấy làm tên cho cuốn sách của mình. Thế thôi...

Khi đọc những bài phê bình của anh tôi nhận ra anh luôn chọn viết theo cách giản dị dễ hiểu nhất có thể, đó chính là vì sao người sáng tác như chúng tôi dễ dàng thấy được mình qua anh?

- Tôi cố gắng viết phê bình theo cách giản dị, dễ hiểu là vì, một phần, do “chất” người. Tôi thích sự đơn giản. Đơn giản và hài hước được thì càng tốt. Phần khác, là do yêu cầu của công việc báo chí, nhất là báo chí phổ thông. Tôi đăng bài trên báo chí phổ thông chứ không đăng bài trên các tạp chí chuyên ngành, vì thế chẳng dại gì tôi lại trở nên bí hiểm khó hiểu với quảng đại công chúng độc giả, là những người mua báo, là những người đọc tiềm năng của tôi.

Ngược lại với quan điểm của anh, tôi lại thấy nhiều nhà phê bình khác viết rất khó hiểu với những lập luận tư duy của một thế giới mơ hồ nào đó qua việc sử dụng quá nhiều từ ngữ chuyên môn phương Tây (mà họ cho đó là phong cách hàn lâm)… Tôi không hiểu sao nhiều người làm phê bình chọn cách viết kiểu này? Không đạt mục đích cụ thể là nhà văn có thể đọc và hiểu, thì để làm gì, theo anh?

-Về những nhà phê bình theo “phong cách hàn lâm” như chị đề cập thì, xét cho cùng, do yêu cầu công việc cả thôi. Đại đa số các tác giả ấy là những người thuộc môi trường đại học hoặc viện nghiên cứu, cho nên cái viết của họ là cái viết phải được trường quy hóa, kinh viện hóa, tôi nghĩ thế. Đối tượng độc giả của họ là một phạm vi độc giả hẹp, thậm chí rất hẹp, có lẽ chỉ giữa các nhà nghiên cứu phê bình với nhau thôi, chứ không phải là các nhà văn và quảng đại công chúng ngoài kia. Cho nên chị không cần đặt câu hỏi “để làm gì?” khi họ viết về văn chương mà nhà văn còn thấy khó, hoặc không hiểu họ viết gì. Tôi nghĩ, đôi khi, bản thân họ cũng không hiểu gì khi đọc lẫn nhau. Chuyện ấy thì cũng bình thường thôi.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh và chúc anh luôn giữ nhiệt huyết trong việc viết phê bình các tác phẩm văn học.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/nha-phe-binh-hoai-nam-nha-van-phai-la-chua-troi-cua-chinh-minh-tintuc445019