Nhà quản lý trước những Gen Z sẵn sàng 'bật lại'

Các thế hệ lao động mới luôn khiến các thế hệ lớn hơn cảm thấy khó khăn trong quá trình làm việc, tuy nhiên Gen Z với đặc điểm là một thế hệ sinh ra trọn vẹn trong sự bùng nổ của công nghệ tạo ra những vấn đề rất khác nơi công sở. Tuy nhiên, họ cũng có những ưu điểm vượt trội so với các thế hệ trước. Câu hỏi đặt ra là những nhà quản lý đang quản lý Gen Z cần hiểu họ như thế nào để có thể khai phá tiềm năng và làm sao để hạn chế những điểm yếu của họ?

Trước Gen Z, người ta nhắc nhiều về thế hệ Millennials (sinh từ 1981-1996) bởi những câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp, vượt gian khổ của bối cảnh lịch sử kinh tế bằng sức chịu đựng đáng nể, để rồi từ đó có được thành công rực rỡ. Hay xa hơn là Gen X và thế hệ Baby Boomers phải sinh ra trong thời chiến và phải vất vả để có thể gầy dựng doanh nghiệp như thế nào. Mỗi thế hệ sinh ra lớn lên và trải nghiệm trong những bối cảnh lịch sử hết sức khác nhau, từ đó định hình tư duy và mục đích sống riêng biệt. Gen Z cũng vậy, họ cần được thấu hiểu.

Xã hội hai mươi năm sau là của Gen Z

Thế hệ Gen Z này được thừa hưởng một nền kinh tế đã phát triển tương đối vững chắc, được giáo dục đầy đủ, đào tạo bài bản và chỉn chu hơn và quan trọng hơn cả là sự tác động của công nghệ và mạng xã hội từ nhỏ của họ.

Nhiều cuộc khảo sát đều cho thấy các nhà quản lý doanh nghiệp (chủ yếu là những người thuộc thế hệ Gen X và thế hệ Millennials) đều gặp những khó khăn nhất định trong quá trình làm việc với Gen Z. Khảo sát gần đây của ResumeBuilder cho thấy những lý do cảm thấy khó khăn rất đa dạng, điều đó hàm chứa quan điểm của mỗi người về các vấn đề của người lao động Gen Z cũng rất đa dạng. Nhưng tựu trung, các vấn đề đều xoay quanh các chuyện kỹ năng làm việc và kỹ năng sống. Những khác biệt về tiêu chuẩn kỹ năng và thái độ trong công việc khiến Gen Z rất dễ rơi vào các tình huống tranh cãi với các thế hệ trước và đâu là điều xã hội nghĩ là đúng và đâu là những gì Gen Z nghĩ là đúng.

Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận đó là thời gian 20 năm sau sẽ là xã hội của Gen Z. Tôi có anh bạn là quản lý cũng trải qua những khó khăn như vậy, tuy nhiên khi anh phát hiện ra rằng dù thay đổi bao nhiêu vòng người lao động thì đều cũng phải đối diện những vấn đề tương tự. Khó khăn không chỉ dành riêng cho bất kỳ nhà quản lý nào mà là một thực tế phải thừa nhận. Khi đó, sự thích nghi sẽ tốt hơn sự than phiền và phê phán.

Các nhà quản lý cần hiểu được họ sẽ không có nhiều sự lựa chọn và sẽ phải bắt đầu tìm hiểu đâu là những mong muốn thực sự của thế hệ này nơi công sở và điều gì có thể khiến họ có thể có động lực và hiệu quả hơn.

Gen Z có khuynh hướng suy nghĩ về những giá trị cảm nhận mà công việc có thể tạo ra cho họ hơn so với các thế hệ trước do đó sẽ không khó khăn để chúng ta bắt gặp việc họ luôn đưa ra các kỳ vọng rất cụ thể nơi công sở, một trong những kỳ vọng phổ biến nhất chính là những kỳ vọng về người quản lý của mình. Trong một khảo sát của tổ chức Zety vào năm 2021 về việc Gen Z kỳ vọng như thế nào đối với các quản lý thì bên cạnh sự kỳ vọng về một quản lý quan tâm đến giá trị của họ thì sau đây là hai kỹ năng quan trọng của quản lý mà Gen Z kỳ vọng cần có để có thể giúp họ phát triển tốt hơn trong công việc.

Cần có năng lực tác nghiệp mẫu

Sự khác biệt rất lớn của Gen Z so với các thế hệ trước đó là sự tò mò và hoài nghi và họ sẽ thể hiện điều đó với nhà quản lý của mình. Thế hệ này cần thấy được năng lực từ người lãnh đạo, người dẫn dắt đội nhóm, khiến họ tâm phục khẩu phục để có thể hoàn toàn tin tưởng vào năng lực dẫn dắt của người quản lý. Trong tình huống này, người quản lý đóng vai trò quan trọng như một hình mẫu về cách làm việc hiệu quả.

Gen Z sẽ không sẵn sàng tuân thủ và nỗ lực khi mọi thứ không rõ ràng. Với những cái tôi mạnh mẽ nên đó là lý do tại sao chúng ta thấy Gen Z sẵn sàng “bật” lại nhà quản lý của mình khi họ cảm thấy sự không phù hợp. Quản lý là một quá trình trong đó người quản lý ảnh hưởng đến hành vi và thái độ của nhân viên cấp dưới. Việc dẫn dắt nhân sự bằng cách làm mẫu giúp nhân viên nhìn thấy được các kết quả cụ thể từ các nỗ lực của họ, từ đó khiến họ cảm giác có động lực hơn trong công việc.

Việc người quản lý trở thành một hình mẫu trong việc phát triển cá nhân và sự nghiệp có thể tạo động viên mạnh mẽ cho Gen Z để thấy rằng công ty đánh giá cao sự phát triển và sẵn sàng hỗ trợ trong việc đạt được mục tiêu cá nhân và sự nghiệp. Thông qua hiệu quả làm việc, người quản lý không chỉ giúp động viên và tạo động lực cho Gen Z mà còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực và đào tạo cho tất cả nhân viên hướng đến nâng cao hiệu quả trong công việc.

Thế hệ Gen Z có thể rất thờ ơ với những điều tưởng chừng rất quan trọng đối với thế hệ trước như một lý tưởng công việc, một công việc ổn định, một môi trường gắn bó lâu dài… Tuy nhiên, họ lại có một văn hóa thần tượng mà những thế hệ trước không có được. Khi đã có niềm tin thì Gen Z sẽ luôn thần tượng hóa cá nhân đó và lấy đó trở thành một hình mẫu họ có thể phát triển theo. Khi đó, một quản lý với năng lực làm mẫu và “khả năng thị phạm” sẽ luôn nhận được sự thừa nhận rất sâu sắc từ Gen Z.

Khả năng chuẩn hóa công việc

Sau khi đã có năng lực làm mẫu để Gen Z có thể đặt trọn niềm tin thì khả năng chuẩn hóa các công việc một cách hiệu quả đóng vai trò quan trọng để chúng ta có thể khắc phục các nhược điểm của họ về vấn đề không tập trung.

Việc chuẩn hóa quy trình và quy định và môi trường làm việc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tương tác tích cực với thế hệ Gen Z. Thế hệ này thường ưa thích môi trường làm việc có sự linh hoạt và sáng tạo, nhưng cũng cần sự ổn định. Người quản lý có thể làm mẫu thông qua việc tạo môi trường làm việc kết hợp giữa linh hoạt và ổn định. Điều này có thể bao gồm cải thiện quy trình làm việc để tạo điều kiện cho sự đổi mới, tối ưu hóa công nghệ và công cụ làm việc, và xác định rõ ràng các mục tiêu và kết quả cụ thể.

Các tiêu chuẩn công việc được thiết lập cụ thể sẽ giúp cho việc đo lường hiệu quả và đánh giá chất lượng công việc cũng sẽ tốt hơn rất nhiều. Các tiêu chí đo lường công việc rõ ràng cũng là điều mà Gen Z rất quan tâm ở môi trường làm việc kỳ vọng. Các con số thống kê phân tích có ý nghĩa sẽ là những thứ dễ dàng hơn để thuyết phục Gen Z tuân thủ và làm theo hơn so với các mệnh lệnh một chiều hành chính.

Sự hiểu biết và sẵn sàng thay đổi quy trình làm việc sẽ giúp các tổ chức tận dụng tối đa tiềm năng của họ và duy trì tính cạnh tranh trong thời đại số hóa. Các quy trình theo tiêu chuẩn sẽ có thể giúp cho họ vượt qua rất nhiều vấn đề liên quan đến năng suất làm việc, kỹ năng quản lý cảm xúc và kiểm soát mức độ tập trung trong công việc.

Sự xuất hiện và tính cách đặc thù của Gen Z đã đặt ra một yêu cầu đối với các quản lý cần phải hoàn thiện bản thân mình hơn. Những nhận thức một cách sâu sắc những vấn đề trên sẽ có thể tạo ra cho bản thân mình một lợi thế trong việc sử dụng nguồn nhân lực mới trên thị trường lao động, từ đó có thể phát huy được những ưu điểm trong khả năng làm việc của Gen Z.

(*)CFA

(**) HUB

Lê Hoài Ân(*) - Ngô Hoàng Khánh Duy(**)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-quan-ly-truoc-nhung-gen-z-san-sang-bat-lai/