Nhà sản xuất chip số 1 thế giới có thể sử dụng lượng điện bằng 5,8 triệu người vào 2030
Nhóm môi trường Greenpeace và hai tổ chức phi chính phủ khác đã ra mắt một trang web kêu gọi TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, giảm lượng khí thải carbon khổng lồ của mình.
Mức tiêu thụ năng lượng và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của TSMC đang gây lo ngại, theo trang web có tiêu đề Time to Chip In, được xuất bản bởi Stand.earth, 350 Asia và Greenpeace International hôm 8.5. Các nhóm cho biết cam kết về khí hậu “không đủ mạnh mẽ” của TSMC đang “trở thành rào cản lớn để ngăn chặn thảm họa khí hậu”.
Jude Lee, Phó giám đốc điều hành Greenpeace East Asia, cho biết TSMC nên nhắm mục tiêu 100% năng lượng tái tạo (năng lượng sạch hoàn toàn, thân thiện với thiên nhiên và hạn chế tối đa ô nhiễm đến môi trường) trên toàn thế giới vào năm 2030, sớm hơn 20 năm so với cam kết hiện tại của công ty Đài Loan và nên công bố một lộ trình rõ ràng để đạt được mục tiêu này.
Năng lượng tái tạo là năng lượng sạch hoàn toàn, thân thiện với thiên nhiên và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.
“TSMC đã tụt hậu so với các công ty cùng ngành ở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong khi lẽ ra họ phải là người dẫn đầu ngành. TSMC có tiềm năng mua và lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà, đồng thời tận dụng ảnh hưởng của mình để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của Đài Loan”, bà Jude Leen nói hôm 8.5.
Vai trò quá lớn của TSMC trong sản xuất chip ngày càng bị giám sát chặt chẽ khi có nhiều lo ngại về tác động môi trường của chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Là nhà cung cấp hơn 90% chip tiên tiến nhất thế giới, TSMC ký hợp đồng với các hãng công nghệ lớn nhất, bao gồm Apple, Amazon, Microsoft và nhiều thương hiệu tiện ích hàng đầu.
Ngành sản xuất chất bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tiêu thụ 286 terawatt giờ (TWh) điện năng trên toàn cầu vào năm 2030, tăng hơn gấp đôi mức sử dụng năng lượng vào năm 2021 và sẽ phát thải lượng khí CO2 tương đương với 86 triệu tấn vào năm 2030, gấp đôi tổng lượng phát thải của Bồ Đào Nha là 40,8 triệu tấn vào năm 2021, theo báo cáo của Greenpeace.
TSMC phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, với năng lượng tái tạo chỉ chiếm 9% tổng năng lượng tiêu thụ vào năm 2021, theo Greenpeace. Mức tiêu thụ điện của công ty Đài Loan đang trên đà tăng gần gấp ba vào năm 2030, sử dụng lượng điện tương đương với 5,8 triệu người – gần 1/4 dân số Đài Loan.
Gary Cook, Giám đốc chiến dịch khí hậu toàn cầu tại Stand.earth, nói: “TSMC đang nhanh chóng mở rộng các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng của mình ở cả châu Á và Mỹ, nhưng hiện tại việc mở rộng này đang làm tăng nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch. Việc TSMC không đầu tư vào năng lượng tái tạo để giảm khí thải là thảm họa về khí hậu và cũng là một rủi ro kinh doanh với TSMC cùng các khách hàng quan trọng nhất của công ty”.
Chia sẻ với trang SCMP, TSMC cho biết đã tích cực tham gia vào việc chuyển đổi sạch quy trình sản xuất chất bán dẫn của mình.
“TSMC coi năng lượng tái tạo là chiến lược quan trọng hướng tới mức phát thải ròng bằng không. Nền tảng trong quản lý bền vững của TSMC là sản xuất xanh và công ty tích hợp điều này vào hoạt động hàng ngày thông qua việc giới thiệu các sáng kiến cùng công nghệ xanh tiên tiến”, công ty lớn nhất Đài Loan cho biết.
TSMC đã thành lập Dự án Net Zero vào năm 2020 để thảo luận và đánh giá các mục tiêu phát thải năm 2050 của công ty và ký thỏa thuận mua bán năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới với Orsted (hãng năng lượng Đan Mạch) vào năm 2020 để mua 920 megawatt năng lượng tái tạo trong 20 năm tới.
Vào tháng trước, TSMC cũng thông báo rằng đã ký hợp đồng mua sắm 20 năm với tổng số 20.000 Gigawatt giờ (GWh) năng lượng tái tạo với công ty địa phương Ark Power, để cung cấp dịch vụ lập kế hoạch và đánh giá điện năng cho các nhà cung cấp và công ty con của nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới này.
“TSMC sẽ tiếp tục thiết lập các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất với môi trường, tăng cường đa dạng các sáng kiến xanh, dẫn đầu ngành với mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng xanh và tích cực áp dụng năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050”, công ty nói.
Tracy Cheng, nhà vận động khí hậu và năng lượng tại Greenpeace East Asia, cho biết liên minh các nhóm môi trường sẽ tiếp tục hợp tác với TSMC về quá trình chuyển đổi năng lượng của họ.
Cổ phiếu TSMC tăng mạnh từ đầu năm, tỷ phú Warren Buffett có thể phải hối tiếc
TSMC đang làm bối rối những người bi quan về thị trường, khi cổ phiếu này tăng và thêm vào hơn 38 tỉ USD giá trị cho nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới trong năm nay.
Tập đoàn đầu tư Temasek Holdings (Singapore) và công ty kinh doanh đa ngành Berkshire Hathaway (Mỹ) của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett (92 tuổi) có thể đang hối tiếc về quyết định bán cổ phần của họ ở TSMC vào năm ngoái. Từ 453 TWD (Tân Đài tệ) vào đầu năm 2023, cổ phiếu TSMC hiện ở mức 503 TWD.
Một số ngân hàng đầu tư ở Phố Wall đã duy trì quan điểm tích cực về TSMC. Theo dữ liệu của trang Bloomberg, 39 trong số 41 nhà phân tích theo dõi cổ phiếu đã khuyến nghị mua cổ phiếu TSMC. Họ cũng dự báo giá trung bình của cổ phiếu TSMC trong năm 2023 có thể đạt mức 638,78 Tân Đài tệ.
Cổ phiếu TSMC đã tăng 19% kể từ ngày 30.9.2022 sau khi Temasek Holdings bán để cắt giảm tổn thất và tăng 12% kể từ hôm 31.12.2022. Đó là thời điểm Warren Buffett bán phần lớn số cổ phiếu TSMC của mình dù trước đó đặt cược 4,1 tỉ USD vào gã khổng lồ chip Đài Loan.
Nhà phân tích Bruce Lu của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) cho biết trong một báo cáo: “Chúng tôi thích cổ phiếu này vì tin rằng khả năng lãnh đạo và thực thiện công nghệ vững chắc của TSMC giúp nó có vị trí tốt hơn so với các hãng cùng ngành để nắm bắt được sự tăng trưởng cơ cấu dài hạn của ngành”. TSMC có thể hưởng lợi đặc biệt trong các lĩnh vực như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và ô tô điện, Bruce Lu nói thêm.
Tuy nhiên, tiềm năng tăng giá có thể mất thời gian để trở thành hiện thực sau báo cáo lợi nhuận yếu và dự báo kém lạc quan của TSMC hồi tháng 4. Lợi nhuận ròng của TSMC tăng 2% vào quý 1/2023, là mức tăng chậm nhất trong 3 năm. TSMC cảnh báo rằng doanh thu có thể giảm trong năm 2023, so với dự báo trước đó là tăng nhẹ.
"Do điều kiện kinh tế suy yếu và nhu cầu thị trường yếu đi, hàng tồn kho bán dẫn tăng ở mức cao hơn chúng tôi dự kiến. Ngoài ra, sự phục hồi của nhu cầu thị trường cuối sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi. Việc điều chỉnh hàng tồn kho mất nhiều thời gian hơn dự kiến trước đây", CC Wei, Giám đốc điều hành TSMC, phát biểu tại một hội nghị báo cáo thu nhập vào hôm 20.4.
TSMC cũng hạ thấp triển vọng nửa đầu năm 2023. Hiện tại, TSMC dự kiến doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ giảm khoảng 10% so với cùng kỳ 2022, so với ước tính trước đó về mức giảm tỷ lệ phần trăm chỉ ở một con số.
Wendell Huang, Giám đốc tài chính TSMC, nói doanh số bán hàng của công ty sẽ tiếp tục giảm trong quý 2/2023 do lượng hàng tồn kho cao và sẽ chỉ “tái cân bằng về mức lành mạnh hơn” cho cả năm 2023 vào quý 3. Các nhà phân tích cho rằng sự suy giảm trong ngành có thể kéo dài thêm một hoặc hai quý nữa.
Triển vọng của TSMC cũng bị mờ nhạt bởi các yếu tố địa chính trị. Warren Buffett đã đề cập điều đó là "một yếu tố cần xem xét" trong quyết định bán 86% cổ phần TSMC của mình vào cuối năm 2022, ông nói với tờ Nikkei đầu tháng 4. Cũng sở hữu các cơ sở ở Trung Quốc nên TSMC thường bị mắc kẹt giữa sự cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung.