Nhà sản xuất 'Em và Trịnh' xin lỗi
Ngày 30/9, Galaxy Play chính thức gửi lời xin lỗi đến giáo sư Michiko thông qua văn bản. Đại diện nhà sản xuất cho biết trong quá trình xây dựng kịch bản, đơn vị đã nhiều lần liên hệ với gia đình giáo sư Yoshii Michiko nhưng không được hồi đáp.
Ngày 30/9, nhà sản xuất Em và Trịnh chính thức có phản hồi về yêu cầu xin lỗi từ phía giáo sư Michiko. Theo đó, Galaxy Play đã gửi lời xin lỗi đến giáo sư người Nhật Bản và gia đình thông qua văn bản.
“Từ ý tưởng muốn tôn vinh cuộc đời, nhân cách và một phần sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Galaxy Play cùng ê-kíp sản xuất phim đã đầu tư và tiến hành sản xuất, phổ biến bộ phim có tên Em và Trịnh. Tư liệu để xây dựng kịch bản và tổ chức sản xuất bộ phim được các nhà biên kịch, đạo diễn và đoàn làm phim lấy trực tiếp từ gia đình của cố nhạc sĩ và một số thông tin đã công khai trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Trong đó có các thông tin về giáo sư Yoshii Michiko - người có những công trình nghiên cứu về âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và là người có vị trí đặc biệt - khi nhắc đến cuộc đời của nhạc sĩ", đại diện nhà sản xuất lý giải.
Phía nhà sản xuất cho biết trong quá trình xây dựng kịch bản, đơn vị đã nhiều lần liên hệ với gia đình giáo sư Yoshii Michiko nhưng không được hồi đáp. “Chúng tôi đã ngộ nhận sự im lặng đó là đồng ý, nên đã sản xuất bộ phim khi chưa có được sự chấp thuận bằng văn bản của giáo sư Yoshii Michiko. Dù không cố ý, chúng tôi đã gây ra những tổn thương nhất định với giáo sư Michiko Yoshii và gia đình. Chúng tôi thành thật xin lỗi và mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông, rộng lượng của giáo sư", đại diện nhà sản xuất chia sẻ.
Nhà sản xuất Em và Trịnh cho biết sẽ rút kinh nghiệm từ sự việc để tránh xảy ra các tình huống tương tự sau này.
Chia sẻ thêm với Tiền Phong, đại diện nhà sản xuất Em và Trịnh thông tin đơn vị đăng tải lời xin lỗi ở cuối tác phẩm mỗi khi trình chiếu phim ở bất cứ nền tảng nào.
Đó cũng là yêu cầu của phía giáo sư Michiko khi gửi văn bản tới phía nhà sản xuất.
Trước đó, ngày 15/9, luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng - đại diện pháp lý của giáo sư Michiko Yoshii - cho biết bà đã gửi công văn yêu cầu nhà sản xuất phim Em và Trịnh công khai xin lỗi về việc sử dụng hình ảnh giáo sư người Nhật Bản khi chưa xin phép.
Công văn gửi đến nhà sản xuất phim Em và Trịnh nêu rõ: "Như đã biết bộ phim Em và Trịnh công khai trình chiếu từ ngày 17/6 tiết lộ một số thông tin liên quan đến đời sống riêng tư và bí mật cá nhân của nữ giáo sư Michiko và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là hành vi không chỉ xâm phạm đến quyền dân sự của giáo sư Michiko mà còn xâm phạm đến bí mật cá nhân, quyền thân nhân của cố nhạc sĩ. Bởi các lẽ ấy, chúng tôi yêu cầu nhà sản xuất phát hành thông cáo báo chí để công khai xin lỗi nữ giáo sư".
Theo luật sư, đoàn làm phim và nhà sản xuất phim Em và Trịnh chưa bao giờ liên lạc với giáo sư Michiko để xin phép. Bà cũng chưa đồng ý để nhà sản xuất sử dụng thông tin riêng tư của mình để làm phim.
Theo công văn, nhà sản xuất có một tuần kể từ ngày 13/9 để gửi lời xin lỗi chính thức đến giáo sư. Sau thời gian trên, luật sư sẽ gửi đơn kiện ra tòa nếu không có hồi đáp từ nhà sản xuất Em và Trịnh.
Ngày 21/9, bà Nguyễn Thị Diễm Phượng cho biết phía nhà sản xuất xin phép dời đến ngày 30/9.
Cục Điện ảnh: Các bên nên giải quyết trên tinh thần thiện chí
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho Tiền Phong biết ông đã trả lời nội dung thắc mắc của luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM - đại diện pháp lý của giáo sư Michiko Yoshii.
“Ngày 27/9, Cục Điện ảnh có văn bản trả lời bà Nguyễn Thị Diễm Phượng liên quan tới nội dung trong văn bản được gửi đến Cục Điện ảnh hôm 20/9 thỉnh ý về cách ứng xử phù hợp đối với trường hợp bí mật đời sống riêng tư của một công dân nước ngoài bị một tác phẩm điện ảnh do Việt Nam sản xuất đưa vào phim và phổ biến đến công chúng mà không có sự đồng ý và trái với ý chí của công dân nước ngoài này”, ông Vi Kiến Thành nói.
Lãnh đạo Cục Điện ảnh nói rằng các bí mật đời tư cá nhân của công dân chưa công khai đều được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Tại khoản 3 điều 11 quy định về Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh trong Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009, có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2022 quy định “cấm tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”.
Khi được hỏi quan điểm của Cục Điện ảnh trong vụ việc này, ông Vi Kiến Thành nói: “Cục Điện ảnh mong muốn các bên phối hợp, trao đổi để cùng nhau giải quyết sự việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật và thiện chí”.
Liên quan đến câu hỏi của phía luật sư về cách ứng xử phù hợp, thỏa đáng nhất đối với vị thế của mỗi bên - bà Michiko và Galaxy Play - mà không thông qua con đường tố tụng cũng như không phải chịu “búa rìu” của dư luận và sự phán xét của công luận”, lãnh đạo Cục Điện ảnh trân trọng những ý kiến của luật sư và thân chủ là bà Michiko Yoshii.
“Những ý kiến này có ý nghĩa và thể hiện tinh thần xây dựng đối với sự phát triển chung của nền điện ảnh Việt Nam. Trong bối cảnh ngành điện ảnh đang từng bước phát triển thì mọi sự hợp tác, thiện chí đều có ý nghĩa và đáng trân trọng”, ông Vi Kiến Thành nêu.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-san-xuat-em-va-trinh-xin-loi-post1474058.tpo