Nhà sáng lập có thể nhân đôi hiệu suất từ những việc tưởng rất nhỏ
Những thay đổi nhỏ, đôi khi rất nhỏ, trong thói quen làm việc và tư duy có thể tạo ra hiệu quả nhân đôi về năng suất và đem lại kết quả dài hạn.

Khi nhắc đến hiệu suất làm việc, hầu hết các nhà sáng lập start-up đều nghĩ tới những chiến lược lớn, như tăng trưởng người dùng, gọi vốn, xây dựng đội ngũ hay cải thiện sản phẩm. Một số “việc nhỏ” mà các nhà sáng lập thường bỏ qua, nhưng nếu được áp dụng đúng cách, có thể tạo nên khác biệt lớn.
Thứ nhất, bắt đầu ngày mới với 15 phút lên kế hoạch. Không cần cài đặt ứng dụng quản lý công việc phức tạp, mỗi nhà sáng lập chỉ cần bỏ ra 15 phút mỗi sáng để liệt kê 2 - 3 đầu việc quan trọng nhất trong ngày. Điều này sẽ giúp nhà sáng lập tập trung hơn, giảm bớt cảm giác bị “chìm” trong danh sách công việc bất tận; đặc biệt là tránh được “bẫy bận rộn” - nơi họ thường thấy mình làm rất nhiều, nhưng không đạt được mục tiêu gì đáng kể.
Thứ hai, sử dụng nguyên tắc “2 phút”. Trong cuốn sách Getting things done (Hoàn thành mọi việc) của David Allen, nguyên tắc 2 phút nói rằng: “Nếu việc gì đó mất dưới 2 phút để làm, hãy làm ngay”. Với các nhà sáng lập, điều này có thể áp dụng vào việc phản hồi email, nhắn tin nhóm, gọi điện lại cho đối tác. Việc loại bỏ những tác vụ lặt vặt nhanh chóng giúp não bộ không bị tắc nghẽn bởi hàng tá quyết định nhỏ nhặt.
Thứ ba, tắt thông báo và đặt “giờ vàng” làm việc sâu. Một nhà sáng lập trung bình bị gián đoạn mỗi 11 phút. Thật khó để tạo ra giá trị nếu tâm trí liên tục bị kéo đi bởi thông báo từ nhóm chat nội bộ, email, mạng xã hội. Chỉ cần đặt một khung giờ cố định mỗi ngày, ví dụ 9 - 11 giờ sáng, để làm việc sâu không gián đoạn, các nhà sáng lập sẽ thấy hiệu suất tăng vọt. Đây là khoảng thời gian họ nên ưu tiên dành cho những việc mang tính chiến lược như lên kế hoạch, xem xét toàn diện về sản phẩm hay phát triển hướng đi mới.
Thứ tư, tập quyết định nhanh. Không phải quyết định nào cũng cần đến một “hội đồng” để thảo luận, bàn bạc. Với những vấn đề có thể đảo ngược được (reversible decisions), hãy quyết nhanh và điều chỉnh sau nếu cần. Jeff Bezos gọi đây là quyết định “cửa xoay” - những quyết định nhà sáng lập có thể “đi qua” và quay lại nếu cần thiết. Việc giảm thiểu thời gian lưỡng lự và trì hoãn sẽ giúp người đứng đầu doanh nghiệp giữ được nhịp độ vận hành linh hoạt, đúng bản chất start-up.
Tóm lại, đối với các nhà sáng lập, việc nhân đôi hiệu suất không nhất thiết phải là làm gấp đôi mọi thứ, mà có thể điều chỉnh thông minh từ những chi tiết nhỏ. Khi những hành động nhỏ tích lũy đều đặn mỗi ngày, hiệu quả đạt được sẽ lớn hơn bất kỳ chiến lược nào trên giấy tờ.