Nhà sáng lập FTX định trả 5 tỉ USD để ông Trump không tranh cử Tổng thống Mỹ
Sam Bankman-Fried từng băn khoăn liệu việc trả tiền cho ông Donald Trump để không tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024 có hợp pháp hay không và chi phí sẽ là bao nhiêu, theo Michael Lewis.
Michael Lewis là tác giả cuốn sách The Big Short và Going Infinite: The Rise and Fall of a New Tycoon - cuốn sách mới về Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập và cựu Giám đốc điều hành sàn giao dịch tiền điện tử FTX.
Trong cuộc phỏng vấn 60 Minutes của đài CBS được phát sóng vào hôm 1.10, Michael Lewis tiết lộ Bankman-Fried thậm chí còn đưa ra được một con số tiềm năng.
“Vậy là Sam Bankman-Fried đã có câu trả lời. Có một con số sẽ gây xôn xao dư luận. Con số khi tôi nói chuyện với Sam về điều này là 5 tỉ USD”, Michael Lewis kể.
Một trong những cách Sam Bankman-Fried tiêu tiền của mình là quyên góp chính trị. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, Sam Bankman-Fried đã quyên góp 40 triệu USD cho đảng Dân chủ, nhưng ông cũng thừa nhận rằng mình là nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa.
Theo phóng viên Jon Wertheim của 60 Minutes, vào năm 2024, Sam Bankman-Fried muốn đóng góp thêm cho cuộc bầu cử nhưng theo một cách khác.
Jon Wertheim nói trong một cuộc phỏng vấn với Michael Lewis: “Tôi nghĩ một trong những đoạn gây sốc nhất trong cuốn sách này đi kèm với tiết lộ rằng Sam Bankman-Fried đã tính đến việc trả tiền cho Donald Trump để không tranh cử”.
Michael Lewis nói rằng Sam Bankman-Fried không biết liệu con số 5 tỉ USD có đến trực tiếp được với ông Trump hay không nếu gửi đi. Theo Michael Lewis, nhà sáng lập FTX cũng tự hỏi liệu việc trả tiền cho ông Trump để không tranh cử có hợp pháp hay không.
Steven Cheung, người phát ngôn của ông Trump, đã viết trong một phản hồi ngắn gọn cho trang Insider: “Liệu Sam Bankman-Fried có phải là kẻ nói dối đã bị phát hiện lừa đảo và là người không đáng tin cậy?”.
Luật sư của Bankman-Friend không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.
Vài năm trước, Sam Bankman-Fried là tên tuổi hàng đầu trong thế giới tiền điện tử, có thời điểm nắm giữ khối tài sản ròng trị giá 26,5 tỉ USD, theo Forbes.
Tình trạng đó nhanh chóng sụp đổ cùng với toàn bộ đế chế sàn giao dịch tiền điện tử của ông vào cuối năm 2022.
Bankman-Fried bị bắt và dẫn độ từ Bahamas về Mỹ vào cuối năm 2022, chỉ một thời gian ngắn sau khi sàn FTX sụp đổ.
Sam Bankman-Fried đang ở trong một trung tâm giam giữ ở quận Brooklyn (thành phố New York, Mỹ), phải đối mặt với 8 cáo buộc liên bang, gồm cả gian lận chuyển khoản, âm mưu phạm tội lừa đảo chuyển khoản, âm mưu phạm tội gian lận chứng khoán và rửa tiền.
Theo cáo buộc của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), kể từ ít nhất là tháng 5.2019, FTX đã huy động được hơn 1,8 tỉ USD từ các nhà đầu tư vốn trong một vụ lừa đảo kéo dài nhiều năm, trong đó Bankman-Fried che giấu việc FTX đang chuyển tiền của khách hàng sang quỹ phòng hộ tiền mã hóa liên kết Alameda Research LLC.
Bankman-Fried đã sử dụng tiền của các khách hàng FTX tại Alameda Research LLC để thực hiện các khoản đầu tư mạo hiểm không được tiết lộ, "mua bất động sản xa hoa" và quyên góp chính trị, SEC cho hay.
Phiên tòa hình sự xét xử Bankman-Friend sẽ diễn ra vào ngày 3.10 với mức án cao nhất có thể là tù chung thân. Bản án có thể thay đổi nếu Bankman-Fried hợp tác điều tra hoặc nhận tội.
Bankman-Fried thành lập FTX năm 2019. Đến tháng 7.2021, FTX có hơn 1 triệu người dùng, là sàn tiền mã hóa lớn thứ ba thế giới tính theo khối lượng giao dịch, theo CoinMarketCap.
Trước khi sụp đổ, FTX được định giá 32 tỉ USD và là đối thủ đáng gờm của Binance. Sự lớn mạnh của FTX góp phần giúp Bankman-Fried luôn nằm trong danh sách tỉ phú. Tuy nhiên, cú sập sàn FTX hồi tháng 11.2022 khiến hầu hết tài sản của ông bốc hơi nhanh chóng.
Sam Bankman-Fried từng thuê máy bay giao đồ mua trực tuyến cho toàn bộ nhân viên
Khi còn là tỷ phú, Sam Bankman-Fried tiêu tiền rất xa hoa.
Theo trang Insider, mối quan hệ giữa Sam Bankman-Fried và công ty vận tải hàng không Trans Island Airways (TIA) lần đầu được mô tả trong hồ sơ gửi lên tòa án cách đây 2 tuần.
Sau khi dời trụ sở từ Hồng Kông tới Bahamas vào tháng 9.2021, Sam Bankman-Fried nhận thấy nền tảng thương mại điện tử Amazon không cung cấp dịch vụ vận chuyển tại quốc đảo này. Để giải quyết vấn đề, Bankman-Fried thuê TIA vận hành máy bay Cessna Grand Caravan, chuyên chở các gói hàng từ kho của Amazon tại thành phố Miami (Mỹ), cách Bahamas gần 300 km.
Theo hồ sơ, từ tháng 10.2021, Sam Bankman-Fried trả cho TIA khoảng 15 triệu USD chi phí dịch vụ bay. Ngoài giao hàng, hợp đồng giữa hai bên cũng bao gồm cả các chuyến bay phục vụ công việc trên hai chiếc Learjet 60 với số hiệu C6-ZIP và C6-ROV, có thể chở tối đa 8 hành khách.
Sam Bankman-Fried bay khoảng 36 lần trên những chiếc Learjet 60. Mỗi chuyến có chi phí 20.000 -30.000 USD, giúp TIA thu về tổng cộng 1 triệu USD. Trong đó, 21 chuyến bay đến Washington (Mỹ) của Sam Bankman-Fried có thể liên quan đến các chiến dịch quyên góp chính trị mà ông từng thực hiện.
Các nhân viên FTX cũng được phép di chuyển bằng máy bay của TIA. Họ cho biết chỉ cần Bankman-Fired đồng ý, chuyến bay sẽ được tiến hành mà không phải quan tâm đến chi phí. Một cựu phi công TIA xác nhận từng bay với bố, bạn gái của Sam Bankman-Fried và hầu hết thành viên tại FTX.
Hợp đồng giữa FTX và hãng hàng không TIA còn bao gồm thương vụ mua hai máy bay Embraer ERJ-135BJ Legacy 600 và Bombardier Global 5000 với tổng trị giá 28,4 triệu USD. Đây là những chiếc phản lực tư nhân lớn nhất trên thị trường, có nhiều tiện nghi sang trọng như rạp chiếu phim và phòng ngủ. Hiện hai máy bay này trở thành mục tiêu tranh chấp giữa các bên trong quá trình giải quyết vụ phá sản của FTX.
Ngày 11.11.2022, FTX tuyên bố phá sản sau những báo cáo về lỗ hổng tài chính được công bố. Kể từ đó, thông tin về những khoản chi tiêu xa xỉ của tập thể FTX đã liên tục được công khai và gây bất ngờ cho cộng đồng đầu tư.
Trung bình mỗi ngày, nhân viên FTX tại Mỹ nhận 200 USD để đặt đồ ăn trên ứng dụng DoorDash. Các món ăn có giá cao nhất gồm thịt bò bít tết New York và tôm hùm tại một cửa hàng Nhật. Nhà sáng lập FTX cũng chi khoản tiền lớn để mua khu nghỉ dưỡng ven biển Margaritaville. Các nhân viên ở trong 20 khu nhà sang trọng và có xe đón tới văn phòng hàng ngày.
Ngoài ra, FTX còn sở hữu 35 bất động sản với tổng trị giá khoảng 256,3 triệu USD tại Bahamas, nơi đặt trụ sở của công ty.