Nhà sử học mê Kiều

Gần 80 năm tuổi đời, 60 năm cầm bút sáng tác, nghiên cứu lịch sử, TS Đinh Công Vỹ có những đóng góp to lớn đối với nguồn tư liệu lịch sử nước nhà.

TS Đinh Công Vỹ được Hội Di sản Việt Nam tặng Bằng khen. Ảnh: Phùng Hoàng Anh

TS Đinh Công Vỹ được Hội Di sản Việt Nam tặng Bằng khen. Ảnh: Phùng Hoàng Anh

Ông bỏ nhiều công sức đi điền dã, dịch các văn bia, hoành phi, câu đối, gia phả…, góp phần bổ sung, làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến các nhân vật lịch sử và các triều đại phong kiến Việt Nam.

Khởi nguồn nuôi dưỡng đam mê

TS Đinh Công Vỹ sinh ngày 4/10/1945 tại nhà số 10 phố Cửa Tả (nay là phố Phùng Khắc Khoan) gần chợ Nghệ, thị xã Sơn Tây. Nhưng nơi ở chính của ông lại là số nhà 25 phố Nguyễn Thái Học (Cửa Tiền).

Cả hai nơi Cửa Tiền, Cửa Tả gắn với 2 cửa của thành cổ Sơn Tây, là nơi trung tâm của thị xã Sơn Tây, đậm màu sắc xứ Đoài thần kỳ, huyền diệu, ảnh hưởng không nhỏ đến văn nghiệp, sử nghiệp của ông.

Hồi học phổ thông, khi ấy 16 tuổi, ông đã say mê “Truyện Kiều” và rất yêu quý Nguyễn Du. Cũng ngay từ tuổi này, ông đã yêu thơ, thích sáng tác và từng viết “Trường ca Nguyễn Du” dài 400 câu thơ song thất lục bát.

Sau khi tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, ông đã có gần 10 năm lao động vất vả ở Nông trường Bò sữa Ba Vì, Xí nghiệp Cơ khí thị xã Sơn Tây, Trạm khí tượng thủy văn Sơn Tây, Công ty kiến trúc khu Bắc Hà Tây, rồi sau đó mới thi và trúng tuyển vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Có lẽ, đó cũng là cơ sở để ông dễ thông cảm với những kiếp người cùng khổ thời xưa và sáng tác văn học, nghiên cứu sử học, thành người đầu tiên ở Việt Nam viết trường ca về thi hào dân tộc theo thể thơ truyền thống.

Tính đến nay, kể từ khi viết Trường ca Nguyễn Du - cuộc đời cầm bút của TS Đinh Công Vỹ đã bước qua 60 năm. Ông viết nhiều thể loại, từ thơ ca đến tiểu thuyết, đến các tác phẩm nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học, sử học… và đã xuất bản 13 cuốn sách in riêng cùng vài chục đầu sách in chung, hơn 300 bài báo và tiểu luận đã công bố giúp giới nghiên cứu lịch sử văn hóa có được nguồn tư liệu quý để tham khảo.

Ghi nhận sự đóng góp quý báu ấy, Hội Di sản Việt Nam đã tặng TS Đinh Công Vỹ Bằng khen nhân dịp gặp mặt 60 năm cầm bút (1962 - 2022).

Những công trình tiêu biểu

Trong hơn 60 năm cầm bút, TS Đinh Công Vỹ đã xuất bản các tác phẩm tiêu biểu như: “Thảm án các công thần khai quốc triều Lê” (NXB Đà Nẵng, 1991 và tái bản nhiều lần), “Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn” (NXB KHXH Hà Nội, 1994), “Các bậc khai quốc triều Lê” - còn có tên là “Bí sử một vương triều” (NXB VHTT, 2003), “Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam” (NXB Phụ nữ, 2004), “Bên lề chính sử” (NXB VHTT, 2005), “Nguyễn Du đời và tình” (NXB Phụ nữ, 2006), “Trái tim đồng điệu” (NXB Phụ nữ, 2007), “Chuyện lạ về 12 con giáp” (NXB Đà Nẵng, 2011), “Nhà sử học Lê Quý Đôn” (NXB VHTT, 2012), “Chuyện tình kẻ sĩ Việt Nam” (NXB Phụ nữ, 2016), “Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt” (NXB Thanh niên, 2019), “Việt sử nói gì?” (NXB Phụ nữ, 2020), “Tìm lại thời xưa” (NXB Hội Nhà văn, 2021).

Đó là những công trình nghiên cứu có giá trị, đóng góp vào kho văn hóa, tri thức chung của nhân loại.

Trong các tác phẩm trên, cuốn sách nổi tiếng nhất, gây nhiều dư luận nhất là cuốn “Thảm án các công thần khai quốc đời Lê” - cuốn sách đầu tiên của TS Đinh Công Vỹ viết về lịch sử được công bố vào năm 1992 và bất ngờ được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Bởi vậy, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã tái bản nhiều lần, lần nào sách cũng hết sạch, nội dung cuốn sách này đã được đăng nhiều kỳ trên báo Văn nghệ. Còn về thơ ca thì sáng tác đầu tiên gây nhiều ấn tượng là “Trường ca Nguyễn Du”, ông viết từ lúc còn học cấp III ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội).

Trường ca này phải 30 năm sau mới được in trong tác phẩm “Nguyễn Du đời và tình”. Đó là cái duyên để các nhà Kiều học mời ông tham gia trên cương vị là “Chủ tịch Chi hội Kiều học Hà Nội”.

Các cuốn sách: “Việt sử nói gì?”, “Tìm lại thời xưa” vừa mới xuất bản đều dày trên 600 trang, khổ lớn, đi sâu vào vạn vật, tìm hiểu khoa học tâm linh. Còn cuốn “Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt” như một khám phá mới của nhà khoa học vậy! Cuốn sách là công trình nghiên cứu kỹ càng, sâu sắc, chắt lọc ra những viên ngọc quý chìm sâu trong văn chương Việt.

Đó là một công trình dày gần nghìn trang sách, khổ lớn. Đưa vài dẫn chứng như thế để thấy rõ sự tìm tòi công phu và càng thấy được những viên ngọc sáng trong văn chương nước ta là một kỳ công hiếm. Đây là một tập đại thành về cả một đời cầm bút nghiên cứu, sáng tác văn học của TS Đinh Công Vỹ.

Cầm một trong những cuốn sách của TS Đinh Công Vỹ, nhà nghiên cứu sử Phan Duy Kha gật gù tấm tắc khen “Đúng là sách khủng”! Điểm lại, tôi thấy, trong 13 đầu sách riêng ấy của ông, chỉ có 3 cuốn có khổ nhỏ (13 x 19cm) và có độ dày dưới 200 trang, còn lại toàn là “sách khủng” khổ (16 x 24 cm), độ dày từ 600 trang trở lên.

Cuốn “Tìm ngọc trong di sản văn chương Việt” dày gần nghìn trang. Đấy là chưa kể mấy chục cuốn sách ông viết chung với các nhà khoa học, nhà văn hóa khác; hơn 300 bài báo và tiểu luận khoa học. Đó là thành quả lao động của TS Đinh Công Vỹ trong suốt hơn 60 năm cầm bút…

Trường kỳ đi tìm lịch sử

“Sự nghiệp của TS Đinh Công Vỹ thể hiện qua nhiều tác phẩm và thật bội nhiều trang sách nghiên cứu. Ở góc nhìn của tôi, phần rất nhiều, những trang sách ấy đạt tính văn học cao, bởi nó nhuần nhị, chân phương mà súc tích, rõ ràng mà khá sâu xa, khúc chiết, có hình ảnh, mang nhiều hơi thở của cuộc sống từ quá khứ đến đương đại.

Song cái cốt lõi đáng quan tâm là, càng đọc, càng suy ngẫm, càng thấy anh đang trường kỳ đi tìm lịch sử, khai thác chất liệu lịch sử trong đó nhiều tư liệu văn học mang tính phản ánh lịch sử. Vì thế, nhiều trang viết của Đinh Công Vỹ đạt tính khoa học, tính nghiên cứu đa diện, sâu sắc”.

Đó là lời nhận xét của TS Đỗ Khánh Tặng - nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Tư tưởng văn hóa, Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương Đảng.

Còn nói như Giáo sư Phan Văn Các, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nơi TS Đinh Công Vỹ công tác thì: “Sử học mới thực là chính hiệu trong sự nghiệp của cuộc đời anh. Dẫu vậy, những năm tháng vừa qua, anh cũng đã sống với thơ truyền thống nói chung và thơ Đường luật nói riêng bằng cả trái tim của mình”.

Hay: “Công cuộc hồi phục thơ Đường luật Việt Nam thời gian qua là công lao đóng góp của hàng ngàn người trong cả nước, nhưng có một số người dành nhiều công sức hơn và hoạt động hiệu quả hơn như TS Đinh Công Vỹ”.

Phùng Hoàng Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-su-hoc-me-kieu-post623240.html