Nhà sư hơn 7 năm theo đuổi hành trình trao 'đôi chân' cho người khuyết tật

Hàng nghìn chiếc xe lăn đã đến với người khuyết tật trên khắp đất nước, nhờ vào tấm lòng yêu thương của sư thầy Thích Đức Minh.

Trong những lần đến thăm Trung tâm Phục hồi chức năng, bệnh viện chấn thương chỉnh hình, sư thầy Thích Đức Minh (42 tuổi, ngụ tại Đạo tràng An Viên, quận 12, TP. HCM) luôn ấp ủ trăn trở, làm sao để giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo, không có tiền mua nổi chiếc xe lăn.

Ngay lập tức, thầy đã vận động nhiều nhà hảo tâm, xuất tiền túi để mua xe lăn mới tặng cho các bệnh nhân.

Bài liên quan

Người đàn ông biến mắt tre bỏ đi thành đồ vật tâm linh vô cùng độc đáo

Độc đáo mô hình nuôi cua biển trong nhà ở Hà Nội

Học sinh Trường THCS dân tộc nội trú H.Đak Đoa nhận quà và học bổng từ các nhà hảo tâm

Lan tỏa những tấm lòng nhân ái để cùng nhau vượt qua đại dịch

Ban đầu, mỗi đợt thầy tặng một vài chiếc, nhưng sau đó số lượng ngày càng tăng khiến cho sư thầy không còn đủ kinh phí để mua xe mới, bởi nó có giá hơn 2 triệu đồng/chiếc.

Đến năm 2015, thầy Thích Đức Minh mới nảy ra ý tưởng hỏi xin xe cũ, tìm đến các bãi phế liệu để gom, mua lại xe đã bỏ với giá chừng 200 nghìn đồng/chiếc về tân trang.

“Lúc đầu khó khăn nhiều lắm, không chỉ thiếu kinh phí mà còn về chuyên môn sửa xe. Là sư thầy nên chỉ biết tu hành thôi, trước giờ tôi có bao giờ sửa xe đâu, đặc biệt là các loại xe lăn này. Có lúc tháo ra xong không biết cách ráp lại. Đem ra tiệm sửa xe đạp thì người ta chê không làm, thiếu phụ tùng mà chẳng biết chỗ nào bán để mua”, thầy Thích Đức Minh nói.

Tuy nhiên, những trở ngại này không cản bước được tấm lòng của vị sư thầy 42 tuổi. Bỏ ra nhiều giờ đồng hồ, thầy mày mỏ đủ cách, vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ những lỗi sai để chế ra chiếc xe lăn y như mới bằng phương pháp "râu ông nọ, chắp cằm bà kia".

Mặc dù đã tìm được nhiều nơi cho xe lăn cũ, song, không phải chiếc nào thầy cũng dùng được. Bởi những chiếc quá cũ, có dấu hiệu nứt, gãy,… sẽ mất đi độ an toàn cho người bệnh khi sử dụng. Vì thế, thầy thường chọn lọc những chiếc có thể “hồi sinh”, sau đó tìm bộ phận phù hợp để thay thế.

Sư thầy đã cũng dò hỏi được những mối bán xe cũ ở Nhật, giá về đến Việt Nam khoảng 400 nghìn đồng/chiếc. Tùy mức độ hư hỏng mà cần tốn thêm phụ tùng, trung bình mỗi chiếc hoàn thiện có giá khoảng 700 nghìn đồng.

Không chỉ phục hồi chiếc xe lăn là đủ, thầy phải tìm hiểu rõ chiều cao, cân nặng, tình trạng khuyết tật của người nhận để làm xe phù hợp.

“Ví dụ, người bị tai nạn chấn tổn thương tủy sống, liệt hai chân thì cần xe có chỗ gác tay tháo lắp được để họ gỡ ra, chống hai tay nhích mông từ giường hoặc ghế ngồi sang và ngược lại. Người mất một chân thì chiếc xe không cần phải có đủ 2 bên gác chân. Có người sẽ cần chiếc xe có sẵn bộ vệ sinh bên dưới… Nếu người không thể ngồi mà đưa cho họ chiếc xe lăn không thể ngả lưng, họ sẽ bị choáng và ngất ngay. Vì thế phải tìm hiểu đến cả bệnh lý của họ chứ không đơn giản làm ra 1 chiếc xe lăn là xong”, sư thầy chia sẻ.

Không ít các trường hợp gửi xe lăn, người nhận không ưng ý, thầy Thích Đức Minh liền cho đổi ngay chiếc xe lăn khác phù hợp hơn. Mỗi lần như thế, thầy phải chịu thêm phí vận chuyển, song, sư thầy 42 tuổi vẫn vui vẻ và cho đó là đều đáng làm.

Theo sư thầy, công việc này này phải kiên nhẫn lắm mới làm được. Vì mỗi thứ một ít, phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức. Nếu không đủ tình thương thì dễ bỏ cuộc ngay.

“Những người khuyết tật thật ra họ rất đáng thương, đặc biệt là những người đang là trụ cột gia đình, đột nhiên gặp tai nạn rồi trở nên tàn tật. Họ chạy chữa khắp nơi nên tiền bạc cạn hết, lấy đâu ra mua được chiếc xe lăn hoàn chỉnh. Vì vậy, chiếc xe lăn này có thể giúp ích phần nào để họ có ‘đôi chân’ bước ra ánh sáng. Đôi khi chỉ là để ra sân, ra cổng ngồi, được thấy bầu trời, tắm nắng hay nhìn xe cộ. Thậm chí là có cơ hội hòa nhập lại với cộng đồng, đặc biệt là với những người có hoàn cảnh giống họ”, thầy bộc bạch.

Trung bình mỗi tháng, thầy Thích Đức Minh đã cùng các chú tiểu ở Đạo tràng “hồi sinh” từ 30-100 chiếc xe lăn. Tính đến hiện tại, số lượng xe đem tặng ước chừng lên đến hàng nghìn chiếc.

Kinh phí để duy trì hoạt động này là từ việc vận động nhà hảo tâm, phật tử, tổ chức những buổi tiệc chay để gây quỹ…

Thầy Thích Đức Minh cùng các đoàn thiện nguyện đến thăm hỏi các bệnh nhân.

Không chỉ chế tạo xe lăn tặng người khuyết tật, 2 năm trước, thầy Thích Đức Minh đã mượn được mảnh đất của một Phật tử, gom kinh phí dựng lên một phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền mang tên Sơn Đài Minh Viện ở huyện Bình Chánh, mời bác sĩ về điều trị miễn phí.

Trong thời gian tới, thầy Thích Đức Minh ấp ủ mong muốn có một mảnh đất riêng để xây xưởng chế tạo xe lăn cũ thành mới, giúp năng suất làm việc tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, thầy mong rằng sẽ tìm được nhiều nguồn xe cũ để có nguyên liệu chế tạo xe lăn mới, đồng thời, hi vọng xã hội sẽ có nhiều người cùng chung tay, quan tâm nhiều hơn đến người yếu thế.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-su-hon-7-nam-theo-duoi-hanh-trinh-trao-doi-chan-cho-nguoi-khuyet-tat-post196569.html