Hơn 100 trang kiểm toán không trả lời nổi câu hỏi: Tiền đi đâu?
Từ bản kiểm toán dày hơn 100 trang của Phạm Thoại đến chuỗi lùm xùm từ thiện trước đó, công chúng vẫn chưa thể thôi hỏi: Tiền đã đi đâu?
Có những tờ giấy mỏng đến mức ánh sáng xuyên qua, nhưng lại nặng hơn cả một lời cam kết. Như tờ A4 mà ca sĩ Thủy Tiên từng công bố năm nào – mảnh giấy cô coi là minh chứng cho sự minh bạch. Một bản kê viết tay, không mộc, không hóa đơn, không bảng đối chiếu, cũng không có xác nhận của bất kỳ bên thứ ba nào ngoài chính cô. Điều duy nhất tồn tại là… niềm tin. Và thật tiếc, niềm tin ấy đã rách cùng mép giấy.
Thủy Tiên từng được xem là biểu tượng đẹp đẽ của tinh thần thiện nguyện – “nữ thần miền Trung” giữa lúc lũ lụt hoành hành. Nhưng rồi, chỉ một tờ giấy và vài phát ngôn thiếu chuẩn mực đã khiến hình tượng ấy lung lay. Sự việc không nằm ở cái tâm thiện lành, mà ở cách thể hiện lòng tốt một cách thiếu nghiệp vụ, thiếu chuẩn mực – thậm chí còn khiến người ta cảm thấy ngây ngô.

Từ bản kiểm toán dày hơn 100 trang của Phạm Thoại đến chuỗi lùm xùm từ thiện trước đó, công chúng vẫn chưa thể thôi hỏi: Tiền đã đi đâu?
Cứ tưởng cú vấp đó sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới nghệ sĩ. Nhưng không. Một vài gương mặt nổi tiếng – có thể do chủ quan, hoặc tin vào sự ngắn hạn của trí nhớ cộng đồng – vẫn tiếp tục lặp lại sai lầm cũ. Như trường hợp mới đây của TikToker Phạm Thoại – người đứng ra vận động hơn 16,7 tỷ đồng nhằm hỗ trợ một em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo.
Khởi đầu là những hình ảnh gây xúc động mạnh. Tiếp theo là sự ủng hộ dồn dập từ cộng đồng mạng. Nhưng sau đó là một khoảng lặng – dài và khó hiểu. Đến khi bị dư luận chất vấn, Phạm Thoại tổ chức một phiên livestream, rồi tiếp tục im lặng, rồi tung ra một báo cáo kiểm tra tài chính dày hơn 100 trang, kèm con dấu kiểm toán và hệ thống biểu đồ đầy tính kỹ thuật.
Về mặt hình thức, đó là một báo cáo chỉn chu. Nhưng tiếc thay, nó đến quá muộn. Sự minh bạch nếu chỉ xuất hiện khi bị đẩy vào thế bị động, thì chẳng khác nào một lời biện hộ. Người đọc không tìm thấy cảm giác tin cậy, mà thấy ở đó một nỗ lực trấn an mang tính đối phó.
Đáng nói hơn, khi soi kỹ, báo cáo lại lộ ra nhiều bất cập: Một giao dịch không đúng thời điểm, không được kiểm toán chấp nhận. Nhiều khoản tiền mặt lên tới hàng chục triệu đồng nhưng không có phiếu thu, cũng không ai đứng ra xác nhận. Một báo cáo được dán nhãn kiểm toán nhưng lại chứa đựng quá nhiều khoảng trống đã cũ – thì chẳng khác nào đang hợp thức hóa sự thiếu cẩn trọng.
Người dân không cần một văn bản đồ sộ để hiểu. Họ chỉ cần một bản sao kê đúng lúc, vài dòng làm rõ: Tiền đã đi đâu, chi cho ai, có hóa đơn hay biên nhận gì và được kiểm chứng bởi ai. Trong câu chuyện từ thiện, điều công chúng cần không phải là một bản báo cáo chỉ để “đọc”, mà là sự rõ ràng để “hiểu”.
Nếu nhìn rộng ra, có thể thấy một điểm chung trong những lùm xùm từ thiện suốt thời gian qua: Rất nhiều tấm lòng, nhưng lại thiếu kỹ năng sổ sách. Nghệ sĩ Hoài Linh từng để hơn 14 tỷ đồng nằm yên trong tài khoản suốt nửa năm, giữa lúc người dân vùng lũ vật lộn từng ngày. Khi bị hỏi đến, ông đưa ra hàng loạt lý do – từ hoàn cảnh, dịch bệnh, cho đến… đủ thứ khách quan, nhưng tuyệt nhiên không phải trách nhiệm của bản thân. Từ thiện không có “deadline”, nhưng vẫn có một ranh giới rất mong manh: Chậm là vô tâm, còn im lặng thì dễ bị hiểu lầm.
Trấn Thành cũng từng rơi vào vòng xoáy dư luận và buộc phải sao kê hơn 1.000 trang giao dịch. Dư luận không chỉ “soi” các khoản tiền, mà còn thấy được sự lúng túng của một nghệ sĩ nổi tiếng khi phải đối mặt với yêu cầu minh bạch tài chính. Trong câu chuyện ấy, từ thiện bỗng hóa thành chiếc gương phản chiếu sự lỏng lẻo trong trách nhiệm – càng giải thích, càng khiến hình ảnh bị trầy xước.
Tất cả những trường hợp đó – mỗi người một kiểu – nhưng đều mang lại chung một bài học: Thiện ý, dù lớn đến đâu, cũng không thể thay thế cho kỹ năng và trách nhiệm. Nghệ sĩ không cần trở thành kế toán, nhưng nếu đã nhận tiền thay mặt cộng đồng, thì không thể hành xử như đang tiêu tiền cá nhân.
Bản báo cáo của Phạm Thoại, dù có chỉn chu đến đâu, cũng không xóa đi thực tế rằng: Nó xuất hiện khi đã quá muộn. Thay vì là một bước chủ động thể hiện trách nhiệm, nó giống một động thái “xoa dịu” sau khi khủng hoảng bùng lên. Và khi một người đã để lộ quá nhiều sơ suất, sự nghi ngờ là điều khó tránh. Vì niềm tin – một khi đã tổn thương – thì rất khó để lành lại.
Người ta không cần 100 trang kiểm toán, chỉ cần vài dòng minh bạch đúng lúc. Một tờ giấy A4 từng là biểu tượng của niềm tin, nhưng khi niềm tin rách mép giấy, mọi thứ trở thành nghi ngờ. Từ Thủy Tiên đến Phạm Thoại, từ thiện không chỉ cần tấm lòng – mà cần kỹ năng, trách nhiệm và sự trung thực trước công chúng.