Nhà Thanh sụp đổ nhưng vì sao cung nữ xuất cung ít ai dám lấy chồng?
Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, thân phận cung nữ như 'con sâu, cái kiến', vậy sau khi nhà Thanh sụp đổ, họ có sung sướng hơn không?
Nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại được 267 năm. Ngày 12/2/1912, Hoàng đế Phổ Nghi chính thức thoái vị, kết thúc hàng ngàn năm lịch sử theo chế độ quân chủ của Trung Hoa.
Sau khi thoái vị, Phổ Nghi cùng hậu cung của mình vẫn được lưu lại Tử Cấm Thành một thời gian nhưng không lâu sau đó cũng phải rời đi. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngàn người bao gồm thái giám, cung nữ, thị vệ,... đều bị đuổi khỏi cung. Vậy số phận của những người hầu này sẽ đi đâu về đâu?
Trong cuốn tự truyện Nửa đời trước của tôi kể lại quãng thời gian làm vua do chính Phổ Nghi viết, ông có đề cập rằng hầu hết cung nữ sau khi bị đuổi khỏi cung đều không ai dám kết hôn. Họ chủ yếu sống phần đời còn lại trong bi đát, nghèo túng.
Trong khi các thái giám, thị vệ vẫn có thể đi làm công việc lao động chân tay vì còn sức khỏe thì các cung nữ thì lại không dễ dàng như vậy. Chỉ một bộ phận rất nhỏ cung nữ còn trẻ trung, xinh đẹp, tháo vát và thông minh mới có thể đi làm các công việc bình thường, lấy chồng sinh con như bao phụ nữ khác.
Tuy nhiên đa số cung nữ Thanh triều sau khi xuất cung đã không còn trẻ. Để duy trì cuộc sống, một bộ phận trong số họ phải lựa chọn làm kỹ nữ.
Vốn có thời gian dài sống trong cung, quen với việc nhìn sắc mặt để đoán ý nên mua vui cho người khác là chuyện không quá khó. Dựa vào chút khả năng này để mời chào khách đều không thành vấn đề.
Nhưng cũng có một bộ phận cung nữ không có kỹ năng gì, chỉ có thể làm lại công việc cũ là hầu hạ người khác. Làm nha hoàn, đầy tớ cho người giàu là lựa chọn không tồi. Dẫu sao họ cũng được làm công việc mà bản thân thuần thục nhất, theo hầu vua chúa quý tộc và hầu hạ người giàu suy cho cùng không có gì khác biệt.
Cũng có một vài cung nữ không may mắn, không hòa nhập được với xã hội bên ngoài nên vừa xuất cung đã bị lừa, bị bán làm nô lệ. Nhưng thảm cảnh nhất là những hoàn cảnh chết đói nơi đầu đường xó chợ.
Có thể nói dù ở trong cung hay đã xuất cung, họ vẫn ở địa vị thấp kém trong xã hội.
Về việc cung nữ sau khi xuất cung thường khó xuất giá, có 3 nguyên nhân dẫn đến điều này.
Thứ nhất, đa số những cung nữ này đều đã "quá lứa lỡ thì", nhan sắc phai tàn, khó có thể lọt vào tầm ngắm của đàn ông. Vì thế dù có muốn thì họ cũng khó tìm được người đàn ông muốn gắn bó với mình.
Thứ hai, theo Hoàng đế Phổ Nghi - chủ nhân cuối cùng của Tử Cấm Thành, không ít cung nữ bị vô sinh hoặc khó sinh con do cơ thể đã suy nhược sau nhiều năm làm người hầu. Cung nữ khi ấy có một số "căn bệnh nghề nghiệp" rất phổ biến như bị khí trệ, ứ huyết, mạch nặng, đau giữa ngực và dưới sườn.
Cơ thể bị suy nhược, bệnh tật nhưng không được điều trị, cứ mãi tiếp tục lao động nặng nhọc nên sức khỏe họ càng bị ảnh hưởng, thành bệnh mãn tính. Đặc biệt là với chứng ứ huyết, phụ nữ rất khó sinh con. Mà trong quan niệm xã hội thời bấy giờ, phụ nữ không sinh con là tội lớn, hiếm có gia đình nào chấp nhận. Đây chính là trở ngại lớn nhất ảnh hưởng tới việc xuất giá của họ.
Ngoài ra còn có một nguyên nhân quan trọng khác là sống trong chốn thâm cung đại viện, các cung nữ đã quen với những phép tắc hà khắc, quen với việc bị người khác điều khiển, không biết lựa chọn, không thể tự quyết định vận mệnh của mình. Điều này lâu dần để lại rất nhiều hạn chế về tính cách, khiến họ không thể hòa nhập được với cuộc sống của người bình thường khi bước ra ngoài Tử Cấm Thành.
Sống dưới đế chế phong kiến, các cung nữ không thể hưởng một cuộc sống của người bình thường,nhưng khi xuất hiện chế độ xã hội mới, họ lại cũng rất khó để hòa nhập. Đây chính là nhóm phụ nữ đáng thương nhất khi mà thời đại có nhiều bước chuyển mình to lớn.
Minh Hoa (t/h)