Nhà thầu xây dựng vẫn chông chênh
Triển vọng hồi phục của lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn chông chênh khi đang nằm trong nhóm có số lượng doanh nghiệp thua lỗ nhiều nhất quý III vừa qua.
Thua lỗ kéo dài
Từ một doanh nghiệp giữ vị thế số một trong lĩnh vực nhà thầu, Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình, mã chứng khoán HBC) ghi nhận lỗ lớn trong quý IV năm ngoái và tính đến hết quý III năm nay vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ.
Trong quý III/2023, Hòa Bình đạt 1.893 tỷ đồng doanh thu, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế âm 169 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp lỗ 880 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 64 tỷ đồng).
Ông Lê Viết Hiếu, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc thường trực Hòa Bình cho biết, Công ty khó có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023, vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mảng xây dựng, trong khi thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhiều điểm nghẽn pháp lý khiến lượng dự án mới rất hiếm hoi, cũng như việc bán hàng chậm lại do lòng tin thị trường chưa trở lại. Dự kiến, năm 2023, doanh thu riêng lẻ của Hòa Bình đạt 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất đạt 7.800 đồng.
“Lợi nhuận năm 2023 dự kiến vẫn là số âm, do không thực hiện được việc thanh lý tài sản của Công ty Máy xây dựng Matec, do đối tác gặp khó khăn về tài chính, Công ty không thanh lý được các máy móc, thiết bị đã lên kế hoạch trước đó”, ông Lê Viết Hiếu chia sẻ.
Tính đến cuối quý III/2023, Hòa Bình có lỗ lũy kế 2.980 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm còn 352 tỷ đồng, tổng nợ vay tài chính 5.150 tỷ đồng. Ngược lại, Công ty có 5.293 tỷ đồng phải thu từ khách hàng và 3.659 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng, tổng các khoản phải thu cộng cả lãi chậm thanh toán là 9.192 tỷ đồng.
Hòa Bình đang tích cực thu hồi công nợ, kế hoạch trong quý IV/2023 là thu được 2.836 tỷ đồng, đến Tết Nguyên đán 2024 kỳ vọng thu được 4.846 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) được cho là nhà thầu được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công nhưng vẫn có kết quả kinh doanh kém khả quan khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III/2023 chỉ đạt 27,4 tỷ đồng, giảm 89% so với cùng kỳ, do giá vốn hoạt động kinh doanh tăng cao. Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty con, công ty liên doanh, liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của kinh tế trong nước, dẫn đến kết quả kinh doanh suy giảm so với cùng kỳ.
Tại Công ty cổ phần Lilama 45.3 (mã chứng khoán L43), lợi nhuận sau thuế trong quý III/2023 âm 760 triệu đồng, đưa khoảng thời gian thua lỗ lên quý thứ 9 liên tiếp. Trong kỳ, Công ty không ghi nhận khoản doanh thu nào từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, bởi các hợp đồng thuộc thuộc dự án giải quyết ngập do triều cường ở khu vực TP.HCM vẫn đang tạm dừng thi công, trong khi hợp đồng ký mới quý III/2023 chưa đến giai đoạn nghiệm thu thanh toán. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Lilama 45.3 ghi nhận doanh thu gần 3 tỷ đồng, giảm 74%; lỗ sau thuế 10,8 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ gần 5 tỷ đồng của cùng kỳ.
Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons), doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý III/2023 lần lượt là 1.483 tỷ đồng và 5,2 tỷ đồng, tương ứng giảm 59% và 84% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt doanh thu 5.304 tỷ đồng, giảm 37%; lợi nhuận sau thuế 73,1 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Ngược lại, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã chứng khoán CTD) là doanh nghiệp xây lắp hiếm hoi có kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2023 nhờ chính sách trích lập dự phòng đối với các dự án rủi ro mà lãnh đạo doanh nghiệp chủ động thực hiện từ năm trước, làm giảm nhẹ tác động của các biến động về chi phí nhân công, nguyên vật liệu xây dựng và các yếu tố vĩ mô lên chi phí giá vốn.
Coteccons có niên độ tài chính năm 2024 từ 1/7/2023 đến 30/6/2024. Kết thúc quý đầu tiên của niên độ tài chính này (1/7 - 30/9/2023), Công ty ghi nhận doanh thu 4.124 tỷ đồng, tăng 32%; lợi nhuận gộp hơn 100 tỷ đồng, tăng 204%; biên lãi gộp tăng từ 1,06% lên 2,43%; lợi nhuận sau thuế gần 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ niên độ trước lỗ hơn 3 tỷ đồng. Trong năm tài chính 2024, Coteccons đặt kế hoạch đạt doanh thu hợp nhất 17.793 tỷ đồng, lãi sau thuế 274 tỷ đồng.
Nỗ lực cải thiện tình hình
Hòa Bình đang nỗ lực tái cấu trúc toàn diện để cải thiện hoạt động kinh doanh nhằm vượt qua khủng hoảng. Mới đây, đại hội cổ đông bất thường lần hai năm 2023 của Công ty đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 274 triệu cổ phiếu với giá dự kiến 12.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có 54 triệu cổ phiếu để hoán đổi công nợ với các nhà cung cấp, nhà thầu phụ. Thời gian thực hiện trong năm 2023 - 2024.
Phát hành cổ phiếu tăng vốn được cho là phương án mang tính “sống còn”, giúp Hòa Bình có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Lãnh đạo Hòa Bình cho hay, giai đoạn 2023 - 2024 là cao điểm của giải ngân đầu tư công, Công ty sẽ đẩy mạnh tham gia dự thầu các dự án tiềm năng và tăng tỷ trọng doanh thu mảng hạ tầng.
Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Hòa Bình chia sẻ, sang năm 2024, một số khách hàng sẵn sàng giao các dự án cho Công ty thực hiện như BRG, Geleximco, BIM, Gamuda, Capitaland, KeppLand, CEO, SunGroup. Doanh nghiệp lên kế hoạch năm 2024 đạt giá trị đấu thầu trong nước 9.000 - 10.000 tỷ đồng.
Về thị trường nước ngoài, Hòa Bình xác định, Kenya, Úc, Mỹ là các thị trường tiềm năng. Riêng với thị trường Úc, trước khi chính thức bước chân vào thị trường lớn này, Công ty sẽ chọn Vanuatu - đảo quốc ở cùng châu Đại Dương chào thầu và triển khai một số công trình để lấy kinh nghiệm và xây dựng nguồn lực.
Liên quan tới công nợ, Hòa Bình sẽ huy động tối đa nhân lực phục vụ công tác thu hồi nợ và sử dụng nhiều biện pháp, bao gồm giải quyết tranh chấp công nợ qua tòa án kinh tế hoặc trọng tài quốc tế.
Theo ông Nam, thị trường xây dựng vẫn có nhiều khó khăn, nhưng Hòa Bình đã đề ra các giải pháp nhằm tăng thu và giảm chi. Đối với những dự án đã thi công xong và đang làm quyết toán, ông trực tiếp gặp lãnh đạo doanh nghiệp đối tác để thương lượng tiến độ thanh toán. Trong tháng 7 và tháng 8/2023, dòng tiền thu được từ các dự án được cải thiện đáng kể, tăng 40 - 50% so với các tháng trước đó, trung bình một tháng thu về 150 - 200 tỷ đồng.
Đồng thời, Hòa Bình dùng công cụ pháp lý để thu hồi nợ, với tổng cộng 26 vụ kiện, trong đó 12 vụ đã giành chiến thắng. Đặc biệt, với FLC, Công ty đã thu hồi gồm cả lãi và phạt chậm nộp vượt nợ gốc 57%.
Đối với 22 dự án đang thi công, Hòa Bình làm theo kế hoạch tái cấu trúc là thực hiện tài khoản riêng và hầu hết dòng tiền đều tích cực.
Trong trung hạn, Hòa Bình chấp nhận chuyển nhượng một số dự án bất động sản và đang trong quá trình tìm đối tác để thực hiện các giao dịch.
“Việc khắc phục toàn diện vấn đề tài chính cần thêm thời gian, nhưng Hòa Bình sẽ khôi phục lại vị thế của mình”, ông Lê Viết Hải nói.
Với Coteccons, doanh nghiệp này đã thành lập Công ty Coteccons Constructions Inc để cung cấp dịch vụ xây dựng tại thị trường nước ngoài. Ông Chris Senekki, Phó tổng giám đốc Coteccons đảm nhận nhiệm vụ mở rộng hoạt động kinh doanh của Coteccons và các công ty con ra thị trường quốc tế.
Thực tế, mảng thị trường ngoài nước được giới phân tích nhận định có những thách thức, nhưng nhiều tiềm năng nhờ các hiệp định thương mại song phương, đa phương, sẽ góp phần giúp các nhà thầu vượt qua giai đoạn khó khăn ở thị trường nội địa.
Công việc ít, chi phí vốn tăng cao là nguyên nhân chính khiến nhóm nhà thầu xây dựng “hụt hơi” trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2023. Tính đến hết ngày 30/10, xây dựng và vật liệu xây dựng là nhóm ghi nhận nhiều doanh nghiệp báo lỗ nhất trong quý III vừa qua, với 51 doanh nghiệp thua lỗ, 97 doanh nghiệp có lãi và 192 doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính quý.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng quý cuối năm 2023, kỳ vọng đầu tư công được đẩy mạnh sẽ mang lại động lực cho các doanh nghiệp xây dựng, hạ tầng trong nước như HHV, VCG, C4G, LCG, FCN…
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nha-thau-xay-dung-van-chong-chenh-post333241.html