Nhà thiết kế 'tố' áo dài La Sen Vũ ở Hoa hậu Việt Nam giống 70% của mình: Đó là khăn Campuchia chứ không phải khăn rằn
NTK Huệ Thi khẳng định, áo dài La Sen Vũ giống tới 70% bộ sưu tập của chị. Sự khác nằm ở màu sắc của khăn rằn nhưng đã mắc lỗi cơ bản vì đó là khăn của Campuchia chứ không phải khăn rằn Nam bộ.
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 đã tìm ra chủ nhân vương miện nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Mới đây, NTK Huệ Thi ở Cần Thơ đã bức xúc khi cho rằng NTK Vũ Lan Anh (tác giả thương hiệu áo dài La Sen Vũ) giống phần lớn thiết kế trong BST Đờn ca tài tử vừa trình diễn tại Hội An và Hà Nội hồi tháng 7 và tháng 11/2020).
NTK Huệ Thi cho biết, ý tưởng thực hiện BST Đờn ca tài tử đến từ NTK Minh Hạnh. "Cuối năm 2019, NTK Minh Hạnh về miền Tây tìm kiếm một nhà thiết kế để tham gia sự kiện chuỗi áo dài di sản Việt Nam. Tôi là nhà thiết kế duy nhất của miền Tây được chị Minh Hạnh chọn. Sau đó chị giao cho tôi đề tài "Đờn ca tài tử" để tiến hành lên ý tưởng thiết kế. Nếu không có COVID-19, điểm đáp cuối cùng của lễ hội sẽ diễn ra tại Cần Thơ và diễn cùng với Festival Đờn ca tài tử. Đó là lý do vì sao chị Minh Hạnh phải chọn một NTK tại miền Tây để họ am hiểu và đủ cảm xúc chuyển tải cái hồn tài tử vào tà áo dài".
Cũng theo NTK Huệ Thi, chị mất rất nhiều thời gian để tìm cách chuyển tải câu chuyện. Chủ đề là như thế nhưng chọn chất liệu gì, màu sắc ra sao, bố cục thế nào để tôn vinh được cái hồn của đờn ca tài tử. Làm sao để bước ra giữa rừng người thì phải nhận ra sản phẩm của người miền Tây. Và NTK Huệ Thi nói, chị đã quyết định chọn khăn rằn Đồng Tháp để dung hòa vẻ đẹp mộc mạc đúng chất của người Nam bộ.
"Tôi muốn chất liệu phải là của nơi đây, đặc trưng và tôn vinh làng nghề truyền thống. Xem phần trình diễn trong chương trình Hoa hậu Việt Nam, tôi tin rằng họ không biết ý nghĩa tại sao phải phối lụa Lãnh Mỹ A Tân Châu với khăn rằn Đồng Tháp? Họ có hiểu hết thông điệp không khi làm khác đi bằng màu caro sặc sỡ? Khăn hồng, đỏ, xanh là của người Campuchia, không phải của người Nam bộ. Nó làm cho BST trở nên lòe loẹt chứ không toát lên hồn cốt Nam bộ. Đờn ca tài tử cũng vậy, nó đơn giản và mộc mạc chứ không se sua lộng lẫy bằng cách gắn lên nó những viên đá quý màu mè", NTK quê Cần Thơ nói.
Sau khi phân tích những phần trùng nhau giữa BST Đờn ca tài tử của mình với Tinh hoa đờn ca Việt của La Sen Vũ, NTK Huệ Thi khẳng định, sự giống nhau lên đến hơn 70%.
Chúng tôi đã liên hệ với NTK Vũ Lan Anh, chủ nhân áo dài La Sen Vũ để có cái nhìn đa chiều xung quanh lời tố của tác giả BST Đờn ca tài tử nhưng NTK này không đưa ra câu trả lời cụ thể. Thay vào đó, NTK Vũ Lan Anh gửi cho chúng tôi một bài viết mà nội dung chủ đạo là ca ngợi BST Tinh hoa đờn ca Việt.
Theo đó thì ý tưởng thực hiện BST của La Sen Vũ đến từ sự "đặt hàng" của BTC và đạo diễn Hoàng Nhật Nam- tổng đạo diễn.
PV Báo Gia đình &Xã hội cũng đã liên hệ với đạo diễn Hoàng Nhật Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.
NTK Minh Hạnh, người chọn NTK Huệ Thi thực hiện ý tưởng Đờn ca tài tử khi được hỏi đã chia sẻ: "Đây là câu chuyện không mới trong làng thời trang và nó cần được đề cập ở chủ đề rộng lớn hơn để mang đến môi trường lành mạnh cho sự sáng tạo".
Trước đó, NTK Minh Hạnh đã bày tỏ quan điểm riêng xung quanh những ồn ào của hai NTK. Chị cho biết: "Đờn ca tài tử là một đề tài khó bởi tính hàn lâm mà lại rất dung dị giản đơn. Phải là một người sống, hiểu và yêu con người, yêu sông nước miền Nam một cách chân thật thì mới thể hiện được tính hào sảng của dân miền Tây sông nước.
Huệ Thi lần đầu tiên tham gia một sự kiện lớn về áo dài mà lại một đề tài về di sản văn hóa phi vật thể là rất khó. Huệ Thi đề nghị sử dụng chất liệu của bản địa là Lụa Mạc nưa Tân Châu và khăn rằn là những dấu hiệu để nhận biết rõ nét. Tôi thực sự yên tâm khi tiếp xúc với Huệ Thi và có cảnh báo rằng, đờn ca tài tử là rất bác học, sang trọng chứ đừng làm theo quan điểm của một số người thường cho rằng đờn ca tài tử hay cải lương thì phải sến".
Mặc dù không đưa ra nhận xét cụ thể về chuyện giữa hai BST nhưng NTK Minh Hạnh cho rằng việc trùng lặp ý tưởng là chuyện bình thường, nhất là những ý tưởng từ những di sản lớn của Việt Nam như áo dài. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhà thiết kế cần có cảm xúc sâu sắc, tư duy độc lập, và tìm kiếm những điều mới lạ hơn thì mới chứng minh được năng lực sáng tạo. Điều tối kỵ trong lãnh vực thiết kế là làm giống một ai đó, một thiết kế nào trước đó.
Việc sao chép mẫu trong thiết kế thời trang vẫn xảy ra thường xuyên kể cả các nước trên thế giới. Dĩ nhiên, giá trị của những thương hiệu hay giá trị của nhà thiết kế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Luật pháp chỉ bảo hộ thương hiệu nhưng sự tự trọng và đạo đức nghề nghiệp sẽ là cách bảo hộ bền vững cho sáng tạo của các nhà thiết kế hơn.
NTK Huệ Thi cũng vừa cho biết, cho đến nay đã 4 ngày trôi qua nhưng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào của BTC chương trình Hoa hậu Việt Nam cũng như của NTK Vũ Lan Anh. "Tôi mong một câu trả lời công bằng từ phía BTC để công chúng khán giả hiểu hơn về thông điệp bộ sưu tập. Tôi cần NTK Vũ Lan Anh có câu trả lời thỏa đáng để tôi cũng như công chúng tôn trọng sự cống hiến của chị", NTK Huệ Thi nói.