Nhà thiết kế trẻ 'ra thế giới' với những chiếc ghế đẩu xếp chồng
Tại sự kiện Discovered thuộc dự án Wallpaper do Bảo tàng thiết kế London (Anh) và AHEC (Hiệp hội Gỗ cứng Hoa Kỳ) tổ chức nhằm hỗ trợ thế hệ các nhà thiết kế trẻ, có một gương mặt của Việt Nam. Đó là Nguyễn Huyền Trang, cựu sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP. HCM.
Tác phẩm của Huyền Trang đã được triển lãm giới thiệu cù8ng với 20 tác phẩm khác của các nhà thiết kế trẻ đến từ 16 quốc gia. Ở sự kiện này, các tác phẩm đều được thiết kế từ gỗ, với cảm hứng chủ đạo là những trải nghiệm qua đại dịch và cảm xúc thường nhật với đồ vật.
Cô gái nhỏ nhắn đến từ Quảng Trị cho biết: "Khi được đề cử tham gia sự kiện này, mình khá lo lắng nhưng cũng rất phấn khích. Đây là một sự kiện thiết kế lớn, quy mô thế giới và có rất nhiều tài năng, trên nền tảng Discovered. Đây là cơ hội hiếm có để mình học hỏi thêm nhưng rất lo vì không biết tác phẩm của mình có đủ tốt hay không”.
Nguyễn Huyền Trang và một tác phẩm do mình thiết kế mang tên "Re-Cabinet".
Tác phẩm mà Huyền Trang mang đến Discovered là bộ sưu tập ghế đẩu có thể xếp chồng lên nhau, lấy cảm hứng từ mái chùa truyền thống của Việt Nam. Nguyên tắc xếp chồng mà Trang thực hiện cho những chiếc ghế chính là mô phỏng lại phương pháp lợp ngói trong kiến trúc truyền thống để giấu đi kết cấu nối ở bên dưới. Từng chiếc ghế đều có các chốt làm bằng gỗ màu tương phản, khi xếp chồng lên nhau sẽ được che đi và chỉ lộ ra khi sử dụng. Sự sắp xếp này tạo nên một thể thống nhất lạ mắt, vừa có thể sử dụng để trang trí, vừa làm chỗ ngồi rất tiện lợi.
Quan điểm sáng tạo của Huyền Trang là một sản phẩm nội thất phải kết hợp hài hòa giữa thẩm mỹ và tính ứng dụng: "Mình chọn ba loại gỗ khác nhau vì màu sắc của chúng khác nhau. Bằng cách sử dụng ngẫu nhiên hai trong số các loài cho ghim, người dùng có thể khám phá các loại gỗ khác nhau khi gỡ từng chiếc ra để ngồi, nhưng vẫn tạo ra một bố cục đẹp khi không sử dụng”.
Nguyễn Huyền Trang tốt nghiệp ngành Kiến trúc Nội thất, trường ĐH Kiến trúc TP. HCM năm 2019. Hồi còn sinh viên, Trang đã gây ấn tượng khi giành giải Nhất tại cuộc thi thiết kế Hoa Mai với tác phẩm tên “Giao thoa”. Đó là một chiếc bàn bằng gỗ sồi đỏ, kết hợp với các sợi mây và không dùng đến bất cứ chi tiết kim loại nào.
Tác phẩm ghế đẩu xếp chồng của Huyền Trang được trưng bày tại Bảo tàng Thiết kế London.
Học ngành Kiến trúc Nội thất, khi đó Trang chưa từng tự tay thiết kế một sản phẩm nội thất nào nhưng ngay lần đầu thử sức đã giành giải Nhất.
Tác phẩm “Giao thoa” của Huyền Trang là một chiếc bàn bằng gỗ sồi đỏ, kết hợp với các sợi mây và không dùng đến bất cứ chi tiết kim loại nào. “Giao thoa” được đặt tên với ý tưởng gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, thông qua chất liệu gỗ. Nhưng điểm nổi bật mà Trang đưa vào trong thiết kế của mình là nâng cao tính địa phương của sản phẩm, bằng cách sử dụng các sợi mây, vật liệu truyền thống của Việt Nam. Huyền Trang sau đó sau đó tiếp tục thành công tại cuộc thi “Asean Furniture Design” năm 2020 với đồng giải Nhất. Với một sinh viên vừa mới ra trường, đó là thành quả không thể tuyệt vời hơn.
Cô gái 9X này cho rằng, dù trẻ nhưng luôn bị hấp dẫn bởi các giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là là chất liệu để Trang đưa vào các sáng tạo của mình. “Mình quan niệm, cội nguồn văn hóa chính là sự khác biệt giữa các dân tộc và các sáng tạo trên nền tảng văn hóa sẽ giúp đồ nội thất của Việt Nam được quảng bá nhiều hơn”.
Những chiếc ghế đẩu có thể dùng để trang trí khi xếp chồng và làm chỗ ngồi khi tách rời.
Hiện nay, Việt Nam thuộc nhóm các nước xuất khẩu đồ nội thất hàng đầu thế giới nhưng đa phần dừng lại ở gia công, hàm lượng thiết kế rất thấp. Những tác phẩm thiết kế được nhìn nhận bởi quốc tế như của Huyền Trang tại Discovered là một dấu hiệu đáng mừng.
Cô gái nhỏ nhắn nhắn này hiện đang đầu quân cho một công ty sản xuất đồ gỗ lớn tại Bình Dương. Bên trong sự bé nhỏ của hình hài đó là khát vọng sáng tạo lớn.