Nhà thơ Bảo Ngọc - mạch thơ hiện ra từ những mảnh ghép ẩn mình
Lâu nay, bạn đọc thường biết đến nhà thơ Bảo Ngọc với cái tên gần gũi: 'Người lưu giữ Ký ức đồng quê cho trẻ'. Từ tập thơ 'Gõ cửa nhà trời' và tập thơ - truyện 'Lớp học Thung Mây' của chị, đã có khá nhiều bài thơ được lựa chọn đưa vào Sách giáo khoa bậc TH và THCS. Chị cũng đã có vài chục bài thơ được phổ nhạc, được hòa âm phối khí dàn dựng trong Liên hoan tiếng hát thiếu nhi Thủ đô và được trao giải.
Gần đây trên trang vanvn - trang điện tử chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam và báo vanhocsaigon.com có giới thiệu những chùm thơ mới khá lạ so với cái tạng “trong trẻo, ấm áp, hàm chứa sự sâu lắng tế trong mảng thơ viết cho thiếu nhi của chị.
Xin trân trọng giới thiệu cuộc phỏng vấn khá thú vị cùng nữ thi sĩ Bảo Ngọc.
PV: Nhà thơ có thể chia sẻ đôi chút về việc “chuyển mạch” viết từ sáng tác cho thiếu nhi sang một mạch viết lạ, giàu suy tưởng và nhiều hàm xúc trong mạch thơ mới?
Nhà thơ Bảo Ngọc:
Việc sáng tác đối với người cầm bút, mỗi người có một con đường hoàn toàn khác nhau. Với cá nhân tôi, tôi tạm hình dung, tiềm ẩn bên trong mình có nhiều mảnh ghép tựa khối vuông ru-bích. Ở thời điểm này, một sắc màu hiện ra, và nhiệm vụ của người viết là lắng nghe, cảm nhận, dành trọn vẹn cảm xúc cùng trí lực để khơi nguồn mạch viết đó.
Cũng như vậy, tôi nghĩ mình đã tìm thấy thêm một mảnh ghép đầy dẫn dụ ở thể thơ 1-2-3 mà tôi phải nói là mình có cơ duyên được tiếp cận. Tại Trại sáng tác văn học Thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam diễn ra ở Phú Yên tháng Tư vừa qua, tôi đã may mắn được biết cuộc ra mắt sách của hai người bạn văn là Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo và nhà thơ Thanh Dũng. Đặc biệt nhất là tôi được gặp Nhà thơ Phan Hoàng - Một văn sĩ - Người con của Phú Yên - Người khởi xướng thể thơ 1-2-3 mà từ đó, một sân chơi đầy ngẫu hứng sáng tạo đã ra đời.
Ban đầu tôi đọc các bạn viết của mình và “ngập ngừng chạm bước đầu tiên” . Tôi gửi cho nhà thơ Phan Hoàng đọc thử chùm bài đầu tiên và hồi hộp đợi. Nhà thơ Phan Hoàng đọc ngay. Anh nhắn lại: “Rất hay em ạ!” Rồi anh đùa: “ Người nổi tiếng có khác. Viết thử là hay luôn!”
Tôi tiếp nhận câu đùa ấy như một sự khích lệ. Và khi đặt trọn tâm trí cho mạch viết này, mỗi ngày một vài ý tưởng, những trăn trở lại hiện ra. Có lúc trong giấc ngủ tôi bật dậy viết như một sự mách bảo, thôi thúc. Và tôi dần định hình mạch viết này không chỉ bằng sự thử sức ghé chân, mà với một sự nghiêm túc thực sự.
PV: Trông bề ngoài, chị là một người khá điệu, phong thái nhẹ nhõm thong dong, nhưng chị vừa chia sẻ mình có thể bật dậy viết trong đêm. Chị có thể nói một chút về đời sống thực và đời sống sáng tác?
Nhà thơ Bảo Ngọc:
Bạn bè hay đùa tôi “điệu có thương hiệu”. Đó là bản tính vốn trời cho từ thuở cha sinh mẹ đẻ. Cuộc sống luôn phong Phú đầy màu sắc, con người cũng vậy. Điều đó ta không bàn nhiều. Tuy nhiên về vấn đề trông tôi lúc nào cũng thong dong thì không phải đó là do tôi nhàn hạ. Một vài người bạn thân nhất của tôi bảo rằng: “Em không hiểu chị lấy sức đâu mà gánh cả tứ phía bốn bề công việc như thế mà trông lúc nào cũng đủng đỉnh” . - Vậy nên tôi chẳng có bí quyết gì ngoài việc biết sắp xếp mọi thứ khoa học nhất cho cái tâm hồn vốn bất kể lúc nào cũng có thể bay lên khỏi mặt đất. Và điều quan trọng là dậy sớm, ngồi tĩnh tại như một nghi lễ đón ngày mới cho sự bình an, vững chãi của mình. Mình an lạc thì bước chân an lạc. Mình đi tới đâu là cảm nhận nơi đó bình an. Ai đến với mình cũng an. Có cô bạn bảo: “Nhìn chị tưởng yếu mềm như nước nhưng chị mạnh mẽ cho bất kể ai cần đến và nương tựa”.
Tôi yêu bạn bè bằng trọn vẹn tâm chân thật tin tưởng nên tôi hạnh phúc trong tình bạn. Và tôi nghĩ bên cạnh cái chất yếu mềm như nước ấy, cùng với sự vững chãi của đất, cùng sự phiêu lưu của gió, tôi còn đặc biệt nghĩ đến sự ấm áp, mạnh mẽ của lửa.
Với tôi ngọn lửa sống, lửa đam mê sáng tạo là sinh lực nuôi dưỡng mạch sống cho mỗi người. Tôi yêu lao động theo mọi nghĩa từ việc nhỏ nhất là dọn dẹp nhà cửa xóm ngõ đến việc nghiêm khắc nhắc mình ngồi vào bàn làm việc hay cả những khi dành thời gian đều đặn cho tập luyện theo sức mình. Vui vẻ lao động, vui sống trọn vẹn từng phút giây giúp tôi biết xem nhẹ mọi gánh nặng, nhẹ buông nỗi buồn và luôn háo hức với từng điều giản dị gõ cửa tâm hồn mình.
Pv: Được đọc tác phẩm của chị từ tập thơ “ Bến Trăng” - Một tập thơ mang hơi hướng cổ thi vời vợi niềm riêng trong hơi thở của thiền. Rồi tiếp đó là tập thơ “Giữ lửa” với một sự “chuyển mình” trong việc tự tìm tòi, thoát ra khỏi cái bóng của tập thơ trước đó. Tiếp nữa là đến các tập thơ dành cho thiếu nhi, viết ở các phong cách khác nhau, người đọc vẫn cảm nhận được hơi ấm và sự “giữ lửa” xuyên suốt. Chị có thể nói một chút về Lửa đối với việc sáng tác của mình?
Nhà thơ Bảo Ngọc:
Rất cảm ơn bạn đã tìm và nhận ra điều đó. Quả thực khi viết, có thể tôi cũng không gọi tên chính xác được điều này. Song khi tác phẩm đến tay bạn đọc, mỗi người đọc sẽ có cách đón nhận hồn cốt của văn bản ấy theo cách riêng của mình.
Quả thực tôi là người mang nhiều trăn trở về Lửa. Trong đời sống nhân loại, con người văn minh, được phân biệt khác với vạn vật muôn loài từ khi tìm ra lửa và biết sử dụng lửa. Tuy nhiên trước đó, khi con người chưa tìm ra lửa thì Mặt trời đã chiếu ánh sáng tạo nguồn sinh dưỡng vô tận cho Trái đất này.
Trong đời sống tinh thần, con người cũng dùng ngọn lừa từ trái tim để gọi nhau và sưởi ấm cho nhau. Và bên cạnh đó, ngọn lửa tự nhiên cũng như ngọn lửa sân giận, tham lam, ngạo mạn của con người cũng hàm chứa sức phá hủy kinh khủng nhất. Là người viết, việc hiểu được sứ mệnh thiêng liêng của lửa, việc nhận thức được sức mạnh và sự phá hủy của lửa, và việc biết giữ lửa, với tôi, đó cũng là một điều may mắn.
Pv: Trong chia sẻ trước đó ở các cuộc phỏng vấn trên một số Báo, chị thường nhận mình là người may mắn. Vậy thành công của chị hôm nay có phụ thuộc nhiều vào may mắn hay không?
Nhà thơ Bảo Ngọc:
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - trong tập thơ “Bến Trăng” có nhận xét về tôi thế này: “Bảo Ngọc rất ít xuất hiện. Nếu có phải “nhô ra” thì chị cũng lại giấu mình vào đám đông. Trông chị mỏng manh, lặng lẽ như chính cái bóng của mình”. Cảm nhận ấy khá tinh tế và chính xác. Tôi thích sống khiêm nhường ở cái góc riêng của mình và cũng ngại xuất hiện trên các văn đàn. Tôi thích được ngồi tĩnh lặng trong khoảng thời gian nhỏ của mình sau bộn bề công việc để đọc và viết. Đọc bạn văn và các nhà văn đáng kính là một cách để lắng nghe chia sẻ về những thông điệp đến từ người viết cũng như thông điệp từ vũ trụ vô tận. Đồng thời qua đó, tôi thấy mình còn cần phải nỗ lực hơn nhiều. Với cách sống mang ít nhiều sự e dè ấy, thật khó để tôi được biết đến và nhận sự may mắn từ phía bên ngoài.
Còn về những tác phẩm của tôi được chọn lựa và yêu mến, trước hết tôi rất biết ơn NXB Kim Đồng đã giới thiệu được tập thơ “Gõ cửa nhà trời” tới đông đảo bạn đọc. Tập thơ này đã được Hội các nhà xuất bản bầu chọn là cuốn sách đại diện cho Văn học thiếu nhi - là 1 trong 7 đầu sách nổi bật nhất năm 2019. Rồi tiếp đó là các bài thơ được chọn vào Sách giáo khoa từ tập “Lớp học Thung Mây” của NXB Hội nhà văn. Sau nữa là cơ may mà các nhạc sĩ quan tâm mà tìm đến với các tác phẩm của tôi.
Tôi nghĩ, tôi là người luôn làm việc rất nghiêm túc đằng sau cái hình bóng yểu điệu của mình. Trong công việc tôi cần mẫn dành hết công sức mình để hoàn thành từng việc nhỏ được giao song không đặt nặng đến thành tích. Và tôi tin, để có được bất kể may mắn, dù ở góc nào, mỗi người đều cần sự nỗ lực xứng đáng.
PV: Đang khơi đúng mạch ở thể thơ 1-2-3 chị có dự kiến sẽ ra mắt một tập thơ mà như chị chia sẻ - là một mảnh ghép đặc biệt dẫn dụ chị vừa mới khơi nguồn?
Nhà thơ Bảo Ngọc
Tôi chưa thể nói nhiều về tập thơ chưa ra đời vì nó đang được hình thành và hoàn thiện dần. Nhưng tôi có thể bật mí về tập thơ này, tôi đã gọi tên:“Trong cơn mơ của lửa”.
Đó là mạch viết có những khi tôi bị hối thúc vào lúc nửa đêm như trong cơn mê. Câu chữ đẩy mạch cảm xúc tự niên hiện ra và tôi viết không phải sửa từ nào. Song cũng có lúc, tôi viết khi đang bộn bề công việc mà một ý tưởng chợt đến. Với những bài viết ở trạng thái này, tôi ghi nhanh ý tưởng và sau đó phải cân nhắc từng chữ cho đến khi mình tạm hài lòng.
Khi tạm gác cái mạch viết trong veo dành cho thiếu nhi luôn khiến mình hạnh phúc như đứa trẻ rồi dấn bước vào mạch viết này, tôi mới cảm nhận sâu sắc việc có lúc ta sẽ phải vắt kiệt sức mình cho từng câu chữ. Để rồi từ việc ấy, mình biết trân trọng hơn sứ mệnh của những người cầm bút!.
Pv: Thêm một câu hỏi nữa, chị nói chị là người yêu mến bạn bè, hạnh phúc trong tình bạn, vậy chị có thể chia sẻ thật ngắn gọn về hạnh phúc trong tình bạn, trong tình yêu và trong đời sống gia đình?
Nhà thơ Bảo Ngọc:
Tôi nghĩ, hạnh phúc trong tình bạn là nhận ra sự chân thành cùng tình cảm yêu mến ta đã dành cho nhau. Tình bạn, nếu thiếu đi tình yêu cũng khó sâu đậm. Còn hạnh phúc trong tình yêu là cũng phải tìm được ở đó, bên cạnh sự đồng cảm, thăng hoa còn cần nhất sự thấu hiểu của tình bạn chân thật để có thể đi cùng nhau suốt chặng đường dài. Trong đời sống gia đình, hạnh phúc cần nhiều hơn thế. Gia đình là phép cộng của cả tình bạn, tình yêu, và lớn hơn cả là sự cho đi vô điều kiện, sự rộng lượng thứ tha vô điều kiện để cùng nâng đỡ nhau, cùng tìm ra lối đi riêng cho mỗi người trong cái tổ ấm của mình.
Pv: Xin cảm ơn nhà thơ Bảo Ngọc đã dành những chia sẻ quý báu và trân trọng giới thiệu chùm thơ mới của chị!
Chùm thơ Bảo Ngọc:
Trong giấc mơ của đứa trẻ - lâu rồi - tôi hỏi:
Ai đã rắc những ngôi sao lên trời
Để đêm đêm cả bầy sao lại rơi xuống biển?
Trong cơn nhớ - mê cuồng vừa đây thôi - tôi hỏi:
Ai đã cuốn hồn tôi lên trời
Để đêm đêm tôi tự vớt mình lên từ biển?
Người gọi tôi là bùa mê - là lửa
Lửa bảo tôi - này kẻ khờ hãy nghe cho rõ:
Chớ đụng bùa yêu tự sát thương mình!
Tôi như chú cá cờ quẫy sóng dưới bình minh
Cái đuôi hóa cầu vồng bẩy sắc
Tự tung mình chộp cái bóng lặng thinh.
Người có yêu ta không?
Câu hỏi ấy đêm nào ta cũng hỏi
Mắt gió nhìn ta hun hút vực trời
Người có yêu ta không ?
Câu hỏi ấy trước bình minh - sớm nào ta cũng hỏi
Nắng nhặt tim ta - lặng lẽ mỉm cười!
Ta -đứa trẻ được Hoài thai trong cơn yêu của lửa
Giây phút mẹ khai hoa
Ta oa oa cất tiếng gọi mặt trời
Đêm trái tim ta hóa hòn than cất trong ngực núi
Ngày trao bán niềm vui ta đổi những nỗi buồn
Lửa tự phục sinh mình trong đáy vực cô đơn.
Ta yếu đuối và mỏng manh như gió
Ta dữ dội và mê cuồng như lửa
Ta ngọt ngào và lạnh ướt như sương
Ta kiêu hãnh như mặt trời cất ánh sáng vào đêm
Ta dịu dàng như trăng tự trải mình nâng dấu chân mặt đất
Ta - cái bóng tình yêu - Người sẽ chẳng bao giờ thấy mặt.
Mọi con đường đã có sẵn lối đi
Tự do thuộc về kẻ biết lựa chọn và khước từ mạnh mẽ
Tình yêu và lý trí - con đường của kẻ mù thông tuệ.
Cứu rỗi và thi ca - con đường nằm trong trái tim của trẻ
Thế giới đảo điên này
Hãy nghe trẻ cất lời chỉ lối ta đi
Mặt Trời cho lửa và Trăng tặng Nỗi Buồn
Con người tìm nhau để gọi lên hơi ấm
Nhưng bóng tối - đôi tay phàm - găm vết sẹo vào Trăng
Ta mang phận tù đầy trên đôi cánh Bình Minh
Cúi gom Lửa, nhặt Trăng và Nỗi Buồn treo lên trước gió
Giữ hồn mình trong mỗi tiếng chuông ngân.
Trong ấu bào- mỗi hạt mầm được âm thanh thức gọi
Khi chưa thấy mặt trời -âm thanh là tổ ấm
Âm thanh giữ tiếng gọi nhau - đồng loại.
Âm thanh đau - khi loài người mài gươm và tranh cãi
Âm thanh reo - khi con người biết cúi đầu xám hối
Âm thanh mang sức mạnh - ngọn nguồn cứu rỗi!