Nhà thơ Bùi Kim Anh: Tôi có bông hồng đỏ trong ngày Vu lan
Nhà thơ Bùi Kim Anh có nhiều sáng tác về chùa, về Phật, cũng viết bài báo về thiền, về ăn chay, kết thân với nhiều tăng ni…
“lên chùa để thắp nén nhang
dòng trong bến Đục lỡ làng bước chân
cầu gì sau những lưng trần
khói hương mờ mịt nửa phân tái tê”
(Trích bài Lên chùa, Bùi Kim Anh)
“Tôi quen thân với nhiều vị sư, trong đó có những vị đại đức am tường đạo pháp, giỏi thơ văn, giỏi chữa bệnh. Đặc biệt tôi rất thương và quý các ni. Tôi luôn nghĩ những người con gái này có điều gì đó ưu phiền cho dù đó là lựa chọn tự nguyện đi chăng nữa thì lánh vào cửa Phật cũng là vất vả, luôn nghĩ các ni như con gái mình vậy mà muốn chia sẻ, gần gũi. Tôi đã viết bài thơ tặng các ni:
“người con gái
nương vào cửa Phật
khép lòng mình dưới vạt thiền y
chắp tay lại mắt nhìn nơi cõi lặng
sẻ chia bình an
cho trăn trở kiếp người”
Tôi có bài thơ “Cửa thiền có tiếng thở dài” viết tặng một người bạn khi lánh đời vào nơi thanh tịnh ở:
“người ơi bỏ phố làm chi
quay lưng bỏ mặc
những gì đớn đau
quay lưng bỏ vui lẫn sầu
nam mô thoát chốn bể dâu
mặc đời
về đi thơ về đi người
về trong bao chuyện khóc cười
với nhau”
Đấy là lời nhắn gửi cho bạn nhưng cũng chính là suy nghĩ của tôi. Thiền không nhất thiết phải vào nơi cửa chùa hay lánh vào nơi vắng vẻ để quay lưng lại với đời. Nếu như “tu tại tâm”, nếu như mang nặng chữ “thiện” thì vẫn phải sống giữa cuộc đời này và làm những điều tốt cho chính cuộc đời này.
Con người cần trao đi lòng yêu thương cùng sự vị tha, trải qua bao hoạn nạn trong đời thì cũng không thể mang điều bất hạnh ấy của mình để trút lên cuộc đời này, cũng không nên quay lưng với cuộc đời. Khi mà bản thân mình cũng từng nhận nhiều thương yêu từ cuộc đời và con người đến thế.
Trong mỗi gia đình, người phụ nữ, người mẹ hết sức quan trọng. Người phụ nữ không những đảm đang lo toan mà có lúc còn phải là người vững vàng gồng lưng chèo chống trước mọi khó khăn, hoạn nạn của gia đình. Như từ gia đình tôi, không ít những hoạn nạn đã đến và nếu như lúc đó người mẹ là tôi không vững vàng, thậm chí còn đổ sụp xuống vì đau khổ, thì chồng con tôi dựa vào đâu? Có câu châm ngôn: “Duy chỉ có gia đình, nơi ấy người ta mới tìm được chốn nương thân để chống lại tai ương của số mệnh”. Những lúc đó, tôi tuyệt vọng, mất hết niềm tin, thậm chí tệ hơn còn nghĩ đến cái chết: “Nếu như tôi có thể đi ngay lúc này đây/ Viên đá nhỏ lẳng xuống hồ lặng lẽ/ Chiếc lá cuối thu buông nhẹ/ Không ai hay”. Vào những lúc ấy, tôi vẫn làm thơ, kiểu như viết nhật ký thôi, chính nhờ thơ mà tôi vững tâm trở lại.
Tôi hiểu, như người ta thường nhắc đến “phía sau sự thành công của người đàn ông là có bóng dáng người phụ nữ”. Nhưng dù là người đàn ông thành đạt hay có thất bại hoặc hoạn nạn, thậm chí khốn cùng, thì vẫn cần người đàn bà đứng phía sau. Nhìn lại những gì đã làm cho gia đình và những gì đang có trong cuộc sống hôm nay của gia đình, tôi có thể tự tin về sức chịu đựng cũng như nghị lực của bản thân mình. Và các con tôi, như Trần Mai Anh, với chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn” là niềm tự hào của gia đình, là sự an ủi, là phần thưởng lớn lao của người mẹ này.
Tôi thường làm thơ. Đúng hơn là viết nhật ký bằng thơ. Tôi viết cho mình, viết từ cõi lòng mình, từ tâm tư mình trước mọi sự ở đời và vui buồn của chính mình. Một sự tự giải thoát bằng thơ. Thơ cũng cần sự chân thật nên tình cảm trong thơ không thể giả dối. Tôi dùng thơ như chiếc gậy chống để đứng lên và bước tiếp cùng chồng con trong cuộc sống đầy khó khăn.
Tháng 7 với ngày Vu lan ư? Thật ý nghĩa với chúng ta dù ở lứa tuổi nào. Cả hai ý nghĩa đều thiêng liêng biết bao. Nó là hiếu thuận của mỗi người con với cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Nó thật nhân văn khi ta nghĩ đến những cô hồn. Nhìn cảnh cúng lễ bày biện ngày Vu lan, có lúc tôi chợt nghĩ: Nếu như con cái chăm lo cha mẹ hàng ngày, nhất là cha mẹ già yếu, ốm đau, liệu có cần ngày này không nhỉ? Bài học ân hận của một người con thành ngày nhắc nhớ cho mỗi người con về sự hiếu thảo với cha mẹ.
Cuộc sống hôm nay với những yêu cầu cao về lao động kiếm sống, với nhu cầu cao về sinh hoạt, hưởng thụ, con người càng cần làm việc nhiều, xoay xỏa nhiều mỗi ngày. Cuốn hút vào guồng quay của xã hội, nhiều khi ta không có thời gian quan tâm đến nhu cầu sống tình cảm và cả vật chất của người già trong gia đình. Tuổi già và sự cô đơn mà con cháu không phải ai cũng hiểu và không phải lúc nào cũng biết. Ngày Vu lan nhắc ta trước mắt là ngày đang sống, bố mẹ, ông bà đang ở bên ta mỗi ngày, sau đó mới cho người đã khuất. Có thể ý nghĩ của tôi chưa thật hợp với ai đó nhưng tôi đã nghe một vị sư giảng có câu nói cái “đang là”. Hãy sống vì cuộc sống và những người đang là bên ta trước tiên. Báo hiếu là việc mỗi ngày. Cần mỗi ngày nhìn lại phía sau, mỗi ngày sống chậm một ít thời gian thôi cho ông bà, cha mẹ. Ngày Vu lan có ý nghĩa vậy đấy. Đừng cúng lễ hình thức. Quần áo hàng mã có tới người đã mất - ta không rõ. Cõi vô thường, cõi xa của chốn tâm linh hãy cứ thành kính hướng về. Nhưng quần áo mới ông bà, cha mẹ đang sống cùng ta hôm nay nhận được và xúc động lắm đấy.
Ngày cô hồn - tháng cô hồn. Nhiều tục lễ kiêng lắm. Cưới hỏi, dựng xây, mở mang… gì đó đều phải kiêng. Ý nghĩa ngày tháng 7 này thật nhân văn. Với những gì hôm nay về tình người, tính người thì bài học nhân văn càng sâu sắc. Người lớn đã đành, con cháu ta cũng cần lòng thương xót cho những vong hồn không còn nơi nương tựa, người nhớ tới. Thật hư vô mà chỉ cõi tâm linh trong ta tới được.
Để làm được điều báo hiếu, điều cảm thương ấy, trước tiên phải là giáo dục nền nếp gia đình. Bây giờ có nhiều cách khác nhau khi làm lễ Vu lan. Vẫn giữ nền nếp cũ. Hoặc theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Thật đa dạng. Nhưng đấy là việc thiên hạ tùy tâm, tùy tiện, cốt tấm lòng thành.
Ngày Vu lan nhắc nhiều về mẹ từ cụ thể sự tích từ mẹ. Thêm bông hồng đỏ cho mẹ còn bên ta, bông hồng trắng cho người không còn mẹ. Người mẹ là tất cả, là gần gũi biết bao với mỗi đứa con. Tôi đang hạnh phúc vì có ba đứa con ngoan. Tôi có bông hồng đỏ trong ngày Vu Lan.