Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang Nga: Biểu tượng mới của lịch sử nước Nga
Với việc khánh thành Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang Nga, quốc gia này đang muốn biến công trình trở thành một biểu tượng mới trong lịch sử cũng như tương lai của mình.
Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang Nga tọa lạc trong Công viên Yêu nước, được ví như “Disneyland phiên bản quân sự” tại thị trấn Kubinka, quận Odintsovsky, cách thủ đô Moscow một giờ lái xe. Nhà thờ được thánh hiến vào ngày 14/6 vừa qua và chính thức mở cửa vào ngày 22/6, nhân kỷ niệm Đức quốc xã tấn công vào Liên Xô năm 1914.
Lễ khánh thành ban đầu được lên kế hoạch tổ chức vào 9/5, đúng ngày kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, nhưng đã bị hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Công trình đồ sộ và kỳ công
Một kiến trúc hùng vĩ, mặt ngoài được thiết kế bằng kim loại với màu xanh ngọc cùng mái vòm vàng và những cây thánh giá cao tới 95 mét. Thiết kế Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang Nga cũng khá khác lạ, bởi kiến trúc chính thống giáo truyền thống thường có màu sắc tươi sáng hơn nhiều. Bên trong nhà thờ là nhiều bức khảm đồ sộ bậc nhất thế giới, với hàng loạt tác phẩm mô tả các trận chiến trong lịch sử Nga và đặc biệt là giai đoạn Thế chiến II.
Trên trần nhà thờ, các huy chương chiến tranh của Liên Xô được gắn kính màu và các bức khảm thể hiện nhiều trận chiến quan trọng trong quá khứ. Đặc biệt hơn, nhà thờ còn có những mảng kiến trúc với những con số mang tính biểu tượng.
Ví dụ, bệ của mái vòm chính có đường kính 19,45 mét. Bản thân bệ có tám cửa sổ. Trong khi đó, mái vòm có chiều cao 22,43 mét. Các số đo này tượng trưng cho sự kiện Đức ký văn kiện đầu hàng vào ngày 8/5/1945, chính xác là vào 22h43'.
Các loại vũ khí, xe tăng và chiến lợi phẩm thu được từ Đức Quốc xã đã được quân đội Nga thu thập lại và nấu chảy để tạo thành những bậc cầu thang và những chi tiết làm bằng thép cho nhà thờ.
Phát biểu với kênh truyền hình Zvezda, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói: "Qua cầu thang dẫn lên nhà thờ, chúng ta bước trên vũ khí của kẻ thù bại trận".
Nhà thờ còn được trang trí bằng những bức tranh khảm bao phủ hàng nghìn mét vuông tường nhà. Trong đó, bức tranh khảm trên mái vòm chính (rộng 300 mét vuông) có hình ảnh Chúa Cứu thế và là bức lớn nhất thế giới.
Biểu tượng của lịch sử
Công trình kỷ niệm được xây dựng ngay tại cột mốc đánh dấu vị trí phòng tuyến cuối cùng của cuộc chiến phòng thủ Moscow. Kể từ cột mốc này, quân phát xít Đức bị đánh lui và Hồng quân Liên Xô giành ưu thế cho đến chiến thắng cuối cùng giải phóng Berlin ngày 9/5/1945.
Chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đã trở thành nền tảng chính để xây dựng nên bản sắc mới của dân tộc Nga và đây cũng là những gì mà Tổng thống Vladimir Putin nhắm đến. Giờ đây, Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang Nga được xây dựng như biểu tượng của chiến thắng ấy và được công nhận là công trình tiêu biểu của thời Tổng thống Putin.
Khu tổ hợp nhà thờ còn bao gồm một bảo tàng trưng bày những vật dụng cá nhân của Adolf Hitler, cũng như quân phục, mũ nhà binh và súng ống của quân đội phát xít Đức. Ngoài ra, nhà thờ cũng trưng bày hàng loạt những bức tranh, hình ảnh điêu khắc về các anh hùng của Hồng quân Liên Xô, cũng như của hàng chục các quốc gia khác từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, chống lại quân phát xít.
“Chỉ một quốc gia hết lòng thương yêu Thiên Chúa mới có thể xây dựng một nhà thờ tráng lệ đến vậy”, Giám mục Stefan của thị trấn Klin, người đứng đầu bộ phận hợp tác của nhà thờ với quân đội cho biết. Vị giám mục 59 tuổi này từng là sĩ quan trong lực lượng phòng thủ tên lửa Liên Xô và Nga trước khi trở thành linh mục.
Công trình gây tranh cãi
Cho dù đồ sộ và kỳ công, nhưng việc xây dựng nhà thờ vẫn vấp phải không ít tranh cãi trong nội bộ nước Nga. Đầu tiên là những tranh cãi xung quanh việc nhà thờ vẫn sử dụng và treo cờ Liên Xô cũ. Tuy nhiên, theo Giám mục Stefan, nhà thờ đã mô tả tất cả những dấu tích trong lịch sử nước Nga vĩ đại và sẽ là rất thiếu sót nếu bỏ qua Thế chiến II vì cũng có rất nhiều binh sĩ Liên Xô theo đạo.
Ngoài ra, làn sóng phản đối kịch liệt các hình ảnh trong nhà thờ đã diễn ra vào đầu năm nay, nhất là các vấn đề gây tranh cãi trên trường quốc tế như cuộc chiến Nga-Gerogia, Nga sáp nhập Crimea và cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Cũng có những bức khảm miêu tả hai cuộc chiến tranh của Nga ở Chechnya, các cuộc can thiệp quân sự của Liên Xô nhằm đánh bại cuộc cách mạng Hungary năm 1956, mùa Xuân Prague năm 1968 hay cuộc xâm lược Afghanistan.
Khi được hỏi rằng, việc đưa những hình ảnh về các cuộc xung đột, chiến tranh vào nhà thờ mang ý nghĩa gì, giám mục Stefan nói rằng, thật là một sai lầm khi chỉ tập trung vào những xung đột.
“Chúng tôi không đề cập nền tảng địa chính trị vào bất kỳ thời điểm cụ thể nào. Chúng tôi chỉ nói về thực tế là các lực lượng vũ trang của chúng tôi có sự trợ giúp thiêng liêng từ Đức Chúa và từ những vị thánh. Đó chính là ý nghĩa của nhà thờ.”
Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang Nga giờ đây đã trở thành một điểm đến thú vị dành cho những người đam mê lịch sử. Mỗi ngày, nhà thờ đón tiếp khoảng 20.000 lượt du khách tham quan. Nơi đây được đánh giá như một bảo tàng chiến tranh độc đáo và mới mẻ trong vô vàn những công trình khác, bởi nó đã khắc họa rõ nét những vấn đề tôn giáo trong các cuộc chiến.
Dmitry, một người phục vụ tại nhà thờ nói rằng, các hình ảnh quân sự và tôn giáo trên các bức tranh khảm của nhà thờ không phải là một sự kết hợp hoàn hảo, nhưng lại hoàn toàn phù hợp. “Trong chiến tranh, những người lính của chúng tôi đã tử vì đạo để chúng tôi có thể hưởng nền tự do và độc lập”.
Trâm Hương
(theo The Guardian)