Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp, cứ ngỡ mình dửng dưng
Đinh Ngọc Diệp quan niệm: 'Thơ là tiếng vang của cuộc sống được chắt lọc qua tâm hồn', sống ngay ở biển, vì thế biển và ngư dân trở thành chủ đề thường trực trong thơ anh. Biết bao khuôn mặt, thân phận trắc ẩn, đặc biệt là những ngư dân ngày đêm mưu sinh trên biển, làm chủ biển khơi mà không biết rủi ro, đau thương ập đến khi nào.

Hành trình 7 (NXB Hội Nhà văn Việt Nam, tháng 5/2025) dày gần 130 trang, riêng về đề tài biển, ngoài “Con cá to tự mắc lưới mình” còn có “Trên bãi biển đời ngao”, “... Và một ngư dân khác”, “Pres Cup Sầm Sơn các nhà báo thi tài”, “Tối giản”, “Sẽ có ngày nhớ biển”, “Chiếc dép rơi đêm biển Sầm Sơn”, “Mây biển Tiên Trang”, “Xa”. Như vậy là 9 bài, chiếm 20%. Đây là tỷ lệ không nhỏ, chưa kể một số bài lấy cảm hứng từ khung cảnh biển để khắc khoải về tình yêu, như các bài “Ngay lúc này”, "Gió của ngày xưa”...
Đọc “Con cá to tự mắc lưới mình” - bài thơ đầu tiên trong tập thơ, tôi cứ suy nghĩ mãi về khổ thơ cuối cùng: “Ống bương cá đeo hông nhịp vào mông lúc lắc/ Cheo lưới trùm vai, tự dính lưới ngày/ Ông – con cá to nhúng đại dương thành sóng/ Bước lên bờ, biển đắm một kình ngư”. Ngoài những từ địa phương như “ống bương”, “cheo lưới” được sử dụng rất tự nhiên; Đinh Ngọc Diệp còn sử dụng nhiều thủ pháp tu từ so sánh khác: “Ông - con cá to”, nhân hóa “tự đánh lưới ngày”, ẩn dụ cảm giác về lão ngư “nhúng đại dương thành sóng”... Đặc biệt là ở câu cuối “Bước lên bờ biển đắm một kình ngư” là một kiểu hoán dụ đặc biệt - là ông lão đánh cá, một ngư phủ giỏi, đi biển chuyên nghiệp. Trân trọng như thế, tuy nhiên chuyến đi cực nhọc, hiểm nguy thất bại. Quán chiếu về tu từ ở khổ thơ này có thủ pháp chơi chữ, ngoa dụ ám ảnh và có ý nghĩa xã hội về lao động, đời sống của ngư dân qua hình ảnh ông lão “Tự giam trong chiếc mủng”. Một ngư dân cả đời ở biển nhưng rồi cũng chẳng bao giờ vượt thoát ra khỏi không gian ấy.
Và, bài thơ “... Và một ngư dân khác” cho tôi cảm giác thực sự ám ảnh. Đây là câu chuyện về một ngư dân bị đuối nước, thiệt mạng do sóng đánh lật thuyền, có ngày tháng xảy ra: “Năm 2020. Tháng 12 dương. Ngày 31”. Câu thơ trong bài, xác tín tai nạn xảy ra với ngư dân xấu số vào thời điểm trước Tết Dương lịch: “Bạn nghề từ biển về/ Thay vội áo quần khô thắp nén hương đưa tang hàng xóm”.
Ngư dân ấy vốn cần cù, sinh ra trong một gia đình truyền thống đi biển, cái chết của anh làm cho gia cảnh càng lâm vào khó khăn: “Vợ biết làm gì để nuôi bốn đứa con anh đủ tuổi lại ra khơi?”. Quá đau xót, con người quá phụ thuộc vào thiên nhiên, và thiên nhiên đôi khi cũng trở mặt bất thường.
Series thơ mang tên “Hành trình” và tập thơ Hành trình 7 cho thấy Đinh Ngọc Diệp là nhà thơ của đời sống, thơ ông là tiếng thơ ám ảnh thân phận. “Thơ không phản ánh đời sống thì phản ánh cái gì”, nhà thơ xứ Thanh, Lê Tuấn Lộc từng nêu vấn đề trong một hội thảo về thơ.
Là một nhà thơ thế sự, nhưng nói như thế không có nghĩa Đinh Ngọc Diệp không có thơ tình lãng mạn. Biên độ tâm hồn thơ Đinh Ngọc Diệp đa chiều. Cũng đề tài về quê hương, biển đảo, ông có những bài thơ tình đến xao xuyến: “... Không em thành biển vắng/ Gió xua mây xa vời/ Trời xanh bùng sấm sét/ Anh đứng làm thu lôi” (Sẽ có ngày nhớ biển).
Trong bài thơ này có hai câu thơ: “Từng đôi trên sóng biếc/ Cứ ngỡ mình dửng dưng”, cho thấy tâm hồn Đinh Ngọc Diệp không dửng dưng đâu. Ông là một nhà thơ giàu lòng trắc ẩn, vừa biết chia sẻ vừa biết thương yêu.
Như đã thành “truyền thống”, xuyên suốt series thơ từ “Hành trình” đến Hành trình 7”, cho thấy, bất cứ điều gì ở cuộc sống ông từng chứng kiến đều trở thành thơ. Có thể đó là một bóng cây, một buổi sáng, một cánh chim trời, tiếng vạc..., thậm chí là một cái thước, từ thị cảm trở thành xúc cảm thơ. Hay nói cách khác, cuộc sống khúc xạ qua tâm hồn ông mà thành thơ. Tất nhiên điều này chỉ có thể xảy ra với một người luôn ưu tư, suy tư, tâm hồn nhạy cảm như Đinh Ngọc Diệp. Bài thơ “Cái thước” là một ví dụ. Qua hình ảnh “cái thước” (vật thể), trở thành thi ảnh để ông nói đến những vấn đề của vũ trụ, giàu chiêm nghiệm.
“Mỗi sợi nắng/ Dài từ trái đất đến mặt trời/ Khoảng cách một trăm bốn mươi chín phẩy sáu nghìn triệu mét/ (Phép đo có cộng/trừ, tùy mặt trời lúc tỉnh lúc say...)/ Cái thước không tin nổi số đo này”. “Cái thước” ở đây là tu từ ngoa dụ để nói về khoa học, về con người. Trước cái bao la của vũ trụ, bí hiểm của hư không: “Thước lim dim ngồi tựa bóng râm/ Mang chú kiến ngủ ngày”.
“Thơ ở đâu ra” cũng là tên phần IV, gồm 9 bài. Đọc những bài này, độc giả sẽ thấy, sẽ biết quan niệm của Đinh Ngọc Diệp về hữu hạn và vô thường, về lao động vật chất và lao động tinh thần (trong đó có sáng tạo văn chương). Anh viết: “Những chữ sẽ không tan trong hộp tro hay nắm đất lụi”, đó là chữ bầu lên nhà văn và khi một nhà văn/ nhà thơ nằm xuống, núi đồi văn chương của anh ta (nếu có) mới trồi lên (ý của nhà thơ Nguyễn Bình Phương).
Thơ Đinh Ngọc Diệp chủ yếu là thơ tự do, hoàn toàn không theo mô tuýp, vần điệu, do vậy mà thành khó đọc, khó nhớ. Đinh Ngọc Diệp biết lấy hiện thực cuộc sống làm cảm xúc và thành công trong việc làm cho hiện thực trở thành hình tượng, biểu tượng thơ ám ảnh.
Đinh Ngọc Diệp luôn biết làm “lạ” những chi tiết đời thường trong những ngữ cảm cụ thể. Thơ anh ram ráp hiện thực, dẫu đã được đẩy về phía nhòe mờ, được làm nhòe mờ đi; luôn khắc khoải về thân phận con người.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nha-tho-dinh-ngoc-diep-cu-ngo-minh-dung-dung-38314.htm