Nhà thơ Đỗ Xuân Đồng: 'Ta lột hồn ta để được làm người'

Hôm trước nhà văn Trần Trung sáng báo tin Đỗ Xuân Đồng đã yếu lắm rồi. Định thần hôm nào cùng rủ luật sư Nguyễn Trung Kiên đến thăm anh. Thế mà anh đã ra đi ' khi xuân chưa kịp về' (lời thơ của Đỗ Xuân Đồng - ĐXĐ).

Nhà thơ Đỗ Xuân Đồng

Nhà thơ Đỗ Xuân Đồng

Tôi biết và quen với anh Đỗ Xuân Đồng khá sớm. Sau này, khi tôi chuyển về công tác ở Thời báo Ngân hàng thì anh em lại càng cơ hội gặp nhau nhiều hơn, khi anh đang đảm nhiệm chức vụ Phó văn phòng đại diện tại Đà Nẵng của VietinBank.

Sinh năm 1952 ở Tam Kỳ, Quảng Nam, Đỗ Xuân Đồng tham gia kháng chiến từ rất sớm (1965), là “học sinh miền Nam” cũng thuộc loại sớm (1969), du học Ba Lan (1974-1982) ngành kiến trúc nhưng khi về nước anh lại chọn trái nghề khi về công tác ở ngành Ngân hàng từ năm 1983 cho đến khi nghỉ hưu. Cứ ngỡ với một lần trái nghề đó đã đủ, không dè anh lại làm một “phi vụ” trái nghề khác khá bất ngờ khi xuất bản thơ.

Một nhà thơ từng giới thiệu về Đỗ Xuân Đồng khi anh cho ra đời tác phẩm đầu tay năm 1996: Anh không phải là cây bút chuyên nghiệp. Thơ anh là phần anh không thể nói bằng lời. Anh gửi vào thơ những gì rất riêng của mình về tình yêu quê hương, đôi lứa, hạnh phúc, khổ đau... và tất cả những điều đó cứ như giọt nắng tròn mà anh có lần muốn hóa thân: "Tôi muốn làm giọt nắng. Khi xuân chưa kịp về. Rơi vào trong im lặng. Ngọt ngào tình yêu quê" (Giọt nắng - NXB Đà Nẵng - 1996).

Tập thơ đầu tay “Giọt nắng” được anh chọn lọc từ các bài thơ sáng tác trong những năm du học tại Ba Lan cho đến năm 1996. “Cái duyên” đến với thơ của anh như một định mệnh. Bạn bè biết anh có làm thơ đã giới thiệu với các nhà thơ Đông Trình, Thanh Quế. Thế là “Giọt nắng” ra đời.

Cứ ngỡ chỉ trót một lần mạo muội, mượn nàng thơ để gửi những gì rất riêng của mình, không dè một năm sau anh lại tiếp tục cho ra đời tập thơ thứ hai: “Lời của sóng” (NXB Đà Nẵng - 1997). Tập thơ đã được bạn đọc và các nhà thơ đàn anh đón nhận một cách trân trọng. Nhà thơ Thanh Thảo khi đọc đến mấy câu thơ: "Nắng cát trắng bốn mùa bỏng rát/ Tôi bước đi như trong kịch câm/ Cơn gió hằn nghìn nếp nhăn lên vầng trán cát/ Như nếp nghĩ cha ông nghìn năm gởi vào im lặng" (Nổng cát) đã phải thốt lên: “Chỉ mấy câu thơ mà cả cuộc đời truân chuyên, cả ý chí phi thường của nhà thơ Đồng hiện trên bãi cát - cuộc đời. Nổng cát của Đỗ Xuân Đồng ngoài cái bề rộng mênh mang cuộc đời, còn có bề sâu của thời gian lịch sử”.

Hai năm sau Đỗ Xuân Đồng trình làng tập thơ dành cho thiếu nhi “Bập bẹ” (NXB Đà Nẵng - 1999). Không đơn giản chỉ là những vầng thơ “bập bẹ” dành cho thế giới tuổi thơ, mà ở anh, nói như nhà văn Đà Linh: Anh đã phải trăn trở, suy tư rất nhiều để có những câu thơ giản dị và ngân vang, phải lăn lộn qua những tháng năm khắc nghiệt để cất lên những lời “bập bẹ” hồn nhiên.

Nhưng có lẽ đến khi Đỗ Xuân Đồng cho ra đời Trường ca “Mầm đất” (Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Đà Nẵng - 2006) anh đã để lại dấu ấn của một người trong nghề hơn là một người thích trái nghề. Trường ca đã làm cho người đọc phải giật mình khi đọc những câu thơ: “Ta tĩnh tâm nhìn được thua, phải trái. Ru giấc ngủ trẻ thơ nâng bước những nhân tài” (Mầm đất).

Lấy cảm hứng từ những con người ở quê mình, Đỗ Xuân Đồng đã viết về số phận và sức sống, sự kiên trì bất tận của con người. “Cây dừng thiêng được xem như là biểu tượng khí phách, là sức sống mãnh liệt của dân làng, cần phải giữ gìn và truyền lại cho con cháu muôn đời sau” (Cây dừng thiêng).

Đỗ Xuân Đồng từng tâm sự: “Thật tình trong suy nghĩ, tôi còn “nợ” nhiều với quê hương nên luôn tâm niệm phải cố gắng viết một cái gì đó dài hơi một chút, may ra giải tỏa được phần nào nỗi canh cánh bên lòng, không dám mơ đoạt giải. Trường ca “Cát trở dạ” hay tiểu thuyết “Cây dừng thiêng” cũng nằm trong mạch suy nghĩ này. Và trên hết đối với mỗi “con chữ” của Đỗ Xuân Đồng dẫu đó là văn, là thơ hay là những ca từ, anh đều hướng đến Tâm - Thánh - Thiện của mỗi con người. "Cây lột vỏ để cây được lớn. Ta lột hồn ta để được làm người" (Cây dừng thiêng- ĐXĐ).

Biết rằng trong cõi nhân sinh này, cái quy luật khắc nghiệt “ Sinh, lão, bệnh, tử” kia rồi ai cũng đến với “bến đợi” của mình. Nhưng sao vẫn thấy nghèn nghẹn. Vĩnh biệt anh, một người anh, một người bạn, một cộng tác viên thân thiết của Thời báo Ngân hàng.

Đỗ Hùng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nha-tho-do-xuan-dong-ta-lot-hon-ta-de-duoc-lam-nguoi-89515.html