Nhà thơ Du Tử Lê và tình yêu Pleiku

Lần về Việt Nam cách đây mấy tháng, nhà thơ Du Tử Lê đã phải hủy bỏ kế hoạnh lên Pleiku để trở về Mỹ ngay vì lý do sức khỏe. Điều ấy như một lời cảnh báo rằng anh đã yếu đi nhiều. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy hết sức đột ngột về sự ra đi của một người con Pleiku (anh thường tự hào nhận mình là thế).

Thông tin từ chị Hạnh Tuyền, vợ anh: Anh ra đi khoảng 8 giờ tối thứ hai, ngày 7-10-2019 tại nhà riêng, nhẹ nhàng, thanh thản ở tuổi 77.

Từng có gần 10 năm sống và làm việc ở Pleiku cộng thêm mối tình đầy lãng mạn với cô giáo trường Bán công Phạm Hồng Thái (chị Hạnh Tuyền), nơi chốn này trở thành dấu ấn không phai trong cả đời anh. Từ Mỹ, năm 2014, lần đầu tiên anh về quê hương sau gần 40 năm xa xứ và chính thức giao lưu với người yêu thơ Việt qua sự kiện ra mắt tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn” tại Hà Nội. Năm sau, anh thực hiện một cuộc giao lưu tương tự với độc giả Phố núi bằng tất cả tình cảm sâu đậm. Gặp gỡ rất nhiều nhân vật hoạt động văn học nghệ thuật cùng người hâm mộ, anh đã gần như không quên ai trong bút ký của mình, trau chuốt giới thiệu những khuôn mặt thơ văn của Pleiku trong từng bài viết.

Nhà thơ Du Tử Lê trong chương trình giao lưu với độc giả Phố núi tháng 11-2015. Ảnh: Đào Phúc Quang Vũ

Nhà thơ Du Tử Lê trong chương trình giao lưu với độc giả Phố núi tháng 11-2015. Ảnh: Đào Phúc Quang Vũ

Có trò chuyện trực tiếp với anh mới thấy được tất cả tình cảm mà Du Tử Lê dành cho đất và người Pleiku. Gần như mỗi lần về Việt Nam, anh không thể không “lên trên ấy” (Pleiku-N.V). Du Tử Lê đã thổ lộ như thế này trong lần trở về sau một thời gian rất dài chỉ biết nhớ thương: “Khi máy bay sắp hạ cánh, tâm trạng của tôi hết sức bồi hồi, tâm trạng của một đứa con đi xa được trở về mái nhà xưa của mình. Nhìn qua cửa số máy bay, tôi thấy Pleiku ngày nay thay đổi rất nhiều, hầu như không còn gì dấu tích của ngày xưa. Tôi hơi ngỡ ngàng một tí nhưng không hề hụt hẫng vì hiểu rằng cuộc sống luôn phát triển. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được một vài dấu ấn của Pleiku xưa: không khí se lạnh của buổi sáng sớm, sương mù lãng đãng của buổi tối, vị cà phê thơm phức đặc trưng mà tôi vẫn mang theo trong trí nhớ của mình suốt 40 năm qua”.

Có lần cùng tôi đi thăm thú vài nơi, anh hỏi nhiều về dã quỳ dọc theo con đường cạnh sân bay. Anh bảo, ngày xưa hai bên đường này mọc dày loài hoa ấy. “Dã quỳ là một phần không thể thiếu của Pleiku, nhưng có lẽ cần phải nhường chỗ cho sự phồn thịnh...”. Thế đấy, với Du Tử Lê, cái nuối tiếc không bao giờ đi kèm với cực đoan dù rằng anh cũng quay quắt lắm khi thấy dã quỳ Pleiku ngày càng thưa thớt. “...Và những bông hoa quỳ/Rét vàng vai cỏ héo/Không còn dấu vết nào/Cho ta tìm ta nữa...”-anh đã viết vậy trong bài thơ “Pleiku và hoa quỳ”.

Xin trích thêm một đoạn trong bút ký “Pleiku-phần sót lại” năm 2018: “Tôi không biết điều gì đã dắt tay tôi trở lại Pleiku? Có phải bởi màu vàng rực rỡ của dã quỳ? Thành phố này là nơi tôi không được sinh ra và cũng không phải là nơi tôi đã trải qua phần lớn tuổi trưởng thành của mình. Nhưng đó lại là thành phố gìn giữ cho tôi nhiều kỷ niệm nhất”. Để rồi “Pleiku vẫn cho tôi những dải lụa sương mù, hương xưa trên cỏ cây. Pleiku vẫn cho tôi tình thân thơm thảo, chắt từ những trái tim bằng hữu, mừng rỡ gặp nhau giữa đời...”.

Sẽ khá thừa khi nói đến sự nghiệp văn chương của Du Tử Lê, nhưng có lẽ cũng cần nhắc lại một chút ở đây. Du Tử Lê là một trong những tên tuổi nổi tiếng trong thi ca miền Nam trước năm 1975. Anh sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng đã trở nên quen thuộc với độc giả như: Khúc thụy du, Khúc tháng hai, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Khúc tháng chín, Một bài thơ nhỏ... Trong suốt những thập niên 1980-1990, thơ Du Tử Lê xuất hiện trên các tờ báo nổi tiếng như Los Angeles Times và New York Times. Nhiều bài thơ được dịch trong tuyển tập Understanding Vietnam (sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại châu Âu). Du Tử Lê cũng là một trong 6 nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX có thơ được dịch trong tuyển tập World Poetry-An Anthology of Verse from Antiquity to Our Times (W.W.Norton New York, 1998). Nhiều bài thơ của anh đã được phổ nhạc và đi vào lòng người yêu nhạc bao thế hệ như: Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (nhạc sĩ Phạm Đình Chương), Khúc thụy du (nhạc sĩ Anh Bằng), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau (nhạc sĩ Phạm Duy), Trên ngọn tình sầu (nhạc sĩ Vũ Thành An)…

Quả là một niềm tự hào của văn chương Việt đương đại.

NGUYỄN SƠN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8213/201910/nha-tho-du-tu-le-va-tinh-yeu-pleiku-5653122/