Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ 'Gửi em ở cuối sông Hồng' trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên bài thơ này.

Đứng trên dải đất biên cương bình yên hôm nay, xa xăm trong ánh nhìn của nhà thơ Dương Soái - tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” chất chứa biết bao cảm xúc.

Năm 1979, khi đó nhà thơ Dương Soái là phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn. Giữa cuộc chiến khốc liệt, người phóng viên mang tâm hồn thi sĩ được giao nhiệm vụ tiếp cận mặt trận thực hiện việc đưa tin về tòa soạn. Ông cùng các đồng nghiệp có mặt tại thị xã Lào Cai, huyện Bảo Thắng, Mường Khương và Bát Xát. Vừa trực tiếp tác nghiệp, chụp ảnh, lấy tin vừa viết bài để gửi về tòa soạn kịp số báo mới nhất.

Nhà thơ Dương Soái kể, trong lúc bom rơi, đạn nổ ông được gặp các chiến sĩ. Từ một phóng viên ông bỗng trở thành người vận chuyển những cánh thư từ miền biên cương xa xôi gửi về xuôi. Có bức thư ghi địa chỉ, dán tem cẩn thận, nhưng cũng có những lá thư viết vội chưa kịp dán tem, chưa có phong bì... cũng đều nhờ ông gửi về cho gia đình họ.

Những bức thư ấy có địa chỉ người nhận ở Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thái Bình, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Hà Nội… khiến ông ngạc nhiên vì hầu hết đều nằm dọc sông Hồng. Từ suy nghĩ dòng sông, đầu sông, cuối sông... nhà thơ Dương Soái nhìn màu nước sông Hồng, nhớ lời các chiến sĩ và viết rất nhanh bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”.

Một năm sau - năm 1980, những lời thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhà thơ Dương Soái đã được đồng điệu trong tiếng nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến để trở thành một bài ca đi cùng năm tháng trong dòng chảy của âm nhạc Việt Nam suốt những thập niên qua…

Cũng theo nhà thơ Dương Soái, lúc đầu nhạc sĩ Thuận Yến viết “Gửi em ở cuối sông Hồng” dành cho đơn ca theo bài thơ gốc. Nhưng Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Hương, vợ cố nhạc sĩ Thuận Yến đã góp ý với chồng phải viết song ca cho ca sĩ có “đất” để giao lưu. Vậy là Thuận Yến đã chuyển “Gửi em ở cuối sông Hồng” thành bài song ca.

Từ đó, bài hát nhanh chóng trở thành ca khúc song ca được yêu thích, vang lên trên làn sóng phát thanh qua giọng hát của cặp song ca Thanh Hoa - Tiến Thành; vang lên trên mọi sân khấu từ chuyên nghiệp tới không chuyên.

“Nhờ âm nhạc mà thơ tôi đi được xa hơn” - nhà thơ Dương Soái chia sẻ.

Tháng 9/2024, nhà thơ Dương Soái trở lại Lũng Pô sau 45 năm. Chứng kiến biết bao đổi thay của vùng biên giới năm xưa, thấy sự trù phú trên những thửa ruộng bậc thang và tuyến đường băng băng lên đầu nguồn con nước… cảm xúc của nhà thơ càng dâng lên khi được nghe ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng” do các chiến sĩ của Đồn Biên phòng A Mú Sung trình diễn.

Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung chia sẻ: Những chiến sĩ nhiều năm gắn bó với mảnh đất biên cương rưng rưng khi gặp tác giả Dương Soái: Từ ngày đặt chân lên đồn A Mú Sung, chúng cháu đã hát ca khúc này trong mọi hoạt động tập thể của đơn vị, cũng như lúc nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con…

Trong nắng nhẹ của mùa thu biên cương, đôi mắt nhà thơ Dương Soái trào dâng cảm xúc khi nghe tiếng lòng của chiến sĩ nơi biên cương, ông khẽ nói: Tôi thấy những tin yêu, những cảm xúc đồng điệu của các chiến sĩ dành cho ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng”…

Năm 1999 - sau 20 năm khi “Gửi em ở cuối sông Hồng” ra đời, ca khúc đã được Bộ Tư lệnh Biên phòng trao giải thưởng Bài hát được các chiến sĩ bộ đội biên phòng bình chọn là hay nhất. Có thể các chiến sĩ thế hệ trẻ sau này không có được cảm giác khi nhận lá thư tay, nhưng những tình cảm, tình yêu bình dị, trong sáng như thế vẫn mãi hiện diện đâu đó trong cuộc sống... Vì thế, “Gửi em ở cuối sông Hồng” vẫn sẽ sống mãi trong kho tàng thơ ca và âm nhạc Việt Nam.

Lệ Quyên

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nha-tho-duong-soai-va-cau-chuyen-noi-nga-ba-song-post392450.html