Nhà thơ Giang Nam đã hòa cùng mùa xuân quê hương
Thông tin tác giả bài thơ Quê hương ra đi vào sáng mùng hai Tết Quý Mão đã để lại niềm tiếc thương trong giới văn học và công chúng yêu thơ nước nhà. Bởi từ lâu, cái tên Giang Nam luôn gắn với bài thơ Quê hương nổi tiếng làm xúc động hàng triệu con tim: 'Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ'... Bài thơ này đã đưa Giang Nam lên đỉnh cao của nền thơ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ cùng với Thanh Hải, Thu Bồn… Giang Nam đã sống trọn vẹn 95 mùa xuân với những gian nan thác ghềnh nhưng cuối cùng nhà thơ cũng cập bến bờ hạnh phúc. Rồi mùa xuân thứ 95 này, nhà thơ đã ở lại mãi mãi với đất mẹ quê hương.
Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1928. Ông lớn lên bên dòng sông Dinh êm đềm xanh biếc rặng tre đôi bờ thuộc thị xã Ninh Hòa. Miền đất êm đềm, thanh bình đó tạo cho Giang Nam tính cách rất hiền lành, nhân hậu, chừng mực. Thấy con trai có khả năng học nên cha ông đã gửi ông ra Quy Nhơn học ở Trường Quốc học. Nơi đây vốn được mệnh danh “đất võ trời văn”, đã khơi gợi niềm yêu thích văn chương của chàng thanh niên đất Khánh Hòa. Bởi cùng thời điểm đó, ở Trường Quốc học Quy Nhơn có những đàn anh là nhà thơ nổi tiếng như: Xuân Diệu, Yến Lan, Chế Lan Viên… Bút danh Giang Nam là do yêu mến thơ Hồ Zếnh, Nguyễn Sung đã chọn từ ý Khúc Linh Cầu của nhà thơ gốc Trung Hoa: “Tô Châu lớp lớp phủ kiều/Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam”.
Nhà thơ Giang Nam tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu chống Pháp. Sau đó, suốt thời kỳ chống Mỹ, ông ở lại chiến trường miền Nam tham gia hoạt động văn nghệ, làm tới chức Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu… Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông xin ở lại Sài Gòn để làm việc. Sau đó, ông được điều động ra Hà Nội đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như: Thường trực Hội Nhà văn, Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ. Những năm tháng sau đó, ông về quê hương đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh, rồi Khánh Hòa; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ông cùng các nhà thơ Thanh Hải, Thu Bồn… được coi là những lá cờ đầu của thơ ca thời kháng chiến chống Mỹ. Trong một lần gặp gỡ văn nghệ sĩ miền Nam, Bác Hồ đã nói như lời hỏi thăm người con miền Nam yêu dấu: “Thơ của Giang Nam rất có tình!”. Bác rất mong muốn gặp ông, nhưng tiếc thay ông chưa có dịp gặp Bác.
Bài thơ Quê hương là điển hình cho sự nghiệp sáng tác của Giang Nam. Tuy xuất phát từ cảm xúc cá nhân khi nghe tin vợ và con gái bị giặc giết hại ở nhà tù Phú Lợi, Sông Bé (sau này được tin họ vẫn còn sống), nhưng khi thể hiện ông lại rất sáng tạo, có chất bay bổng mang tính khái quát về hình ảnh miền Nam thời chiến tranh. Ông kể nhiều lần về đêm thức trắng viết trọn bài thơ Quê hương ở núi rừng chiến khu Hòn Dù để khóc thương vợ con. Từ nơi làm việc, ông hay nhìn về phía biển Cửa Bé, Nha Trang - quê hương người vợ yêu dấu của mình, cũng là nhân vật “cô du kích nhà bên” đã thành biểu tượng văn học bất hủ. Có lẽ, so với hai bài thơ khác có cùng chủ đề về người phụ nữ mất và hy sinh trong thơ ca kháng chiến chống Pháp là Màu tím hoa sim của Hữu Loan và Núi đôi của Vũ Cao thì Quê hương đời hơn, mãnh liệt hơn nhiều:“Giặc bắn em rồi, quăng mất xác/Chỉ vì em là du kích em ơi!”, hay “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi”...
Giờ đây, giữa những ngày xuân ngát hương hoa lá, nhà thơ về với mảnh đất chiến khu Đồng Bò năm xưa, nơi ông làm nên bài thơ Quê hương nổi tiếng và thanh thản yên nghỉ giữa lòng đất mẹ yêu thương.
Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Hơn 90 năm sống trên thế gian này, nhà thơ Giang Nam đã đi hết con đường mà ông đã chọn và cần phải đi. Đấy là con đường của một người chân chính, con đường của một chiến sĩ đấu tranh cho độc lập và tự do của Tổ quốc và con đường của một nhà thơ. Nhìn lại toàn bộ cuộc đời của ông, chúng ta nhận thấy rằng: mỗi ngày sống của ông là một bài thơ lớn và mỗi bài thơ ông viết ra đều mang hơi thở một đời sống lớn của dân tộc. Ông là một ví dụ được viết hoa cho lẽ sống của một con người. Con người mang tên Giang Nam ấy đã dâng hiến không biết mệt mỏi cho những điều tốt đẹp nhất của dân tộc. Ông là một ví dụ viết hoa cho sứ mệnh của một nhà thơ”.
Dương Trang Hương