Nhà thơ Hải Như - Những vần thơ cánh phượng

Bên cạnh mảng đề tài về Bác Hồ, nhà thơ Hải Như còn viết nhiều về quê hương.

Khoảng giữa năm 2008, một buổi chiều, lễ tân của Báo SGGP gọi cho tôi, bảo rằng có một vị khách tìm. Từ tầng 3 tòa nhà cũ tại số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, tôi vội bỏ đống bài vở chạy xuống. Tại phòng khách, một người đàn ông luống tuổi, trang phục giản dị, mặt hóp, da nhăn, mái tóc hoa râm, vài sợi phủ trán, đang đợi. Người khách tự giới thiệu là Hải Như.

 Tọa đàm Nhà thơ Hải Như - Một thế kỷ suy tư do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức. Ảnh: HỒ SƠN

Tọa đàm Nhà thơ Hải Như - Một thế kỷ suy tư do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức. Ảnh: HỒ SƠN

Tôi đỡ nhà thơ nổi tiếng ngồi xuống ghế. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi thật gần gũi, ấm áp, khi tôi nói với nhà thơ Hải Như rằng cha tôi là người Nam Định, mẹ tôi là người Hải Phòng, đặc biệt, tôi có quen con trai ông và đã đọc thơ Hải Như từ lâu, từ đó tôi đã ngưỡng mộ nhân cách và bút pháp của nhà thơ. Với tư cách người hàng ngày đọc báo SGGP, nhà thơ Hải Như mạnh dạn góp ý về nội dung và hình thức của tờ báo, đặc biệt là trang Văn hóa văn nghệ chủ nhật. Tôi chăm chú lắng nghe. Tôi nhớ mãi, ông kiến nghị cần cải tiến trang văn nghệ, nên chăng phát động cuộc thi thơ, truyện ngắn về thành phố mang tên Bác. Là nhà thơ sở hữu các tác phẩm “đi cùng năm tháng”, ông góp ý thơ đăng Báo SGGP phải chân thực, dễ đi vào lòng người, gần gũi, ai cũng có thể thưởng thức được, nhất là người lao động.

Trước khi ra về, nhà thơ Hải Như trao cho tôi bài thơ mới viết về Bác Hồ và bến cảng Nhà Rồng. Giọng khiêm nhường, có phần rụt rè: “Anh đọc và cho ý kiến nhé”. Tuyệt nhiên không có lời nào gửi gắm để cho đăng bài thơ này trên báo SGGP. Một cử chỉ chạm tới trái tim người cầm bút. Tiễn nhà thơ Hải Như ra về, nhìn cái dáng liêu xiêu của ông trên hè phố, lòng tôi nặng trĩu. Quả thực, đất nước ta đã có một thế hệ văn nghệ sĩ như thế. Họ ra đi làm cách mạng chỉ với một mục đích được phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Có lẽ như thế, Hải Như là một trong những nhà thơ hàng đầu đất nước viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ trái tim mẫn cảm, Hải Như không thần thánh hóa lãnh tụ. Cứ để Bác xuất hiện trong tác phẩm văn chương, nghệ thuật như chính cuộc đời mộc mạc, giản dị, chân quê của Người: Bác Hồ đi dép lốp cao su/ Đâu chỉ vì giản dị/ Mà vì lẽ cao hơn./ Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm/ Khi trái đất này còn những trẻ em/ Chưa có đủ giày đi/ Người không sao sống khác (Đâu chỉ vì giản dị).

Bên cạnh mảng đề tài về Bác Hồ, nhà thơ Hải Như còn viết nhiều về quê hương. Ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ do nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ từ bài thơ cùng tên của Hải Như đã trở thành ca khúc biểu tượng của thành phố cảng Hải Phòng. Trên 100 ca khúc đã phổ, hoặc phỏng thơ Hải Như cũng như hàng ngàn bài thơ in sách, đăng báo, phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình trung ương và các địa phương là tài sản vô giá mà không phải người sáng tác thi ca nào cũng có được. Những vần thơ của nhà thơ Hải Như như cánh phượng rực cháy, còn mãi với thời gian.

TRẦN THẾ TUYỂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nha-tho-hai-nhu-nhung-van-tho-canh-phuong-post719279.html