Nhà thơ Lữ Mai: 'Làm báo, viết văn không làm tổn hại chúng ta nếu có đạo đức'

'Tôi chưa từng nghĩ có một nghề nghiệp nào làm tổn hại chúng ta nếu có đạo đức, cống hiến một cách chân thành, tận tụy và giàu khát vọng', nhà thơ - nhà báo Lữ Mai chia sẻ.

Lời tòa soạn

Nhiều người làm báo chọn viết sách như trải nghiệm mới để thử thách bản thân hay tham gia một “trò chơi” của ngôn từ, thông tin, các dữ liệu, sự kiện thu thập được dọc đường tác nghiệp và cả những nhân vật thú vị mà họ có cơ hội gặp gỡ. Không thể phủ nhận những cuốn sách từ các nhà báo chuyên nghiệp góp phần làm đa dạng hóa thị trường sách Việt Nam, mang đến cho độc giả nhiều trang viết mang đậm hơi thở cuộc sống, bút lực dồi dào, thể loại phong phú và những thông điệp được hệ thống bài bản. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu một số nhà báo đã ghi dấu ấn với các cuốn sách của mình.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai hiện công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân Dân. Chị đã xuất bản 15 tác phẩm đa dạng về thể loại như thơ, truyện ngắn, tản văn… trong đó nổi bật là ba trường ca: Ngang qua bình minh (NXB Văn học, 2020) đề tài chủ quyền biển đảo; Chư Tan Kra mây trắng (NXB Hội Nhà văn, 2021) đề tài chiến tranh cách mạng; Hồi sinh (NXB Hội Nhà văn, 2022) đề tài về đại dịch Covid-19. Chị đã giành nhiều giải thưởng lớn.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai đã chia sẻ với PV VietNamNet về hành trình cầm bút của mình.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai

- Hiện nay, nhà báo viết văn và nhà văn viết báo rất nhiều. Đã có không ít người nghĩ rằng nhà văn thì viết báo dễ như chơi, quan điểm của chị như thế nào?

Tôi nghĩ rằng mỗi công việc để làm nghiêm túc, tạo nên giá trị đều không hề dễ dàng với bất cứ ai. Và có lẽ, những người chuyên tâm, chuyên nghiệp cũng không bao giờ nghĩ về công việc của mình hay của người khác là "dễ như chơi".

- Viết báo có hữu ích gì với một nhà văn, nhà thơ và ngược lại?

Làm báo là công việc giúp chúng ta có trải nghiệm theo nhiều cách thức, cung bậc. Đó cũng chính là một trong những nền tảng quan trọng với văn chương. Trải nghiệm rất cần thiết, là thứ không thể ngồi một chỗ để mua được. Bên cạnh trải nghiệm theo nghĩa đen, tức là những cuộc dịch chuyển thì trải nghiệm về cảm xúc, cảm quan, sự đa diện trong báo chí cũng giúp người viết văn có cái nhìn nhạy bén hơn.

Những chuyến công tác của người làm báo giúp Lữ Mai có những trang văn, thơ sâu sắc hơn.

Những chuyến công tác của người làm báo giúp Lữ Mai có những trang văn, thơ sâu sắc hơn.

- Trải nghiệm từ làm báo được chị đưa vào tác phẩm văn chương như thế nào?

Tôi thường nói vui, làm báo, "lãi" nhiều nhất là những chuyến đi. Tất nhiên, nhà văn hoàn toàn có thể đi, nhưng vai trò báo chí rõ ràng mang đến những thuận lợi, sự kết hợp hiệu quả.

Năm 2019, tôi có chuyến công tác đến với quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Có thể nói, đây là chuyến đi quan trọng, thay đổi nhiều cảm quan, cảm xúc của tôi về nghề cầm bút nói chung.

Có rất nhiều kỷ niệm cho đến bây giờ vẫn khiến tôi rưng rưng. Đó là khoảnh khắc tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh; viếng các liệt sĩ đã nằm lại vĩnh viễn trên đảo; những đêm thức trắng cùng thủy thủ đoàn câu cá và một người lính nào đó bất chợt nói: "Trăng sáng sẽ nhiều cá, nhưng trăng sáng quá thì không, cá như bơi về cõi khác mất rồi...". Với tôi, đó là khoảnh khắc của văn chương, và nhất định phải là văn chương.

Sau chuyến đi, tôi đã xuất bản 3 tập sách về Trường Sa, gồm tản văn, ghi chép Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi, trường ca Ngang qua bình minh; cũng như loạt bài trong đó có chùm 3 tác phẩm báo chí đoạt giải Nhất cuộc thi Cùng giữ màu xanh của biển do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Giữ cho mình một đời sống phong phú về mọi mặt sau những chuyến đi, như một cách kéo dài giá trị của sự dịch chuyển luôn là mục đích của tôi. Cùng với các hoạt động nghề nghiệp, tôi cũng ưu tiên tới việc tuyên truyền, hành động thiết thực. Vì thế, tôi đã tham gia nhiều triển lãm miễn phí về Trường Sa, gây quỹ ủng hộ hậu phương người lính, tặng quà cho bộ đội...

- Đối với nhà văn, sứ mệnh của họ phải là cho ra đời các tác phẩm văn học nghệ thuật thật hay, còn sứ mệnh của các nhà báo có những tác phẩm báo chí thực sự giá trị, tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến cuộc sống con người và toàn xã hội. Làm báo và viết văn, đâu là thế mạnh của chị?

Tôi nghĩ cả hai sứ mệnh này đều là một, cần phục vụ đời sống, nhân dân và tạo ra các giá trị thiết thực theo một cách nào đó. Tôi chưa bao giờ nghĩ đâu là thế mạnh mà hay nghĩ về điểm yếu, điểm chưa tốt để từ đó có thêm sự cân nhắc, thận trọng khi làm nghề. Tùy thời điểm và năng lực bản thân, với cùng một đề tài, tôi có thể lựa chọn thể loại phù hợp. Đôi khi, tôi cũng lựa chọn sai và cần điều chỉnh.

- Nhiều người lo sợ rằng viết báo nhiều thì hỏng mất hồn thơ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng chia sẻ bản thân cũng là một nhà thơ, nhà báo nhưng ông cho rằng vẫn chỉ nên tập trung vào viết văn, làm thơ. Nghề báo không làm hư hỏng người nghệ sĩ về mặt đạo đức nhưng nó tổn hại rất lớn đến công việc sáng tác, quan điểm của chị như thế nào?

Trong đời sống và nghề nghiệp, tôi thường nghĩ đến ý nghĩa của sự bổ trợ nhiều hơn là lấn át, triệt tiêu. Tất nhiên, nếu chuyên tâm vào một việc cụ thể, bền bỉ với nó thì hết sức tuyệt vời. Nhưng dường như không quá nhiều người làm tốt điều này. Bản thân chúng ta, cho dù mỗi người làm một công việc thì vẫn phải đảm đương, chịu chi phối bởi nhiều vai trò khác trong cuộc sống mà!

Vậy điều quan trọng là quan điểm, ý chí của mỗi người. Với cùng một bản chất, quan điểm, ý chí sẽ quyết định sự khác biệt về hành động, giá trị. Với tôi, văn và báo là những công việc thực sự hữu ích, tôi mang ơn nghề nghiệp và luôn tìm ra những điều có thể kết hợp để tạo nên giá trị.

Nếu không có những chuyến tác nghiệp nghề báo thì nhiều tác phẩm văn chương của tôi không ra đời. Nhưng nếu tôi không phải là nhà văn thì đi nhiều mấy cũng khó có tác phẩm. Tôi chưa từng nghĩ có một nghề nghiệp nào làm tổn hại chúng ta nếu có đạo đức, cống hiến một cách chân thành, tận tụy và giàu khát vọng. Nếu có tổn thương, thất bại thì đó cũng sẽ là bài học quý để bạn tiếp tục đứng dậy và bước đi.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai từng giành Giải thưởng Văn học đề tài Biên giới, hải đảo giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam cho trường ca Ngang qua bình minh; Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân cho bộ sách Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi; Giải thưởng của Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam cho tác phẩm Nơi đầu sóng; Giải Khát vọng Dế Mèn - Giải thưởng Văn học thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5, năm 2024...

Ảnh: NVCC

Bài 3: Ông Lê Minh Quốc: Một bộ phận nhà báo hiện nay không nắm vững tiếng Việt

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-tho-lu-mai-lam-bao-viet-van-khong-lam-ton-hai-chung-ta-neu-co-dao-duc-2289187.html