Tâm tình trong chén trà sen nức tiếng quận Tây Hồ
Cứ mỗi độ tháng Sáu, tháng Bảy, khi tiết trời vào độ oi nực nhất, người Hà Nội lại nao lòng nhớ một thức uống giải nhiệt mát dịu, thanh nhã, với hương vị đậm đà như kết tinh từ nắng hạ. Đó là trà ướp trong búp sen hồng bách diệp - đặc sản nức tiếng gần xa của người dân quận Tây Hồ, Hà Nội.
Trà sen - một “nghệ thuật” cầu kỳ
Dạo chơi các đầm nước hứng nắng rực rỡ của hồ Tây, thấy mát rượi lá sen xòe mướt chen búp sen non mới e ấp nhú. Còn sen lớn, sen hồng thì phải nheo mắt, nhìn kỹ, mới thấy vài dáng lấp ló giữa bạt ngàn màu xanh. Đó là bởi phần lớn những búp đủ ngày, đủ “chín”, người làm trà sen đã tranh thủ hái ngay từ 4 giờ sáng.
Bông sen làm trà phải chúm chím, “ngậm hương” - chỉ nở hé một chút để đón nắng cho cánh thắm sắc hồng và tỏa hương nồng đượm, và để phong vị đất trời vào trong bầu hoa khum khum ôm ấp lấy nhụy. Phải hái sớm khi trời mát, sen chưa kịp nở. Bông nào nở xòe hết thì hương thơm bị giảm. Đặc biệt, thời tiết ảnh hưởng nhiều đến bông hoa sen.Trời nắng nhiều, sen thơm ngát ở trong, còn trời mưa thì hương nhạt. Những hôm mưa dầm, người làm trà kỹ tính bỏ không hái sen.
Cô Nguyễn Thu Hường, 67 tuổi, hiện sống tại phố Trịnh Công Sơn (Tây Hồ, Hà Nội) đã yêu và gắn bó với nghề làm trà sen lâu nay. Bao năm đến các hộ kinh doanh trà sen xin gói giúp, rồi tự gói cho gia đình mình sử dụng, cho bạn bè làm quà… khiến cô Hường thấm thía nét tinh túy của lá trà ướp bằng bông sen Tây Hồ.
“Trà sen Tây Hồ đặc biệt ở loại sen dùng để làm trà: phải là sen hồng bách diệp đủ 100 cánh, chứ không phải sen đỏ, sen quỳ chỉ có một lớp cánh ở bên ngoài. Sen bách diệp thơm hơn hẳn các loại sen khác, và là sen tự nhiên ngoài đầm, không phun thuốc, bón phân. Giống này trồng ở nơi khác thì không thơm bằng, đây cũng là điều đặc biệt làm cho trà sen hồ Tây nổi tiếng” - cô Hường cho biết.
Vừa kể chuyện, cô Hường vừa nhẹ nhàng lồng ngón tay vào giữa bông hoa, banh dần bông hoa mở hết các cánh hoa. Tay kia, cô đong một lượng trà đúng bằng chén trà con, bỏ vào chính giữa nhụy. “Tôi đặt trà ở tận Thái Nguyên, lấy trà Tân Cương - là loại trà ngon, sạch, sao bằng tay. Để làm ra một bông trà sen mất rất nhiều công sức, nên phải chọn loại trà thật ngon mới tương xứng” - cô Hường chia sẻ.
Theo cô, công đoạn bỏ trà vào sen cần chậm rãi, từ tốn, nếu vội trà sẽ lồng vào các cánh sen, không ướp được gạo sen thơm ở trong nhụy.
Bỏ được trà vào trong hoa rồi, còn phải túm gọn cánh hoa, ép chặt để tránh trà lọt ra ngoài. Đối với bông sen nhỏ, trà đầy tràn, người làm trà sẽ “vá” chỗ hở bằng cánh sen rụng. Sau đó là công đoạn gói lá sen. Lá không non quá, cũng không già quá, mà phải là loại lá “bánh tẻ" hơi héo, có độ dẻo, dai, mềm vừa phải. Một số lá bị thủng, bị táp do sương, người làm trà lót thêm những chiếc lá nhỏ hơn để che đi chỗ rách.
Búp trà sen gói lá tròn trịa, xinh xắn như nắm tay trẻ con được cố định thêm bằng lạt. Thắt lạt cũng có kỹ thuật: thắt chặt tay, gần vào bông sen. Sen chưa cắt cuống ngay mà được xếp thành bó mười bông một, cắm nước thêm 10 - 12 tiếng nữa, gọi là công đoạn “ủ hương”. Bình “ủ hương” đặt trong không gian mát mẻ, ngày nóng nực phải bật thêm cả điều hòa, để sen vẫn tươi, hút nước, trà ngấm thơm như ở giữa đầm.
“Ủ hương” xong, cắt cuống sen đi, người thợ bỏ búp trà vào túi hút chân không, để ngăn đá tủ lạnh. Ít nhất mười ngày sau trà mới ngấm, mới ra vị thanh tao, thơm ngát của “thiên cổ đệ nhất trà”. Thưởng thức hương vị ấy cũng là cả một nghệ thuật: ấm, chén đều tráng bằng nước sôi già, ấm đặt trong một tô nước sôi. Trà pha cùng gạo sen, nhị sen có vị đắng nhẹ, rất thơm, uống được 5 - 7 lần nước.
Tâm tình trong chén trà sen
Cách làm cầu kỳ, cách thưởng thức cũng tinh tế, nên trà sen không dành cho người thô lỗ, vội vàng. Gắn bó lâu với sen, tính sen, nét sen, hương sen đã thành tính người dịu dàng, thơm thảo.
Cô Nguyễn Thu Hường nghiền ngẫm tâm “cảm” trà sen:“Mỗi ngày, thường vào buổi sáng, tôi gói tầm 100 bông, gói tỉ mỉ và cẩn thận. Có những ngày gói cố 200 - 300 bông, hương sen cũng thơm vào người, từ đầu tóc, quần áo, rất thơm, rất thích. Thường gói sen cũng thể hiện tính cách. Những người dịu dàng từ tốn gói sen cũng đẹp hơn những người tính nhanh mà nóng nảy”.
Để có được chén trà thơm sâu hương sen mùa hạ, người làm phải yêu sen, đam mê sen. Nếu không yêu, không đam mê, thì khó theo được nghề, bởi tính ra tiền công rất đắt. Cô Lê Thị Thu Thủy (Mê Linh, Hà Nội) đã học nghề gói trà sen ba năm nay tâm sự: “Điều làm nên bông trà sen hồ Tây, ngoài nguyên liệu được chọn lựa rất kĩ, từ sen, từ trà, từ lá, lạt buộc, đó là tình yêu với nghề, với sen và với trà. Chính niềm đam mê, tình yêu với trà sen là quan trọng nhất. Thực ra, một bông trà sen vô giá lắm!”.
Là giáo viên, cô Thủy luôn đau đáu câu chuyện truyền lửa, truyền tình yêu sen đến các thế hệ mai sau: “Gói trà sen để gìn giữ nét đẹp truyền thống của ông bà mình, để tiếp tục lan tỏa đến các bạn trẻ. Với các môn Địa lý, Lịch sử lồng ghép nội dung quảng bá làng nghề địa phương, cô cũng giới thiệu cho học sinh thêm về các làng nghề truyền thống ngoài chương trình sách giáo khoa. Ở Hà Nội, ngoài cốm làng vòng, cô cũng đưa hình ảnh về làm trà sen cho các bạn học sinh xem, hiểu hơn về nghề làm trà sen”.
Đong đầy tâm tình của người làm trà, chén trà sen không những là đặc sản của vùng đất Tây Hồ, mà còn đại diện cho lối sống Thủ đô, nét văn hóa tinh hoa của ngàn năm văn hiến. Mở búp sen hồng, nâng niu từng lá trà thơm, là thấy cả một câu chuyện văn hóa giàu cảm xúc ùa ra, gợi nhớ, gợi thương cho bao thế hệ người Việt.
Đời sống hiện đại nhiều biến động, nhưng chỉ cần bông sen vẫn tỏa hương giữa nắng hạ gắt, vẫn nô nức vươn thẳng khỏi bùn, thì vẫn còn những tâm hồn Việt đồng điệu với sen, đau đáu bảo vệ, lưu giữ sen. Khi ấy, trà sen sẽ không mất đi chỗ đứng của mình, sẽ luôn tỏa hương thơm ngát lưu luyến không quên.