Nhà thơ Nguyễn Bình Phương: 'Thơ là một thứ gen trong người Việt'
Phó chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Bình Phương tin rằng công chúng luôn cần đến thơ, song đời sống hiện đại đang tạo ra nhiều thuận lợi lẫn thách thức cho thế hệ nhà thơ trẻ.
Sinh năm 1965 tại một làng quê ở Thái Nguyên, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương bắt đầu sự nghiệp viết từ những năm 1980 và có nhiều tác phẩm gây được tiếng vang như Những đứa trẻ chết già, Vào cõi, Người đi vắng… Ông hiện giữ vai trò Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, Tri thức - Znews có dịp trò chuyện với ông về vai trò của thơ trong cuộc sống hiện đại.
Thơ có sức sống âm thầm nhưng không giảm sút
- Ông đánh giá thế nào về mức độ quan tâm của độc giả dành cho thơ ngày nay?
- So với trước đây, tôi nghĩ thơ vẫn có một lượng độc giả khá ổn định. Có điều thời nay cảm giác lượng độc giả ít đi bởi vì có các loại hình khác trội lên, trong khi về căn bản thì thơ không phải loại hình nghệ thuật được quảng bá ầm ĩ.
Hơn nữa, bản tính của người Việt rất yêu thơ.Thơ đã trở thành một phần đời sống. Thơ tham gia vào quá trình gửi gắm khát vọng, tâm tư, tình cảm, hóa thành lời ăn, tiếng nói. Thơ tham gia cả vào quá trình dựng nước, giữ nước, kiến thiết xây dựng đất nước… thì không có lý gì mà công chúng của thơ giảm sút cả. Nó chỉ âm thầm chứ không giảm sút. Người Việt cần thơ và nó đã thành một thứ gen trong người Việt rồi, nên tôi không lo thơ sẽ mất đi.
- Nhờ những dấu hiệu nào để ông xác định lượng độc giả của thơ ổn định?
Trước hết, người Việt vẫn nói chuyện với nhau, vẫn vận dụng thơ ca và các nhà thơ vẫn xuất hiện rất nhiều, thậm chí còn nhiều hơn ngày trước. Nếu không ai đọc, các nhà thơ chắc chắn sẽ ít đi chứ không càng ngày càng nhiều hơn như bây giờ. Mỗi lần Hội Nhà văn xét hội viên thì tỉ lệ nhà thơ xin vào hội rất cao. Độ tuổi của họ cũng đa dạng, từ những người trẻ cho đến người trung niên.
Bên cạnh những nhà thơ viết hoa theo đúng nghĩa, tức những nhà thơ chuyên nghiệp, thì còn có các câu lạc bộ thơ. Hầu như tỉnh, thành nào cũng có câu lạc bộ của những người yêu thơ, những người làm thơ. Điều đó cho thấy thơ không bao giờ mất đi sức sống.
- Theo ông, vì sao thơ chưa được quảng bá nhiều như các thể loại khác?
- Tôi nghĩ do những người làm thơ thường có lòng tự trọng cao. Giữa thơ và văn xuôi, nghiên cứu, phê bình thì sự nhạy cảm của nhà thơ mạnh hơn. Đó có thể đó là lý do họ tránh quảng bá ầm ĩ, hoặc một cách tự nhiên không tham gia vào các hoạt động đó.
- Theo ông, điều gì khiến người ta vẫn cứ cần đến thơ mà những loại hình khác không thể thay thế được?
Càng lùi lại thì thơ càng đến gần với ta. Cho nên thơ không bao giờ rời xa con người và con người cũng luôn cần đến thơ.
Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương
- Thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ, được cô đọng và đặc biệt là rất gần với tâm linh. Mà nghệ thuật gần với tâm linh thì tôi nghĩ sẽ dễ đồng cảm, dễ đi sâu vào từng cá nhân hơn. Thơ có giá trị thủ thỉ như thế. Nó rủ rỉ với từng người, từng người một.
Đặc biệt trong thời đại mà con người cảm giác có rất nhiều thông tin, nhiều loại hình giải trí, thì lùi một bước thôi sẽ thấy con người cũng rất cô đơn. Ta càng lùi lại thì thơ càng đến gần với ta. Cho nên thơ không bao giờ rời xa con người và con người cũng luôn cần đến thơ, vấn đề nằm ở thời điểm của cuộc sống, thời điểm của tinh thần.
Nhà thơ trẻ cần nhiều bước chân bản lĩnh để tạo nên bản sắc
- Tuy không được tận dụng để quảng bá rộng rãi như nhiều loại hình nghệ thuật khác, song sự phát triển của công nghệ có ảnh hưởng đến đời sống của các nhà thơ?
- Rõ ràng là công nghệ thông tin tạo ra một lợi thế cho các nhà thơ trong việc quảng bá, phổ cập thơ. Nhưng tôi nghĩ nó không có tác động nhiều đến chất lượng và sự sáng tạo của người làm thơ. Ở khía cạnh nào đó, sự lan tràn của công nghệ thông tin cũng ảnh hưởng đến thơ. Theo quan điểm của một người đã gần 60 tuổi như tôi, đôi khi nó lại không có lợi đối với nhận thức.
Công nghệ thông tin cho người ta cảm giác rất nhiều thông tin, như thể họ đang ở trung tâm của đời sống. Một ngày mở điện thoại, mở báo ra, ta sẽ thấy như toàn bộ đời sống ập vào mình. Nhưng đó là những thông tin gián tiếp. Còn bản chất của thông tin ấy, của sự kiện ấy thì nhà thơ và người làm nghệ thuật phải tiếp cận trực tiếp. Điều quan trọng nhất đối với người viết vẫn phải là hút nhựa, hút dưỡng chất trực tiếp từ đời sống.
- Đối với những nhà thơ trẻ, những người lớn lên trong thời đại này, ông có lời khuyên nào để giúp họ tránh được những tình trạng như trên không?
- Không, tôi không có lời khuyên nào cả vì họ là người nắm tương lai. Họ sẽ có cách tồn tại của họ và con người kì diệu ở chỗ đấy. Bằng một cách nào đó, họ sẽ thích ứng với thời đại và thậm chí khi thích ứng rồi, họ còn tạo ra cả thời đại đó.
Tôi nghĩ trong bối cảnh ngày nay đã có đủ yếu tố cho những tài năng phát triển, vấn đề nằm ở tài năng. Nghệ thuật không phải lúc nào cũng có những người tài, mà phải mất bao nhiêu năm mới có được một nhà văn lớn. Tác động của xã hội hay của chính quyền tuy cũng có giá trị, nhưng giá trị nhất vẫn là ở cá nhân. Khi thời vận đến, những yếu tố đã hội tụ đủ, đất nước sẽ có những nhà văn lớn, nhà thơ lớn. Còn những cái khác tôi nghĩ chỉ mang tính vun đắp vào thôi.
- Chúng ta từng có nhiều bài thơ tạo được tiếng vang mà hầu như người Việt nào cũng biết, vậy theo ông đánh giá hiện nay có thể tìm được nhiều bài thơ như vậy không?
Điều quan trọng nhất đối với người viết là vẫn phải hút nhựa, hút dưỡng chất trực tiếp từ đời sống.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương
- Không nhiều, nhưng không có nghĩa là chất lượng thơ ngày nay so với xưa bị sụt giảm. Nó phụ thuộc vào tính chất của từng giai đoạn, từng thời kỳ. Ví dụ, ngày xưa các loại hình nghệ thuật hạn chế còn số lượng người đọc thì nhiều. Chúng ta từng có một thời văn học rất mạnh và gần như chiếm thế thượng phong so với các loại hình khác. Những thời điểm ấy thì các tác phẩm thơ nổi tiếng dễ hơn. Còn bây giờ, giữa rất nhiều thể loại, rõ ràng có sự cạnh tranh và trí nhớ của người ta phải san đều ra chứ không chỉ tập trung vào văn học thôi.
Hoặc ngày xưa in một tập sách rất khó, đôi khi phải chép vào sổ tay rồi học thuộc. Bây giờ thơ đã có thể được đọc trên điện thoại, trên máy tính, sách in... khi cần có thể giở ra được ngay. Cũng vì thế mà ngày nay không nhất thiết phải học thuộc thơ, nhưng khi hỏi từng người họ vẫn có ấn tượng về những bài thơ yêu thích.
Ngoài ra, trước đây thơ phải tuân thủ theo vần điệu, những quy tắc, vì vậy dễ đọc hơn. Còn bây giờ đã có những bước chuyển về thi pháp, về loại hình, chưa chắc đã dễ thuộc. Nhưng không dễ thuộc cũng không có nghĩa là nó không hay.
- Ông cảm thấy thế nào về tiềm năng của thế hệ các nhà thơ trẻ hiện nay?
- Về các nhà thơ trẻ bây giờ tôi nghĩ rằng họ có bản lĩnh. Bản lĩnh đó bắt đầu từ sự tự tin. Vì người trẻ bây giờ được học hành, được đào tạo và được tiếp nhận rất nhiều thứ, được cởi mở về các lý thuyết văn học, các trường phái. Thậm chí họ đã có thể theo kịp mặt bằng văn học của thế giới. Nếu như ở nước ngoài có một cuốn sách hay thì có thể vài tháng sau nó đã được dịch và phát hành trong nước. Đó là lợi thế rất lớn mà ngày xưa không có, giúp người trẻ có được sự tự tin, bản lĩnh. Ngoài ra, vẫn cần rất nhiều bước chân của bản lĩnh, sự bồi đắp qua thời gian để từ bản lĩnh đó có thể đến được bản sắc riêng.