Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Mộc mạc & tài hoa

Phần lớn trong gia tài thơ đồ sộ của mình, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết về chiến tranh, người lính và tạo được dấu ấn riêng.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Ảnh: Hoàng Thu Phố.

GS Mã Giang Lân từng nhận xét: "Nguyễn Đức Mậu như các nhà thơ Việt Nam cùng thời, cùng thế hệ, sống cùng nhân dân và chính cuộc sống chiến tranh với những gian khổ, hy sinh, những chiến tích anh hùng là chất liệu, nguồn cảm hứng dồi dào, phong phú cho thơ".

Tôi với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu là hàng xóm, chiều chiều trên “phố Nhà Binh” - phố Lý Nam Đế (Hà Nội) tôi thường gặp ông đi bộ. Ông đi chăm chú chứ không đi kiểu dề dà vừa đi vừa ngắm người ngắm phố. Kiểu đi ấy chỉ có ở những người ngay đến lúc tưởng là thư giãn nhất nhưng vẫn suy nghĩ về một điều gì đó?

Thực ra kiểu đi chăm chú như đang suy nghĩ ấy của ông, tôi đã từng được biết. Còn nhớ quãng hơn 30 năm trước, sáng ấy tôi tới Tạp chí Văn nghệ Quân đội với mục đích là để “hỏi thăm” chùm thơ tôi gửi tòa soạn đã lâu mà chưa thấy “xuất hiện”. Ngay hành lang tầng 2 của Tạp chí tôi thấy ông tay cầm tệp giấy, đi ngược hướng với tôi, dáng đi chăm chú, đầu ông hơi cúi xuống. Tôi cất tiếng chào ông nhưng vì đang mải nghĩ nên ông vẫn cứ đi.

Ông đi qua tôi chừng ba, bốn bước thì đột nhiên dừng lại, ông quay đầu nhìn tôi lúc ấy đang đứng trông theo, rồi hỏi: “Văn học trường nào nhỉ?”. Cũng chẳng đợi tôi trả lời thì ông lại nói tiếp: “Số tới có chùm thơ của Văn đấy”.

Phải nói là tôi mừng vô cùng, mừng vì có chùm thơ được in đã đành mà mừng vì gặp ông nhà thơ tiếng tăm từ hồi chống Mỹ. Tôi chưa một lần giáp mặt ông. Dĩ nhiên là ông thì tôi rất biết. Tôi biết thơ ông từ ngày tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ những ngày đầu tôi thành anh bộ đội. Những câu thơ, những bài thơ của ông viết về người chiến sĩ làm cánh lính trẻ chúng tôi say mê đọc, say mê chép vào sổ tay.

Nghe nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thông báo: “Số tới có chùm thơ của Văn” khiến tôi sững sờ. Tôi không ngờ cái thằng “thượng úy” quèn là tôi, lại có hẳn một chùm thơ đăng Tạp chí Văn nghệ Quân đội mới oách chứ. Tôi mừng đến luýnh quýnh quên cả nói câu cảm ơn. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thông tin xong thì ông lại quay người đi tiếp, vẫn cái dáng vừa đi vừa nghĩ cố hữu của ông.

Các tác phẩm mới của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

Các tác phẩm mới của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu sinh năm 1948, tuổi Mậu Tý. Năm 1966, khi vừa tròn 18 tuổi và vừa học xong lớp 10 (hệ 10) thì ông trở thành lính của Sư đoàn 312 lừng danh đánh rừng núi. Chính sự lừng danh đánh rừng núi ấy mà anh chiến sĩ trẻ Nguyễn Đức Mậu cùng đơn vị hành quân sang Lào. Ông đã cùng đơn vị đánh địch ở cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Hồi những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước thì khu vực Đông Bắc Lào này là nơi máy bay Mỹ ném bom ác liệt nhằm ngăn chặn tuyến hậu cần của ta từ Bắc vào Nam. Rồi ông còn cùng đơn vị giáp chiến với quân địch, đó là những trận đánh dữ dội và ác liệt.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu kể: “Năm 1969 - Trung đoàn tôi nhận nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Mới vào "thử lửa" được mấy tháng, quân số đã bị thương vong khá nhiều, phần vì sốt rét, vì bom mìn hay vì trực tiếp quần nhau với giặc. Tôi có người bạn thân hy sinh trong trận đánh đồi Mâm Xôi, cạnh thị xã Xiêng Khoảng. Đó là một đêm mùa đông, chúng tôi đưa thi hài anh về chôn cất ở nghĩa trang biên giới, máy bay Mỹ thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng, lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Tôi thấy những cây thông bị cháy, chĩa thẳng lên trời như những nén nhang lớn. Tôi viết bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” sau lần ấy”.

Ông kể tiếp: “Quê tôi ở xã Nam Điền, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Hồi tôi học cấp 2 thầy giáo dạy văn thấy tôi hay làm thơ thì bèn bảo: “Để thầy đưa em tới gặp nhà thơ Nguyễn Bính, xin ông ấy chỉ giáo, em có đi không?”.

Phải nói là cậu bé Nguyễn Đức Mậu gật đầu ngay lập tức. Thế rồi một hôm nghỉ học, ông thầy dạy văn đã chở cậu học trò thích làm thơ sang gặp nhà thơ Nguyễn Bính. Chả là hồi đó nhà thơ Nguyễn Bính công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Nam Định.

Từ quê ông sang tới nhà của nhà thơ Nguyễn Bính ở xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định hai thầy trò đèo nhau trên chiếc xe đạp lọc cọc. Chặng đường hơn hai chục cây số, lại vừa đi vừa nghe ngóng máy bay Mỹ ném bom nên mãi gần trưa hai thầy trò mới tới nhà. Rất may ông nhà thơ “Lỡ bước sang ngang” đang có nhà. Thế là một “cuộc nói chuyện thơ” diễn ra tự nhiên và thân mật. Nhà thơ Nguyễn Bính nghe thơ của cậu học sinh cấp 2 thì rất vui, ông còn bảo cố gắng học văn hóa cho giỏi.

Được lời như cởi tấm lòng, cậu học sinh Nguyễn Đức Mậu chăm chỉ học hành và cũng chăm chỉ làm thơ. Rồi ông đã mang “gia tài thơ văn” của mình ra mặt trận.

Tranh thủ những giờ phút hiếm hoi ngoài mặt trận, anh chiến sĩ trẻ Nguyễn Đức Mậu lại chăm chú làm thơ. Thời kỳ này thơ ông chủ yếu viết về đồng đội, viết về đơn vị mình. Năm 1972, chùm thơ “Ghi ở chiến trường”, “Đôi mắt”, “Đất” của ông gửi từ mặt trận về tham dự cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ đã đoạt giải Nhất. Ông cười vui và cho biết: “Giải thưởng đó là một khích lệ lớn với tôi”.

Nguyễn Đức Mậu thuộc lớp nhà thơ trưởng thành thời chống Mỹ. Với những sáng tác mang dấu ấn riêng về chiến tranh với những người lính và những kỷ niệm về quê hương suốt một thời đánh giặc. Có thể nói rằng, Nguyễn Đức Mậu từ một người lính làm thơ trở thành nhà thơ khoác áo lính.

Là một trong những nhà thơ viết nhiều nhất về chiến tranh, thơ Nguyễn Đức Mậu là ký ức về người lính, về đồng đội, về sự chờ đợi của người phụ nữ ở hậu phương trong những tháng năm trận mạc. Tâm hồn ông, suy nghĩ của ông và hành động của ông đều hướng về người lính.

Có lần tôi đã nói vui: “Bác đúng là một người lính già đầu bạc. Kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu không trả lời, ông im lặng, mãi sau ông nói nhỏ: “Tôi thực sự không thể nào nguôi ngoai được hình ảnh về khuôn mặt bạn tôi bị cháy đen. Ấy vậy mà đôi mắt của anh ấy cứ mở trừng trừng nhìn tôi không chịu khép. Hình như anh muốn gửi gắm điều gì? Tôi thẫn thờ nhìn hai hốc mắt không chịu khép của anh ấy, nó như hai hố đất sâu, như là hai vết thủng vòm trời”.

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng ASEAN năm 2001, cùng nhiều giải thưởng quan trọng khác. Tháng 12/2023 ông vừa cho ra mắt 3 đầu sách: “Nguyễn Đức Mậu tuyển tập thơ”, “Nguyễn Đức Mậu tuyển tập trường ca” và tập thơ “Có tiếng ai gõ cửa”.

Trong mạch cảm xúc về chiến tranh, về đồng đội ấy mà thơ của Nguyễn Đức Mậu hầu như dành hết cho đề tài “Chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam”. Ông tâm sự: “Đó mãi mãi là trách nhiệm của thế hệ cầm súng, cầm bút chúng tôi”.

Sau chiến thắng 30 tháng 4, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trở ra Bắc, ông được cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Khóa ấy gồm toàn những cây bút chiến sĩ trưởng thành trên chiến trường, họ đã thành danh cũng từ chính những trang viết về người chiến sĩ.

Sau ba năm học hành, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông làm biên tập viên thơ rồi làm Trưởng ban Thơ cho đến lúc “nghỉ đời quân ngũ”. Tôi nói vậy vì ông đâu đã chịu nghỉ làm việc. Nghỉ hưu, ông về phụ trách mảng thơ cho báo Văn nghệ. Mọi người cứ đùa vui rằng: “Có Nguyễn Đức Mậu “giữ” cho mảng thơ của báo Văn nghệ thì yên tâm rồi”.

Đúng như “tuyên ngôn” của mình hay nói cách khác là đúng như trách nhiệm của mình, ở tập thơ đầu tay “Thơ người ra trận”, in chung với nhà thơ Anh Ngọc, năm 1971, cả hai nhà thơ đều đã khẳng định về một đề tài mà thế hệ của ông đã, đang theo đuổi, đề tài người chiến sĩ.

Bên cạnh tấm lòng biết ơn đồng đội. Nguyễn Đức Mậu khắc họa hình ảnh chờ đợi, biểu tượng tấm lòng sắc son của người phụ nữ Việt Nam trong xa cách. Năm 1990, khi lên biên giới Vị Xuyên, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã xúc động viết bài thơ “Màu hoa đỏ”. Đó là một bài thơ được đánh giá là: Như một sự tri ân vô bờ bến đối với những người con đã xả thân vì nước, vì dân. Và chính những người chiến sĩ đã ngã xuống trên chiến trường ấy là “màu hoa đỏ” hiện hữu giữa thời bình, tiếp nối màu hoa đỏ rất đỗi vĩ đại của ngày hôm qua. “Có người lính/ Từ mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính/ Mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về/ Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây tre”.

Viết về chiến tranh, Nguyễn Đức Mậu đã có được những câu thơ đầy ám ảnh. Thơ Nguyễn Đức Mậu chân chất, mộc mạc ở tình cảm mà tài hoa, thi sĩ ở cách biểu đạt.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nha-tho-nguyen-duc-mau-moc-mac-tai-hoa-10270432.html